Bà Nga cho biết rất khâm phục ý chí và sự kiên trì của Ngọc Châm – nữ cầu thủ xuất sắc, nhạy bén của hàng tiền đạo tuyển nữ Việt Nam. Châm hay bị chấn thương đầu gối, phải bó bột hai chân song vẫn kiên trì tập luyện, quay lại đá. “Quay lại đá giải rất tốt, nhưng tới giải chính thức Châm lại vắng mặt, tôi thực sự rất tiếc, nhưng luôn khâm phục sự kiên trì và tình yêu bóng đá của Châm – gương điển hình của bóng đá nữ”, bà Nga nói.
HLV phó Thúy Nga chia sẻ, từng nhiều lần tham dự SEA Games và trong 5 lần vô địch thì bà 4 lần đi cùng đoàn. Chế độ của nhà nước so với tất cả các môn đều như nhau, có tăng so với trước. Chế độ của VFF cũng tăng. Sự khác biệt về chế độ đối với nam nữ là vấn đề của xã hội, là sự quan tâm của xã hội. Tôi vẫn động viên các em phải đá hay bởi bóng đá là môn nghệ thuật, cầu thủ là nghệ sĩ. Muốn được quan tâm thì phải đá thật hay. “Các cầu thủ nữ rất mạnh mẽ nhưng họ vẫn là những người phụ nữ thôi. Dẫn dắt đội tuyển nữ, HLV phải gắn kết được các cầu thủ trong tình đồng đội, khiến họ yêu thương nhau như một gia đình, đồng thời cũng rành mạch, rõ ràng, công tâm. HLV Mai Đức Chung làm rất tốt điều đó”, HLV phó Thúy Nga nói.
Chia sẻ tại buổi giao lưu, tuyển thủ Vũ Thị Nhung cho biết: “Không chỉ tôi mà tất cả các tuyển thủ nữ đều lo lắng khi nghĩ đến ngày giải nghệ. Điều mà tôi và các bạn mong muốn nhất, đó là sau khi chia tay sự nghiệp thi đấu, sẽ được ở lại các CLB làm trợ lý huấn luyện hoặc được làm giáo viên thể chất trong trường học”.
Tuy đang thời kỳ đỉnh cao, nhưng tuyển thủ Tuyết Dung cũng không khỏi lo lắng cho tương lai. “Dù bận rộn tập luyện, thi đấu từ CLB đến đội tuyển nhưng tôi vẫn phải cố gắng đi học lấy bằng. Sau này nếu có cơ hội được làm huấn luyện viên thì quá tốt. Còn nếu không thì làm trái ngành trái nghề, giáo viên thể thao chẳng hạn”, Dung nói.