Cầu treo 'treo' cả lối vào

Cầu treo được xây dựng ở xã thôn 8 xã Ea Huar.
Cầu treo được xây dựng ở xã thôn 8 xã Ea Huar.
TPO - Đề án 186 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) giúp tỉnh Đắk Lắk xây dựng 9 cây câu dây văng ở các huyện Buôn Đôn, Krông Năng, Krông Ana, Krông Bông và thị xã Buôn Hồ. Tuy nhiên, khi đưa vào sử dụng mới rõ nhiều cầu không có đường lên, dân chúng rất khó khăn khi di chuyển.  

Niềm vui có cầu mới

Chúng tôi đến các điểm có cầu mới xây như thị xã Buôn Hồ, xã Ea Huar (huyện Buôn Đôn), xã Hoà Lễ (huyện Krông Bông). Nhiều nơi, cầu đã được thông xe. Người dân địa phương cho biết:  Từ lúc có cầu mới, việc qua sông suối của dân đã không còn nguy hiểm như thời báo đài chưa lên tiếng, khi người dân còn đu dây hoặc đi trên những chiếc cầu tạm mục nát.

Ông Phạm Viết Hưng, trú tại phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ cho biết bên kia con suối có hơn 300 héc ta rẫy cà phê của người dân phường Thống Nhất, cả phường vẫn có thói quen đi qua chiếc cầu gỗ tạm bợ. “Khi cầu chưa xây, chúng tôi tự đóng góp tiền, làm cây cầu gỗ, đi oằn èo. Chỉ cần sơ sảy một chút là nguy đến tính mạng. Nay có cầu kiên cố, chúng tôi yên tâm hơn mỗi lần di chuyển”, ông Hưng chia sẻ.

Tương tự, ở xã Ea Huar có cây cầu dây văng mới bắc qua suối Ea M’roh. Bên kia suối, là hơn 1.000 héc ta đất nông nghiệp của người dân hai thôn 7 và thôn 8. Trước kia người dân nơi đây vẫn thường đu dây “bay” qua suối đi làm. 

“Dây đu không chỉ đưa chúng tôi lên rẫy, mà còn là công cụ vận chuyển nông sản. Biết là nguy hiểm, nhưng không còn cách nào khác. Mỗi năm, tại đây có tới mấy chục vụ tai nạn khác nhau, nhẹ thì bầm dập chân tay, nặng thì gãy xương. Đầu năm nay, cầu mới hoàn thành, chúng tôi không còn phải lo cảnh đu dây, giỡn mặt với tử thần nữa !”- Chị Hoa trú tại thôn 7 kể.

Ông Nguyễn Khắc Hùng- Chủ tịch UBND xã Ea Huar xác nhận: Bao năm qua, dân chúng di chuyển bằng dây đu, rất nguy hiểm. Giờ xã đã có 2 cây cầu mới, chúng tôi đỡ lo cho việc đi lại của người dân !  

Chưa hề trọn vẹn.

Nhưng có nhiều chỗ niềm vui mừng cầu mới của người dân chưa được trọn vẹn, vì có những câu cầu dây văng mới đang đứng trước nguy cơ bị “treo”. 

Xã Hoà Lễ, huyện Krông Bông được phê duyệt xây dựng 2 cầu treo tại hai thôn 2 và thôn 6. Đến nay, công trình cầu tại hai thôn đã đưa vào sử dụng, tuy nhiên lại không có đường dẫn vào cầu.

Hai cầu treo ở xã Hoà Lễ rất gần với khu đông dân cư, mỗi ngày có hàng trăm lượt người qua lại, đó là chưa kể đến thời điểm thu hoạch nông sản. 

Thực tế, khi triển khai xây dựng cầu, nhà thi công chỉ mướn đất của người dân để vận chuyển vật liệu, khi hoàn thành, phải bàn giao mặt bằng, lối lên cầu không còn nữa. 

Ông Võ Châu Thắng, cán bộ Quản lí Giao thông - Thuỷ lợi xã Hoà Lễ cho biết: mặc dù đã được đầu tư xây dựng kiên cố, nhưng việc không làm đường giao thông dẫn lên cầu khiến cầu ở xã này đứng trước nguy cơ không có người đi. 

“Làm xong, mới thấy phát sinh điều bất cập là đường dân sinh dẫn đến cầu không có. Dù người dân đều đồng ý hiến đất làm đường”, ông Thắng cho hay.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Hoài, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng UBND huyện Buôn Đôn cho biết, trên địa bàn huyện được bố trí xây dựng 4 cây cầu theo Đề án 186 của Bộ GTVT. 

Trong 4 cầu được làm, chỉ có hai cầu ở thôn 7 và thôn 8 xã Ea Huar là có lối vào, nhưng vẫn còn đường đất, mùa mưa bà con di chuyển rất vất vả. Hai cầu còn lại ở thôn 8 và thôn Ea Kly, xã Ea Wer hiện chưa có đường lên. Ngân sách của địa phương cũng như của huyện chưa có đủ để triển khai”, ông Hoài nói. 

Cầu treo 'treo' cả lối vào ảnh 1 Cầu dây văng tại phường Thống Nhất chưa có đường vào.

Ông Tô Quang Dịnh, Phó trưởng phòng Quản lý Giao thông, Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk cho biết : Đề án 186 của Bộ GTVT chỉ thực hiện phần làm cầu, phần còn lại, UBND huyện, xã tự bố trí vốn. Ngày 23/6/2014, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo việc phối hợp thực hiện làm cầu treo ở các địa phương, nhưng thực tế đến nay, nhiều cầu sau khi hoàn thành vẫn không có lối đi vào, do địa phương chưa có vốn.

MỚI - NÓNG