Hai cầu dân sinh trên được khởi công vào tháng 10/2018 tại xã Lộc Yên, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) do Ban Quản lý dự án 4 thuộc Tổng Cục đường bộ làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại 343. Hai cầu có tổng mức đầu tư gần 8 tỷ đồng. Trong đó cầu Hưng Yên được thiết kế với chiều rộng 4m, dài hơn 102m với kinh phí đầu tư 6,7 tỷ đồng, còn cầu Ông Lĩnh đầu tư gần 1 tỷ đồng.
Đây là công trình nằm trong gói thầu HT05X1 thuộc dự án Lramp sử dụng vốn vay của ngân hàng thế giới (WB). Mục đích của dự án là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, sinh hoạt, vùng dân tộc thiểu số có điều kiện đi lại khó khăn, đặc biệt là trong mùa mưa lũ…
Dự án cầu dân sinh này được hoàn thành và bàn giao sử dụng vào 8/2019. Thế nhưng sau trận lũ vào tháng 9 cả hai cây cầu đã có dấu hiệu xuống cấp, đặc biệt tại vị trí mố cầu bị sạt lở nghiêm trọng.
Theo quan sát tại cầu Hưng Yên hai bên thành cầu bị bong tróc, đường dẫn lên cầu xuất hiện nhiều vết nứt. Đặc biệt, phần đất đắp tại chân mố cầu và mái taluy bao quanh bị xói lở hở hàm ếch làm lộ phần móng ra ngoài. Còn tại cầu Ông Lĩnh, một bên đường dẫn lên cầu bị bong hết lớp bê tông ra ngoài, cọc lan can bị gãy đổ vứt ngổn ngang bên đường. Ngoài ra, lề đường 2 đầu cầu cũng bị xói lở nghiêm trọng.
“Địa hình ở đây thấp trũng, năm nào cũng hứng chịu lũ lụt. Riêng đợt lũ hồi tháng 9 thì không phải là to lắm, nhưng khi nước rút thì hai cây cầu hư hỏng rất nhiều vị trí. Sau đó họ đã cho người về tu sửa theo hình thức chắp vá nhưng chúng tôi thấy cần phải kiểm tra lại chất lượng công trình này”, ông Trần Văn Hữu (59 tuổi), trú tại xã Lộc Yên nói.
Liên quan đến sự việc này, ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND xã Lộc Yên, huyện Hương Khê cho biết hai cây cầu vừa được bàn giao và sử dụng đến nay được khoảng 3 tháng. Tuy nhiên do trận lũ lụt vào tháng 9 khiến cầu có dấu hiệu xuống cấp.
Lý giải về tình trạng này, ông Võ Tá Thanh, đại diện Ban quản lý dự án 4 cho biết, nguyên nhân khiến hai cây cầu hư hỏng là do ảnh hưởng của trận lũ lụt vào hồi tháng 9 và phần nữa do kinh phí ít.
“Theo tiêu chuẩn việc đắp bờ thường có trồng cỏ chống xói, nhưng ở đây bị bỏ hết, không duyệt phần trổng cỏ để tiết kiệm chi phí. Trên các cây cầu khác, nếu để ý sẽ có các ống thoát nước ở giữa nhưng ở đây lại không có, từ đầu đến cuối để nước chảy ra hai đầu cầu dẫn đến việc mô cầu bị xói mạnh. Đây một phần cũng do lỗi của đơn vị thi công nữa”, ông Thanh nói và cho biết hiện đã giao cho đơn vị thi công bổ sung, lên phương án khắc phục sự cố nói trên.
Cũng theo đại diện ban quản lý dự án 4, tại Hà Tĩnh có 73 cây cầu được xây dựng nằm trong dự với tổng mức đầu tư chỉ có 136 tỷ. Tiền chi phí xây lắp khoảng 110 tỷ đồng. Riêng cầu Hưng Yên là một trong những cây cầu to nhất nằm trong dự án.
Một số hình ảnh Tiền Phong ghi lại tại hiện trường: