Cây gia phả 3 thế hệ bò tót lai quý hiếm ở Phước Bình

Bò tót xuống núi "oanh tạc" đàn bò cái nhà
Bò tót xuống núi "oanh tạc" đàn bò cái nhà
TPO - Sự vô cảm, thiếu trách nhiệm của các cơ quan chức năng khiến đàn bò tót lai F1 bị ốm đói, suy kiệt khiến dư luận dậy sóng. Rất may đàn bò này vẫn còn cơ hội phục hồi và điều đáng vui mừng là đã tạo ra 3 thế hệ bò tót lai quý hiếm.

Chuyện bắt đầu từ năm 2009, khi một con bò tót đen trũi, sừng cong vút, nặng cả tấn rời rừng sâu xuống khu sản xuất nông nghiệp của người dân ở thôn Bạc Rây 2 (xã Phước Bình, huyện Bác Ái, Ninh Thuận, vùng đệm vườn quốc gia Phước Bình) để kiếm ăn và ve vãn, giao phối với bò cái trong các đàn gia súc.

Cây gia phả 3 thế hệ bò tót lai quý hiếm ở Phước Bình ảnh 1 Bò tót độc chiếm, giao phối với đàn bò cái nhà.

Khi phóng viên báo Tiền phong tìm đến khu vực này, nhiều cán bộ và người dân cảnh báo chỉ nên quan sát từ xa chứ đừng lại gần vì con bò tót này đã húc bị thương ba người và quật chết 1 con bò đực.

“Lão” bò tót này thường xuyên xuất hiện trên nương rẫy, hung hăng kéo sụp chòi canh; quật đổ ngổn ngang và giẫm đạp tơi bời cây trái, hoa màu khiến nhiều người hoảng sợ. Bà con chỉ dám lên rẫy vào ban ngày; đến khi mặt trời sắp khuất núi thì vội vã trở về nhà để tránh bị bò tót tấn công. Có những lúc, bò tót theo bò cái về tận thôn Bạc Rây 2 khiến nhiều người khiếp vía, phải sang thôn khác ngủ nhờ.

Đáng chú ý là những cuộc “oanh tạc” giữa bò tót với bò nhà đã cho ra đời khoảng 10 con bò tót lai.

Từ năm 2012-2014 Vườn Quốc gia Phước Bình và Trung tâm Ứng dụng KH&CN tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành đề tài liên tỉnh nhằm nghiên cứu khả năng sinh sản của đàn bò tót lai nói trên.

Kết quả giám định di truyền, phân tích bộ nhiễm sắc thể đàn bò quý hiếm cho thấy chúng là con lai thế hệ thứ nhất (F1) của bò tót rừng và bò cái nhà với 50% máu bò tót. Ngoại hình và màu lông của chúng tương tự “lão” bò tót, tăng trọng nhanh, trọng lượng lớn, chịu đựng tốt các điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Cây gia phả 3 thế hệ bò tót lai quý hiếm ở Phước Bình ảnh 2 Bò tót lai F1.

Giới nghiên cứu đã thu thập và bảo tồn 10 cá thể bò tót lai quý hiếm này.   

Đến năm 2015, con bò tót rừng lăn ra chết vì già yếu. Để phát triển nguồn gen bò tót quý hiếm, Trung tâm Ứng dụng KH&CN tỉnh Lâm Đồng triển khai đề tài cấp quốc gia: “Khai thác và phát triển nguồn gen bò quí hiếm tại vùng rừng giáp ranh 3 tỉnh Ninh Thuận - Lâm Đồng - Khánh Hoà”.

Theo ông Nguyễn Như Chương, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KH&CN Lâm Đồng, do Khánh Hòa không có đối ứng kinh phí mua 20 bò cái nền, nên đề tài đã phối hợp với các hộ dân, gồm ông Nguyễn Đình Tích và ông Nguyễn Văn Chuẩn. Ông Chuẩn có 16 con bò cái vàng và 1 bò tót lai F1, còn ông Tích có 7 con bò cái vàng.

Kết quả của đề tài là tạo ra 3 bò tót lai quý hiếm thế hệ thứ 2, trong đó có 1 bò đực. 3 con bò tót lai F2 này mang trong mình 25% máu bò tót và bộ NST cân bằng 2n = 60; có ưu thế thích ứng, chống chịu tốt với ngoại cảnh, năng suất và chất lượng thịt cao.

Cây gia phả 3 thế hệ bò tót lai quý hiếm ở Phước Bình ảnh 3 Bò tót lai quý hiếm F2.

Sau khi trưởng thành, bò cái quý hiếm thế hệ thứ 2 đã được bò đực nhà phối giống cho ra 2 con bê thế hệ thứ 3 (chuyện hiếm có trên thế giới) với ngoại hình có những nét giống bò nhà và cả bò tót lai F2. Chúng nhanh nhẹn và nhút nhát như bò tót.

Cây gia phả 3 thế hệ bò tót lai quý hiếm ở Phước Bình ảnh 4 Bê con thế hệ thứ 3.
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.