Khi chúng tôi đến bác Nguyễn Duy Chử, chủ nhà vườn Trung Khánh Ninh (Nghi Tàm, Hà Nội) còn đang tiếc ngẩn ngơ vì vừa bán mất cây lộc vừng trăm tuổi với giá rẻ 90 triệu đồng.
Bác cho biết, cây này bác bán cho một người cùng trong nghề chơi cây cảnh ở Nam Điền (Nam Định) để họ nuôi rồi bán tiếp, chứ bình thường đã không có giá mềm như vậy.
Hiện trong vườn nhà bác còn cây lộc vừng hơn 100 tuổi nữa, giá hơn 100 triệu đồng và luôn trong tình trạng bán lúc nào cũng được. Bác Chử mua cây lộc vừng này tại Hòa Bình và đã nuôi nó tám năm. Dáng cây cao lớn sum suê, thân mốc thếch.
Theo bác Chử, cây lộc vừng chín gốc ở Hồ Gươm nhỏ hơn cây này mà đã hơn 100 tuổi, chứng tỏ số tuổi cây lộc vừng vườn nhà bác còn cao hơn. “Bằng tuổi tôi bây giờ ít người mua và nuôi những cây nhiều tuổi như vậy. Nó cũng như của nả trong nhà, không bao giờ lỗ được nên không muốn bán” - Bác Chử nói.
Ngoài cây lộc vừng đại thụ, trong vườn nhà bác toàn các cây giá hàng chục triệu đồng. Cây sanh cảnh 45 triệu đồng. Cây bạt phong hồi đầu, tên được đặt theo dáng cây đổ theo chiều gió nhưng ngọn cây lại vươn lên cao, 70 tuổi, giá 30 triệu đồng.
Cây khế cảnh 16 tuổi giá 14 triệu đồng. “Hôm qua vừa có người nài 13 triệu đồng nhưng tôi nhất quyết không bán” – Bác Chử cho biết.
Theo lời bác Chử, bán cây nào đi cũng tiếc, nhất là những cây có niên đại trăm năm vì cây cổ thụ ngày càng khó kiếm, bán đi rồi không biết có mua lại được không. Đến cả người làm vườn ở một vùng đất chuyên cây cảnh như Nam Điền mà còn phải tìm về mua lộc vừng của bác thì chứng tỏ nguồn cây đã khan hiếm lắm rồi.
Cây lộc vừng hơn trăm tuổi, giá hơn 100 triệu đồng nhà bác Chử. Ảnh: Phạm Yên |
Ngay cạnh nhà bác Chử, anh Trường Xuân, chủ Cty TNHH Cây cảnh Trường Xuân cũng đang sở hữu trong vườn một cây lộc vừng và một cây tùng trăm tuổi, giá không dưới trăm triệu đồng mỗi cây.
Những cây tầm vài chục triệu đồng anh đã bán nhiều, hiện trong vườn chỉ còn một cây cần thăng 40 tuổi, dáng cổ thụ, giá 12 triệu đồng.
Theo anh Xuân, ở Hà Nội, số người sở hữu các cây cảnh giá vài chục triệu đồng không đếm xuể. Một số ít sở hữu những cây sanh, cây tùng la hán cổ thụ giá vài tỷ đồng. Nhưng được xem là đáng nể nhất, khủng nhất trong làng cây cảnh Việt Nam là cây sanh 300 tuổi hiện đang do một đại gia ở TP Hải Dương sở hữu.
Cây sanh này đã có người trả giá 18 tỷ đồng nhưng chủ nhân không bán. Chính anh Xuân đã về Hải Dương hai lần, trực tiếp thăm cây sanh và thừa nhận giá của nó là xứng đáng. “Đây là cây sanh số một Việt Nam hiện nay” – Anh Xuân khẳng định.
Rời vườn cây cảnh nhà anh Xuân khi lượng khách đổ về ngày một đông, chúng tôi tới vườn đào Nhật Tân. Giống năm ngoái, anh Vụ, chủ nhà vườn Hiệp Vụ thời điểm này tiếp khách tới xem đào không ngớt từ sáng tới khuya.
Cây đào thế giá 20 triệu đồng vườn nhà anh Vụ |
Đào nhà anh Vụ chủ yếu phục vụ người có thu nhập cao, giá cây cao nhất trong vườn khoảng 20 triệu đồng, nhưng chỉ là thuê gốc chứ không bán đứt. Số rẻ hơn, ít cũng vài triệu đồng/cây.
Đào đắt hơn năm ngoái không nhiều, nhưng quất thì giá lên gấp đôi, gấp ba. Tại vườn bác Sinh, khách vừa chở đi một cây quất thế giá chín triệu đồng. Cây ít tiền nhất trong vườn cũng một đến hai triệu đồng.
Theo bác sinh, người nghèo năm nay không dám chơi quất, càng không dám chơi cây cảnh vì giá cây có khi trên trời. Vậy mà với một bộ phận không nhỏ người có thu nhập cao, chỉ cần chủ cây đồng ý bán là rinh về.
“Mua những cây đắt tiền thế này chủ yếu là cá nhân chứ cơ quan nhà nước chẳng đâu dám mua. Đắt thế chứ đắt nữa, chỉ cần độc, càng cổ thụ càng tốt, là người ta sẵn sàng bỏ tiền tỷ ra mua, chỉ sợ không có mà bán.” - Bác Sinh quả quyết.