Chăm bẵm doanh nghiệp nhỏ, bảo đảm an ninh lương thực

Chăm bẵm doanh nghiệp nhỏ, bảo đảm an ninh lương thực
TPO - Các nhà lãnh đạo APEC hôm nay cam kết nâng cao năng lực và sức sáng tạo của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững để ứng phó biến đổi khí hậu.

Các nhà lãnh đạo APEC cam kết thực hiện hiệu quả Chương trình hành động Boracay để toàn cầu hóa MSME thông qua các sáng kiến và biện pháp cụ thể.

Quốc tế hóa doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa

Các nhà lãnh đạo sẽ có biện pháp nâng cao năng lực cạnh tranh và sức sáng tạo của MSME, bao gồm mở rộng khả năng tiếp cận của doanh nghiệp đối với vấn đề tài chính, công nghệ và xây dựng năng lực, đặc biệt là đối với doanh nghiệp do phụ nữ và thanh niên làm chủ.

Đồng thời thúc đẩy việc quốc tế hóa MSME và sự tham gia của họ vào Kế hoạch chiến lược của APEC về thúc đẩy chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) thông qua tăng tiếp cận tới nền kinh tế Internet và kỹ thuật số và gia tăng việc số hóa, năng lực cạnh tranh kỹ thuật số và khả năng chống chịu của MSME. Ngoài ra, tạo môi trường thuận lợi cho MSME, bao gồm việc thúc đẩy vấn đề đạo đức kinh doanh.

Các nhà lãnh đạo APEC cũng sẽ có hành động cụ thể để ủng hộ doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) thông qua việc thiết lập một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo với các khuôn khổ pháp lý thuận lợi giúp thúc đẩy môi trường thân thiện với doanh nghiệp, bảo đảm quyền tiếp cận tới các nguồn lực và xây dựng quan hệ đối tác và mạng lưới start-up.

Các nhà lãnh đạo thông qua Chiến lược APEC về MSME xanh, bền vững và sáng tạo.

An ninh lương thực, nông nghiệp bền vững và biến đổi khí hậu

Các nhà lãnh đạo APEC nhấn mạnh rằng, APEC có thể đóng vai trò chính trong việc bảo đảm an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, nuôi trồng thủy sản và ngư nghiệp ở châu Á-Thái Bình Dương và các khu vực khác, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và phát triển nông thôn-thành thị.

Các nhà lãnh đạo tái khẳng định cam kết đạt được một hệ thống lương thực APEC bền vững thông qua việc áp dụng Lộ trình an ninh lương thực APEC đến năm 2020.

Các nhà lãnh đạo hoan nghênh việc thông qua Kế hoạch hành động nhiều năm về an ninh lương thực và biến đổi khí hậu giai đoạn 2018 – 2020. Đồng thời thúc giục các nền kinh tế thúc đẩy nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và ngư nghiệp bền vững, đào tạo kỹ năng mới cho người lao động, đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng công nghệ để giảm thất thoát, lãng phí, nâng cao an toàn thực phẩm, năng suất nông nghiệp và khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính.

Các nhà lãnh đạo cũng sẽ hành động để cải thiện thị trường lương thực khu vực, tiêu chuẩn lương thực, thực phẩm và kết nối chuỗi cung cấp nhằm giảm chi phí cho ngành thương mại lương thực, thực phẩm, nâng cao tính minh bạch của thị trường và giúp các nền kinh tế nhập khẩu cũng như xuất khẩu thích ứng với sự biến động của giá cả lương thực.

Các nhà lãnh đạo APEC ghi nhận tầm quan trọng của việc xử lý các biện pháp phi thuế quan trong nông nghiệp và lĩnh vực lương thực, nhấn mạnh nhu cầu tạo lập môi trường thuận lợi về chính sách, luật lệ để thúc đẩy đầu tư vào ngành logistics hạ tầng nông thôn, ngành nông nghiệp để mở rộng độ kết nối của các thị trường lương thực. Đồng thời ủng hộ mối quan hệ đối tác công-tư của người nông dân đối với việc đẩy mạnh phát triển nông thôn-thành thị ở cấp độ khu vực và nền kinh tế.

Các nhà lãnh đạo APEC hoan nghênh việc thông qua Chương trình hành động về phát triển nông thôn - đô thị nhằm tăng cường an ninh lương thực và tăng trưởng chất lượng.

Các nhà lãnh đạo khẳng định cam kết thúc đẩy quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong việc bảo đảm an ninh lương thực bền vững, nâng cao năng suất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và ngư nghiệp. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh hợp tác APEC về sử dụng bền vững và quản lý hợp nhất về đất đai, rừng, các tài nguyên nước biển, thông qua các nỗ lực chung và hợp tác xuyên biên giới.

MỚI - NÓNG