Cầu phao 'Hai Lúa' ở Bến Hải

Toàn cảnh cầu phao Huỳnh Xá Hạ Ảnh: H.T
Toàn cảnh cầu phao Huỳnh Xá Hạ Ảnh: H.T
TP - 30 tháng 4 lịch sử này, chiếc cầu phao đầu tiên bắc qua dòng Bến Hải do bốn nông dân chân đất ở đất thép Vĩnh Linh (Quảng Trị) thiết kế, thi công, chẵn chòi một tuổi. Nhịp cầu nối những bờ vui với bao chuyện..

> Phường bộ đội

Một góc cầu phao
Một góc cầu phao.

Buổi sáng, qua cầu phao, gặp một thanh niên thấp nhỏ, bận quần soóc, đeo kiếng đen mười mấy ngàn của Tàu, trông rất vui mắt tên Cường, đang thu vé cầu. Xe máy 4 ngàn đồng một lượt, xe đạp 2 ngàn.

Cứ thế, khách qua lại nườm nượp, người đi chợ, kẻ ra đồng, cô giáo đến lớp, học sinh tới trường cấp 3 trong Gio Linh, dưới miệt Cửa Tùng. Cường bảo, đổ đầu mỗi ngày ngót nghét thu được triệu đồng.

Bốn người nhà của bốn ông chủ bỏ tiền dựng cầu thay nhau trực, hai ngày một phiên, mỗi ngày tiền công 150 ngàn.

Tiền thu được mỗi ngày của phiên ông chủ nào thì ông chủ đó giữ luôn. Tôi hỏi Cường về ông chủ của dự án cầu phao Huỳnh Xá Hạ Trần Văn Trường này.

Ông Trường ở làng Phan Hiền. Tìm đến nhà, mấy đứa trẻ đang i a học bài, thấy khách vội ra thưa bảo, mẹ cháu đi bán tôm ngoài Hồ Xá, ba cháu đang làm đường ở xa, tận dưới rú Lịnh Vĩnh Hiền.

Nhà ông Trường đổ bằng đã lâu nhưng chưa áo hồ, mạch gạch nham nhở, cửa ngõ đơn giản. Sau này tôi biết thêm, chạy vạy gom góp làm cầu xong, kẹt, ông Trường đành bán con Wave, làm xa phải đi nhờ xe của bạn nghề.

Cũng may, lò dò tìm được ông Trần Duy Bôn, 60 tuổi, là Trưởng làng văn hóa Huỳnh Xá Hạ. Ông Bôn vào chuyện...

"Bốn anh em tui ra chính sách, các cháu học sinh thuộc diện gia đình khó khăn khi qua cầu được miễn phí hoàn toàn, còn những người thường xuyên qua lại thì được giảm giá vé, mỗi tuần khuyến mại một ngày".

Vùng gò đồi ba xã Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn, Vĩnh Thủy cách QL1A không xa nhưng bị tách biệt với bên ngoài bởi các nhánh sông Bến Hải. Người dân muốn ra QL1A để đi vào thành phố Đông Hà đều phải đi vòng lên thị trấn Hồ Xá, Vĩnh Linh hoặc phải phó mặc may rủi trên những chuyến đò ngang.

Bởi thế, ước mơ có một cây cầu để rút ngắn khoảng cách luôn thường trực trong những người dân nghèo ở đây. Vậy là bốn nông dân chả giàu có gì nhưng cháy bỏng ước mơ làm một cây cầu, đã gặp nhau.

Ông Bôn trên mé cầu phao tự tay mình xây dựng
Ông Bôn trên mé cầu phao tự tay mình xây dựng.

Ông Trường ở Phan Hiền, ông Bôn ở Huỳnh Xá Hạ, ông Trần Công Chức ở Nam Sơn của xã Vĩnh Sơn này và ông Phan Dũng trong Triệu Thuận, Triệu Phong tâm đầu ý hợp, chụm đầu lên kế hoạch dựng cầu qua sông Bến Hải, nhánh Bến Tắt, nối thôn Huỳnh Xá Hạ với Quốc lộ 1A.

Hồ sơ hoàn tất rồi mang đến cơ quan đăng kiểm thẩm định ở Huế phải hàng chục lần. Chính quyền hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh rất đồng lòng ủng hộ.

Tất nhiên, để thiết kế được mô hình chiếc cầu phao, cả bốn nông dân lại cơm đùm gạo nắm tới các tỉnh bạn để học hỏi kinh nghiệm làm cầu, rồi thiết kế. Có bản vẽ trong tay, bốn nông dân làm thủ tục giấy phép, vay tiền vào Đà Nẵng mua vật liệu gồm thùng phi, sắt, phi ống nước mạ kẽm...

Hơn nửa tháng thi công với hàng chục tay thợ đầy kinh nghiệm, chiếc cầu phao dài 120m, rộng 2,5m, khoang thông thuyền trên sông có chiều rộng 8m, chiều cao 3m; 30 dàn phao làm bằng thùng phuy nhựa loại tốt... với tổng kinh phí xây dựng 1,5 tỷ đồng đã hoàn tất.

Niềm vui vỡ òa trong ngày 30 tháng Tư năm 2011. Ước mơ cháy bỏng bao đời về một cây cầu qua sông của người xứ Lâm, Sơn, Thủy đã thành hiện thực.

