Viện khoa học cũng kêu cứu
Với thế mạnh nông nghiệp của cao nguyên màu mỡ đất bazan, TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) nổi tiếng với nhiều loại cây trái, cây công nghiệp giá trị cao. Vì vậy, các chủ trang trại nhiều tỉnh thành thường đến đây tìm mua cây giống. Tuy nhiên, không ít người sau nhiều năm dốc vốn đầu tư cho vườn cây đành chặt bỏ chỉ vì mua nhầm cây giống dỏm.
Về độ tin cậy của các cơ sở chuyên sản xuất và bán cây giống mọc lên hai bên đường vào Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, “trung tâm cây giống” sầm uất nhất BMT, TS Trương Hồng, Phó Viện trưởng cho biết: Chỉ vài hộ mua chồi cây của Viện để về chiết ghép, còn lại đa số là vườm ươm tự phát, không có cán bộ kỹ thuật cũng chẳng có cây đầu dòng đạt tiêu chuẩn nhân giống. Địa bàn nơi Viện đứng chân mang địa danh buôn Ea Kmat.
Sự nhập nhằng na ná giữa tên cơ sở chuyên bán cây giống đã qua nghiên cứu khảo nghiệm của Viện với hàng chục cơ sở bán cây giống “lụi” bên ngoài cùng mang danh Ea Kmat khiến nhiều người cần cây giống gõ nhầm cửa. Viện nhiều lần kêu lên Thanh tra Sở NN & PTNT Đắk Lắk nhưng tình hình không thay đổi.
Mới đây, một địa chỉ kinh doanh cây giống giả hiệu đã bị anh Trịnh Xuân Mười, chủ sở hữu loại cây giống “Bơ Trịnh Mười” lật tẩy. Giống bơ cao sản do anh Mười chiết ghép chỉ bán tại Cty TNHH Mười Bơ Tây Nguyên, 73 Nguyễn Lương Bằng, xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột. Thế nhưng, ở thôn Hòa Thành (Hòa Đông, Krông Pắk) có cả cụm dân cư sống bằng nghề bán cây giống in giả nhãn hiệu Bơ Trịnh Mười.
Ông Nguyễn Hữu Cầu, Phó thôn Hòa Thành cho biết, một trong những thủ đoạn của những kẻ sản xuất cây giống dỏm là đột nhập vào các khu rẫy vắng chủ, vặt trộm chồi cây bất kể giống tốt xấu để về ghép bán. Mấy sào rẫy cà phê của ông Cầu nhiều lần bị vặt trộm chồi mà không sao bắt được thủ phạm.
Nhóm điều tra gồm anh Mười, nhà báo, công an xã, trưởng phó thôn cùng chứng kiến trong vườn nhà các ông bà Lý, Du, Giáp bạt ngàn túi cây giống giả nhãn hiệu “Bơ Trịnh Mười”. Lập biên bản thì bà Lý không chịu ký, các chủ hộ xung quanh thấy đoàn đến đều biến mất. Bà Lý nói rằng chồi để ươm do vợ chồng bà bẻ từ cây bơ sau vườn, túi nilon in sẵn thông tin mạo danh “Nhà vườn Trịnh Mười” được mua từ người không rõ địa chỉ, mỗi bịch bơ giống giả tại đây được bán với giá 15.000 đồng.
Sau đó, anh Mười lại phát hiện thêm một “ổ” làm giả giống Bơ của mình ở Đạt Lý, xã Hòa Thuận.
Phạt không xuể
Viện sản xuất cây giống kém chất lượng đã được cảnh báo từ năm 2008, tỉnh Đắk Lắk có chỉ thị yêu cầu cơ quan chức năng chấn chỉnh.
Tuy nhiên, trưởng các phòng ban chức năng thuộc Sở NN & PTNT Đắk Lắk đều cho biết không được bố trí đủ lực lượng và kinh phí để triển khai thường xuyên các biện pháp chứng nhận nguồn giống cây trồng, thanh tra và xử phạt các cơ sở vi phạm. Theo ông Huỳnh Quốc Thích, Trưởng phòng Trồng trọt “Thanh tra Sở cũng đã xử phạt một số cơ sở kinh doanh giống cây trồng trái phép, nhưng quán xuyến không xuể !”.
Trước mắt, theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, để tránh mua nhầm giống dỏm giống giả, nông dân nên đến thẳng cơ sở chuyên cung ứng giống cây của Nhà nước, như Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi của tỉnh, Viện KHKT Nông-Lâm nghiệp Tây Nguyên, cơ sở bán giống Mắc Ca duy nhất ở huyện Krông Năng hoặc vài cơ sở kinh doanh cây giống đã có thương hiệu, được cấp giấy phép chính thức.