Cây là người

Người nước ngoài tuần hành cùng người dân thủ đô sáng 22/3 quanh hồ Thiền Quang, vì những cái cây. Ảnh: laodong.com.vn.
Người nước ngoài tuần hành cùng người dân thủ đô sáng 22/3 quanh hồ Thiền Quang, vì những cái cây. Ảnh: laodong.com.vn.
TP - “Việc chuyển đổi hay hủy bỏ một cái cây nào đó có lý do là chuyện bình thường như chúng ta ít nhất một lần từng làm trong vườn của mình. Nhưng một lúc hủy đi 6.700 cây thì quá bất thường. Nhưng sự nổi giận vừa qua của dư luận lại cho tôi hy vọng”- nhà thơ Nguyễn Quang Thiều lên tiếng về sự việc gây đang chấn động xã hội.

Anh nói trước kia đã luôn mang nỗi ám ảnh sợ hãi khi thấy những người mang cưa máy cắt và xẻ những cái cây đẹp trong thành phố. Trong khi cây cối với anh, là những công dân chính thức của thành phố này?

Nhà thơ Đỗ Minh Tuấn từng viết: “Với Nguyễn Quang Thiều, cây là người”. Nhận định đó của ông thông qua những gì tôi đã viết về những cái cây nói riêng và môi trường thiên nhiên nói chung.

Cảm giác và ý thức về những cái cây không chỉ là của tôi mà là của không ít người. Người Việt Nam có một phong tục mà đến giờ nhiều nơi người ta vẫn giữ. Đó là khi trong gia đình có một người mất thì họ chít khăn tang cho những cái cây trong khuôn viên nhà họ. Đó không phải là mê tín. Đó là một điều gì thật thiêng liêng và là thái độ của con người với thiên nhiên trong đó có những cái cây.

Nhiều nước trên thế giới có hồ sơ về những cái cây. Nhưng cái cây được chăm sóc và trọng thị như những sinh linh. 25 năm trước khi tới Mỹ lần đầu tiên, tôi nhìn thấy người ta đóng những chiếc hộp gỗ đẹp như chính đồ dùng trong nhà để bảo vệ những cái cây dọc vỉa hè khi họ chuẩn bị sửa chữa đoạn đường đó. Họ sợ những cái cây bị ảnh hưởng. Những cái cây thực sự là những công dân của thành phố với nhiều nghĩa.

Cây là người ảnh 1

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

Anh cũng nói “Những cái cây lấp lánh ánh sáng của những phiến lá và rực rỡ của những chùm quả đứng cạnh chúng ta và tỏa xuống tinh thần của những vẻ đẹp mà chúng ta không hề biết”. Có vẻ chỉ khi có một chiến dịch đốn hạ cây xanh rúng động thì nhiều người mới sực tỉnh về giá trị của cây cối và thiên nhiên nói chung trong đời sống đô thị ngột ngạt của mình?

“Tôi đang dùng trí tưởng tượng để hình dung ai đó cầm một chiếc bút đẹp ký vô tư vào văn bản “tàn sát” 6.700 cái cây. Câu chuyện này chưa hề có trên thế gian trừ những cuộc chiến tranh tàn khốc, những trận động đất và cháy rừng”. 

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

Đúng là như vậy. Sự thật là chúng ta đã và đang giết dần giết mòn những cái cây hay nói cách khác giết dần giết mòn thiên nhiên. Nhưng chỉ khi diễn ra một cuộc “tàn sát” với qui mô lớn chúng ta mới giật mình sợ hãi. Việc hủy hoại và tàn phá thiên nhiên là lỗi của những người quản lý và cả chúng ta nữa. Sự thức tỉnh của chúng ta cho dù mang một ý nghĩa quan trọng nhưng để phục hồi những gì đã chết là một chặng đường dài dằng dặc với biết bao công việc mà chúng ta không được phép dừng lại cho dù chỉ một ngày.

Hơn 20 năm trước, tôi đã viết một bài thơ về cái chết đó in trong tập Những người đàn bà gánh nước sông:

Gọi hồn

Dưới ánh sáng những vầng mây mùa đông

Bên những ngôi nhà cao tầng vừa thở dốc vừa chống gối đứng dậy

Bên những quán đang đổ rượu mê man vào một miền khô trụi

Những đám cỏ vô tình được cứu sống dạt vào nhau

Tôi mang cơn mơ nham nhở của màu xanh

Suốt tuổi thơ không hay cỏ từng ngày bị săn đuổi

Những con dế bật càng xa, xa mãi

Mưa giêng hai góa bụa khóc sang hè

Tôi đi qua cái chết của màu xanh với 30 năm vừa rũ chiếu vừa khóc

Tôi đi qua những kẻ sát nhân đang bắn vào hơi thở

Không nhìn thấy nhà tù nào mà mỗi ngày tôi mất đi một cỏ

Không nghe tiếng súng nào mà ngực cỏ vỡ đêm đêm

Chiều nay trên đại lộ bê tông xuyên vào thế giới cuối cùng của cỏ

Một con ngựa trắng đi cúi mặt, rũ bờm

Cỗ xe tang chở cái chết của màu xanh với hai cánh mũi lên cơn sốt rát bỏng

Và tất cả những vệt cơ đang rung lên tiếng hí gọi hồn.