Từ đây đồng bào qua cầu phao ra đường thiên lý Bắc-Nam chưa đầy 500 m, vĩnh viễn qua đi cái thời muốn xuống quốc lộ phải vòng vèo non hai chục cây số.

Từ nay ốc đảo Lâm-Sơn-Thủy nở mày nở mặt thông thương với bạn bè. Ông Bôn bảo, thú thực lúc tính chuyện làm cầu bày tui không nặng chuyện kinh tế lắm, mặc dầu tiền của đóng góp từ rất nhiều nguồn như vốn tích lũy được, vay mượn bà con anh em chiến hữu, mà cứ nghĩ trong đầu là nếu có được cây cầu thì giúp đỡ được bà con phần nào trong việc đi lại là sướng, là đã, là phê cái bụng rồi chú à!

Đứng trên chiếc cầu phao xinh xắn lượn qua dòng Bến Hải trong xanh thơ mộng ngắm cánh đồng lúa xanh thì con gái, xa xa là cây cầu huyền thoại Hiền Lương hùng dũng bi thương của một thời trận mạc, bất giác tôi sướng theo cái vui của nông dân Trần Duy Bôn.

Toàn cảnh cầu phao Huỳnh Xá Hạ Ảnh: H.T
Toàn cảnh cầu phao Huỳnh Xá Hạ.  Ảnh: H.T.

Tình cờ gặp bác Trần Viết Hạ ở Huỳnh Xá Hạ. Bác nắc nỏm: “Tui gần 80 tuổi rồi, từ khi có cây cầu người như trẻ lại, đi mô cũng tiện, chứ bao đời ni cứ đứng bên ni sông ngó qua bên tê Quốc lộ 1 chỉ vài trăm mét mà buồn bởi cách đò trở giang... Chợt nhớ ông Nguyễn Văn Lường, Chủ tịch xã Vĩnh Sơn.

Chủ tịch Lường nói với tôi, thời gian lại đây, chốn bán sơn địa Lâm-Sơn-Thủy nở rộ mô hình kinh tế trang trại, chăn nuôi.

Đầu ra sản phẩm càng thuận bề hơn khi giao thông liền mạch thông thoáng, nên chiếc cầu phao ra đời là điều kiện tuyệt vời giúp bà con giao thương hàng hoá của mình một cách dễ dàng.

Mớ rau, con tôm con cá từ nay không những tươi mà còn được giá. Ông Bôn bảo, xã thôn chưa thu khoản tiền mô về cây cầu ni cả. Góp tay chưng lưng phần nào giúp cộng đồng, bốn anh em tui ra chính sách, các cháu học sinh thuộc diện gia đình khó khăn khi qua cầu được miễn phí hoàn toàn, còn những người thường xuyên qua lại thì được giảm giá vé, mỗi tuần khuyến mại một ngày.

“Thôi thì cũng chút gọi là, đỡ đần phần mô đó giúp con cháu miềng học hành, chú à”, ông Bôn nói.

Tôi lân la gợi chuyện ông Bôn, làm cầu phao tiền tỷ phục vụ dân sinh, cải thiện nâng cao đời sống cộng đồng thế, bốn bác nông dân ta có vay nhà băng nhiều ít gì không? Ông Bôn cười mà rằng, ưng vay ngân hàng lắm nhưng chưa được.

Tôi ngạc nhiên. Ông Bôn bảo, trước đây, lúc bắt tay làm cầu rất có nhu cầu vốn vay thì ngân hàng bảo không đủ điều kiện.

Giờ làm cầu xong, phục vụ đồng bào ngót một năm rồi, lại càng rất có nhu cầu vay cho việc nâng cấp, duy tu sửa chữa và trả nợ tiền vay anh em bà con làm cầu, lên gặp, họ lại bảo... nó không nằm trong danh mục nào để cho vay cả. Vui buồn lẫn lộn thế đó, chú ơi!

Tặng bằng khen cho 4 nông dân làm cầu

Chủ tịch xã Vĩnh Sơn, Nguyễn Văn Lường bảo: Cây cầu do bốn anh nông dân ở Vĩnh Sơn tự bỏ vốn ra xây dựng, rút ngắn khoảng cách gần hai chục cây số từ Lâm-Sơn-Thủy phía nam huyện Vĩnh Linh ra các xã lân cận và huyện Gio Linh, góp phần đặc biệt quan trọng vào việc phát triển kinh tế-xã hội của hơn mười ngàn dân trong vùng.

Còn xã góp sức bằng cách hoàn thiện con đường bêtông liên thôn ra tận chân cầu cho thuận việc đi lại, cũng như không thu một đồng phí cầu nào. Đoạn, ông Lường buông một câu nghe rất...

khoái nhĩ “Nông dân bày tui có những việc làm khiến không ít người phải ngước nhìn, như chuyện bốn ông Dũng, Trường, Bôn, Chức chung lưng tiền tỷ dựng cầu chẳng hạn. Đó có thể coi là bài học về ý thức trách nhiệm cộng đồng cho nhiều người. Chủ tịch tỉnh đã tặng bằng khen cho bốn nông dân làm chiếc cầu phao đầu tiên bắc qua sông Bến Hải này đó!”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG