> Cây to đổ đè ngang xe buýt
> Bão số 6 làm 5 người chết, mất tích
Cây xanh đổ đè bẹp xe buýt. Ảnh: PV. |
Hiểm họa từ cây đường phố
“Hiện trên địa bàn có rất nhiều biển báo, đèn tín hiệu bị cây xanh che khuất tầm nhìn gây mất an toàn cho người tham gia giao thông. Trong mùa mưa bão, đã có nhiều trường hợp tai nạn thương tâm do cây xanh gãy đổ gây nên. Chúng tôi đã phải liên tục gửi văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan cắt tỉa hay có các biện pháp cảnh báo về nguy cơ cây xanh gãy đổ trên nhiều tuyến phố”, ông Nguyễn Văn Tòng-Phó trưởng Phòng CSGT Hà Nội cho biết.
Theo ông Tòng, Phòng CSGT đang phải phối hợp với Công ty, Công viên cây xanh xử lý, cắt bỏ cành cây, vật cản che khuất biển báo, đèn tín hiệu ở 40 nút giao trên địa bàn. Bởi tại nhiều nút giao thông, nhiều biển báo trở nên vô tác dụng khi bị cây xanh che khuất.
Theo kế hoạch, trong năm 2013, Công ty Công viên cây xanh sẽ cắt sửa 3.000 đến 4.000 cây xanh các loại; chặt hạ khoảng 500 đến 1.000 cây. Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hiện thành phố đang giao cho các đơn vị hoàn chỉnh các quy định để thực hiện đề án “Cải tạo, thay thế cây xanh đô thị hai bên đường phố đến năm 2015”. Theo đó, tất cả các cây xanh đô thị đều phải được xác định chủ sở hữu do tổ chức, cá nhân quản lý hoặc được giao quản lý... |
Ông Nguyễn Đức Mạnh, Phó phòng Kế hoạch-Tổng hợp (Công ty Công viên cây xanh) cho biết, từ đầu năm đến nay trên địa bàn Hà Nội ghi nhận gần 100 trường hợp cây xanh lâu năm bị gãy đổ. Riêng từ đầu tháng 9 đến nay, đã có gần chục cây xanh cổ thụ bị bật gốc. Điều đáng nói, nhiều trường hợp đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
Rạng sáng 8/8, một cây muồng trên phố Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng) bất ngờ đổ xuống làm chết một người đi đường. Còn vào ngày 5/9, một cây xà cừ lớn cũng trên phố Bà Triệu đã bất ngờ bật gốc, đổ xuống đè lên chiếc xe buýt đang lưu thông trên đường. Cũng tại quận Hai Bà Trưng vào tháng 8 năm ngoái, một cây xà cừ trên phố Lò Đúc đã đổ đè bẹp chiếc taxi, khiến một tài xế chết tại chỗ.
Theo lý giải của ông Mạnh, bên cạnh sự biến đổi bất thường của thời tiết, nguyên nhân cây xanh gãy đổ liên tục còn do việc hạ tầng đô thị bị “biến dạng”. “Nhiều tuyến phố do việc cải tạo, thi công vỉa hè lòng đường đào lên lấp xuống liên tục nên ảnh hưởng rất nhiều đến cây xanh. Chẳng hạn, việc thi công xây dựng vỉa hè thường hạ cốt hoặc nâng nền lên cao làm cho rễ cây lâu năm bị nông cạn dẫn đến cây dễ gãy đổ khi mưa bão”, ông Mạnh nói.
Dân có quyền khởi kiện
Theo Công ty Công viên cây xanh, hiện đơn vị đang quản lý khoảng trên 46.000 cây xanh có bóng mát được trồng trên nhiều tuyến phố thuộc 9 quận và 1 huyện của Hà Nội.
“Vừa qua, chúng tôi được thành phố giao tiếp quản thêm 1.700 cây xanh tại các khu đô thị mới như Dương Nội, Xa La (quận Hà Đông), khu đô thị Việt Hưng (quận Long Biên). Trong thời gian tới sẽ tiếp quản thêm cây xanh của nhiều khu đô thị khác nữa, nên việc quản lý và xử lý các sự cố cây xanh đổ gãy trong mùa mưa bão cũng rất nặng nề. Hơn nữa, thời gian qua, mưa nhiều nên có những cây đổ bất thường, khó biết trước”, lãnh đạo Công ty Công viên cây xanh cho biết.
Đề cập về trách nhiệm trước những trường hợp cây xanh gãy đổ gây thiệt hại cho người dân, lãnh đạo công ty này cho rằng, cho đến thời điểm này vẫn chưa có một quy định cụ thể nào về trách nhiệm của đơn vị quản lý cây xanh đối với những trường hợp cây đổ, cành gãy do thiên tai.
“Về mặt pháp lý, cây xanh trên tuyến phố thuộc quyền sở hữu của thành phố và chúng tôi chỉ quản lý theo đơn đặt hàng của thành phố. Việc tai nạn do cây xanh đổ trong dịp mưa bão là những tai nạn đáng tiếc. Cách đây 2 năm, công ty đề xuất cho phép mua bảo hiểm hoặc được tính quỹ dự phòng 2% để đền bù những trường hợp do khách quan, bất khả kháng làm cây đổ, cành gãy, gây thiệt hại về người và tài sản. Tuy nhiên, đề xuất này đến nay vẫn chưa được phê duyệt”, lãnh đạo Công ty Công viên cây xanh cho biết.
Ông Nguyễn Văn Tòng cho rằng: “Cần phải quy rõ trách nhiệm của các đơn vị được giao nhiệm vụ về quản lý cây xanh. Chẳng hạn, những cây nguy hiểm thì họ phải có cảnh báo, phải có lực lượng kiểm tra chứ không phải khi xảy ra tai nạn rồi bảo do thiên tai bất khả kháng. Hằng năm thành phố phải chi hàng tỷ đồng cho duy trì, bảo vệ cây xanh thì các đơn vị liên quan cũng phải chịu trách nhiệm”, ông Tòng nhấn mạnh.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Dũng (Đoàn luật sư Hà Nội), Bộ Luật dân sự đã có điều khoản về bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra. “Luật pháp đã quy định chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại do cây cối đổ, gãy gây ra, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do bất khả kháng. Khi xác định được lỗi là do cơ quan quản lý cây xanh không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình như cắt tỉa các cành cây khô, có nguy cơ gãy, rơi xuống đường thì họ phải chịu trách nhiệm bồi thường và người dân có quyền khởi kiện để tòa án giải quyết theo quy định pháp luật”, luật sư Dũng phân tích.