Chưa bao giờ có một sự phẫn nộ, bàng hoàng đến thế của người dân Thủ đô đối với một đề án. Nhiều người lo âu rằng “cuộc tàn sát” như anh nói, sẽ không thay đổi nhiều lắm, chỉ là giãn thời gian và mật độ mà thôi?

Cuộc đấu tranh bảo vệ môi trường cũng như bảo vệ những giá trị văn hóa của con người chưa bao giờ ngưng nghỉ. Cuộc đấu tranh này phải được tiến hành ngày ngày. Cũng như vấn nạn giao thông.

Mỗi năm có trên dưới một vạn người chết vì tai nạn giao thông. Nhưng nếu 11 tháng trước đó, không có ai chết mà chỉ trong một tháng có một vạn người chết cho dù hậu quả của nó không thay đổi thì có lẽ ý thức chấp hành Luật Giao thông sẽ được cải thiện. Việc tàn phá thiên nhiên cũng vậy.

Tôi đưa so sánh đó để nói rằng: Chúng ta, cả người quản lý cho đến người dân, đã không hiểu biết và ý thức được điều đó. Cụ thể trong vụ việc này, lãnh đạo thành phố phải thuyết trình cho người dân sự đúng đắn của dự án nếu họ thấy đúng và muốn tiếp tục. Còn nếu cứ tiếp tục làm bằng những hình thức đối phó dư luận thì câu chuyện sẽ đẩy đến một vấn đề khác.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng phải thừa nhận chiến dịch đốn hạ, thay cây vừa qua là “nóng vội, giản đơn”. Ông còn đi vào cụ thể, ví dụ khi xác định cây xà cừ không phù hợp để trồng ở đô thị thì cách làm là không trồng mới xà cừ nữa, hoặc nếu loại bỏ thì chỉ loại cây bị gãy đổ, nguy hiểm chứ không bỏ tất cả cây xà cừ đang tươi tốt. Có lẽ, đến lúc mỗi chúng ta phải bàn câu chuyện về từng cái cây ở cái thành phố này?

Khi bàn đến câu chuyện của từng cái cây, từng hồ nước, từng con sông hay bàn đến việc vệ sinh công cộng, bàn đến một lối đi cho người khuyết tật ở những nơi công cộng nghĩa là chúng ta bàn đến chuyện nhân văn cho toàn xã hội. Đấy là con đường duy nhất đúng của mọi người có trách nhiệm và đang sống trong xã hội đó. Giết chết một cái cây, một hồ nước hay giết chết một con sông là gián tiếp giết chết con người. Đấy là chân lý.

Và anh có cho rằng người Việt nói chung “đơn giản như cục gạch”? Hoặc đôi khi chưa hẳn đơn giản mà là bị lợi ích vật chất bé nhỏ chi phối dẫn đến ngang nhiên, bất chấp? Không thể nói khác, một đời sống tinh thần nghèo nàn, tụt hậu về văn hóa?

Tôi từng viết một tản văn về những cái cây ở ban công các gia đình. Quả thực, chúng ta yêu và chăm sóc chúng như chăm sóc bản thân mình. Nhưng lại vô cảm hoặc giết chết không thương tiếc những cái cây ở bên ngoài cho tới những cánh rừng. Sự thiếu hiểu biết trầm trọng, thói ích kỷ và lòng tham vô độ đã dẫn đến những hành động đó.

Nhìn cảnh người Hà Nội ở nhiều nơi ngồi ăn uống trên một hè phố trơ trụi, bụi bặm, không một màu xanh và đầy mùi hôi thối của cống rãnh, xunh quanh ngập tràn xương xẩu và giấy ăn thì chúng ta nhận ra ngay văn hóa của người Thủ đô đang ở đâu.

Anh có cảm giác bất lực trước sự việc vừa qua?

Sự nổi giận của dư luận về vụ chặt cây cho tôi cảm giác hy vọng chứ không bất lực. Bởi có lẽ lần đầu tiên người dân thực sự sợ hãi và nổi giận khi những cái cây bị chết. Thái độ đó cho thấy sự thay đổi quan trọng trong nhận thức. Cũng bởi trước kia, không ít người dân đã đồng lõa với việc tàn phá môi trường thiên nhiên và văn hóa.

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.