Những ngày Sài Gòn phong tỏa tâm trạng nhạc sỹ ra sao?
Nhạc sỹ Bảo Thu: Tôi tuân theo chỉ thị của Nhà nước. 2, 3 tháng này tôi ở trong nhà, không đi ra khỏi cửa.
Ở nhà dài ngày ông có hoạt động gì để khuây khỏa?
Nhạc sỹ Bảo Thu: Dĩ nhiên là thời gian này tôi buồn lắm. Tôi đi tới đi lui. Nói chuyện với vợ, với con cháu. Lấy nhạc ra, lấy sách vở ra ngồi coi chứ đâu biết làm gì?
Dạo này ông có sáng tác mới không?
Nhạc sỹ Bảo Thu: Có. Tôi viết nhiều. Nhưng đa số là những nhạc phẩm phổ thơ của bạn bè.
Danh ca Giao Linh tiết lộ ông còn nhiều sáng tác từ ngày trẻ vẫn chưa được phổ biến. Có phải vậy không?
Nhạc sỹ Bảo Thu: Vâng, tôi còn khá nhiều nhạc phẩm chưa được phổ biến.
Nhạc sỹ Bảo Thu (áo đen) và danh ca Chế Linh (áo trắng) (Ảnh: NVCC) |
Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, theo ông, có nên nghe bolero hay tạm ngưng? Bởi bolero khá buồn?
Nhạc sỹ Bảo Thu: Ồ, bolero đâu có buồn? Bolero kể lể chuyện này, chuyện kia, chuyện thường tình thôi. Người ta hay nhầm những ca khúc bolero với những bài khác. Cứ gom tất cả nhạc vàng trước 75 vào “giỏ” bolero thì không đúng đâu .
Trên thực tế bolero cũng có lúc vui, tùy lời thôi. Thí dụ bài “Cho tôi được một lần” của tôi cũng vui, chứ đâu có buồn gì? Hay bài “Chiều làng em” của Trúc Phương cũng bolero đó, nhưng đâu có buồn? Quan trọng là ca từ thế nào? Như mấy bài của Ngô Thụy Miên, hay loạt bài không tên của Vũ Thành An có phải bolero đâu mà nhiều người cứ nhầm là bolero.
Bolero Việt Nam hơi mang âm hưởng của cổ nhạc miền Nam, kể lể những chuyện đã qua, nói về tình yêu quê hương…
Có người nói: Bolero cực kỳ dễ hát. Là tác giả của nhiều nhạc phẩm bolero nổi tiếng, ông có tán đồng quan điểm này?
Nhạc sỹ Bảo Thu: Bolero rất dễ hát mà cũng rất khó hát. Dễ ở điểm: Ai cũng hát được. Nhưng diễn tả cho hay lại khó. Mách nhỏ các bạn muốn hát bolero hay, hãy đọc kỹ từng đoạn để hiểu ý nghĩa, hiểu những gì tác giả muốn gửi gắm, sau đó nhập tâm diễn tả thì sẽ thành công.
Ông có thể tiết lộ: Ông thích danh ca nào hát nhạc của mình nhất?
Nhạc sỹ Bảo Thu: Khó nói lắm. Mình phải tế nhị xíu. Chủ trương của Bảo Thu như đã từng nói, ai hát nhạc của tôi, tôi đều hoan nghênh. Nếu người ta hát chưa chính xác tôi chỉ góp ý thôi. Không nên hát sai lời vì sai lời sẽ sai nghĩa. “Giọng ca dĩ vãng” hay bị ca sỹ hát sai lời. Thí dụ: “Nhưng em nuôi mộng ước về tương lai/Hoa mai giăng ngập nẻo đường em đi/Rồi em đành chối tiếng giao hòa/Từ li là tiếng thét đau lòng sầu đơn lối”. Nhiều người hát “tiếng thét đau lòng sầu muôn lối”. “Đau lòng sầu đơn lối” nghĩa là chỉ mình biết mình thôi. “Sầu muôn lối” thì đâu có sầu nữa?
Nhạc sỹ có thể tiết lộ thêm về nhạc phẩm “Nếu xuân này vắng anh” được yêu thích mỗi dịp tết đến xuân về?
Nhạc sỹ Bảo Thu: Bài đó tôi viết cuối năm 67. Phát hành năm 68. Đầu tiên là một giọng ca học trò mới thể hiện, cô Trúc Ly. Hát không xuất sắc lắm nhưng đơn giản, dễ chấp nhận. Trúc Ly khi đó còn rất trẻ, “Nếu xuân này vắng anh” cũng là bài đầu tiên cô ấy thu băng. Sau này rất nhiều người hát “Nếu xuân này vắng anh” như Giao Linh, Hương Lan, Như Quỳnh, Minh Tuyết… Mới đây nhất là Phương Loan, trên sân khấu Thúy Nga, cô ấy hát để nhớ về chồng, nghệ sỹ Chí Tài. Phương Loan hát tốt, gây xúc động.
Nhạc sỹ Bảo Thu và cố nhạc sỹ Phó Đức Phương (Ảnh: NVCC) |
Những ngày cách ly thu nhập của ông ra sao?
Nhạc sỹ Bảo Thu: Tôi không có thu nhập suốt 3 tháng nay. Quán nhạc của tôi bị nghỉ từ mồng 3 tháng 5 đến bây giờ. Tác quyền 1 quý nhận 1 lần. Quý 2 lẽ ra có rồi nhưng không hiểu sao chưa nhận được thông báo đến lĩnh.
Ông có định sáng tác về thời dịch bệnh này?
Nhạc sỹ Bảo Thu: Thực tế là khi cùng sáng tác về mùa xuân, mùa này, mùa kia, nhất là mùa dịch bệnh và mùa nước lũ thì dễ trùng ý tưởng lắm. Tôi phải làm sao để không trùng ý tưởng với người ta vì không thích bị mang tiếc bắt chước. Tôi đang nghĩ bài hát về mùa dịch nhưng mang cảm hứng tươi sáng và hi vọng. Tôi đã phác họa được cái khung rồi.