Câu chuyện lớp trưởng: Mặt phải và trái
> Nữ sinh lại tự tử vì mất 500 ngàn đồng quỹ lớp
> Chàng trai sửa xe đạp đỗ thủ khoa đại học
Câu chuyện “lớp trưởng” con trẻ ở nước Đức đã thu hút được sự quan tâm đông đảo của nhiều bậc phụ huynh. Tại Việt Nam, theo ý kiến của nhiều giáo viên, hình thành chức danh “lớp trưởng” trong lớp học là cần thiết dù đó là ở cấp học nào.
Chức danh "lớp trưởng" trong lớp học sẽ tạo cho HS có động lực phấn đấu và vươn lên. |
Theo cô Phạm Thị Yến - Hiệu trưởng Trường tiểu học Thành Công B (Hà Nội), đối với cấp tiểu học thì học sinh luôn cần những tấm gương bên cạnh mình để phấn đấu đi lên. Việc hình thành chức danh “lớp trưởng” sẽ khuyến khích trẻ nỗ lực để cố gắng được vào vị trí đó.
“Quan trọng là chúng ta thực hiện như thế nào và xã hội quan niệm ra sao về vấn đề đó. Nhiều người cho rằng, có phụ huynh bằng mọi cách để cho con làm lớp trưởng nhằm được cô ưu ái. Tuy nhiên, đây là cái nhìn tiêu cực bởi trên thực tế nhiều giáo viên chủ nhiệm hiện nay đã liên tục thay đổi người làm “lớp trưởng” trong lớp. Nói cách khác là không để một em nào đó làm quá lâu. Động thái này sẽ giúp các em có ý chí phấn đấu” - cô Yến cho biết.
Đồng quan điểm này, cô V.A, giáo viên Trường tiểu học Hoàng Diệu (Hà Nội) phân tích thêm: “Do các con ở bậc tiểu học còn có nhỏ nên không thể áp dụng hình thức biểu quyết để bầu lớp trường. Chính vì thế, vào đầu năm học, giáo viên chủ nhiệm thường lựa chọn những em nào có năng lực điều hành, nhanh nhẹ để làm lớp trưởng. Trong quá trình học tập nếu thấy em nào có sự cố gắng và vươn lên thì giáo viên chủ nhiệm sẽ cân nhắc để luân chuyển những người này làm lớp trưởng. Nhìn chung là chức danh lớp trưởng đều được giao xoay vòng cho các thành viên trong lớp chứ không cố định lâu dài”.
Không chỉ có cấp tiểu học mà ở cấp THPT, các thầy cô cũng đều khẳng định việc hình thành chức danh lớp trưởng trong lớp học là cần thiết. TS Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) chia sẻ: “Trong một lớp học, ngoài giáo viên chủ nhiệm thì cần phải có người đứng đầu để điều hành tham gia các hoạt động giáo dục chẳng hạn như tổ chức sinh hoạt ngoại khóa, tổ chức lớp học tự quản... Chúng ta không nên quan niệm lớp trưởng là Phó giáo viên chủ nhiệm của lớp bởi quyền hạn của các em không phải như mọi người vẫn lầm tưởng. Lớp trưởng chỉ giúp cho hoạt động của lớp học tốt hơn còn mọi việc khác giáo viên chủ nhiệm vẫn là người luôn giám sát chặt chẽ”.
Còn thầy Cao Xuân Hùng - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong (Nam Định) nhấn mạnh: “Việc chỉ đạo cho lớp trưởng làm như thế nào thì chủ yếu phụ thuộc nhiều vào giáo viên chủ nhiệm. Trong một lớp đương nhiên là cần phải có lớp trưởng. Nếu em nào được bầu làm chức danh này thì đó cũng là điều vinh dự vì nó sẽ là cơ hội để rèn luyện rất là tốt. Vấn đề ở chỗ cô giáo chủ nhiệm hướng dẫn cho các em lớp trưởng đó hoạt động như thế nào, đôi lúc cũng phải nhận nhiệm vụ từ giáo viên chủ nhiệm để triển khai xuống lớp, tổ chức cho lớp hoạt động, xây dựng khối đoàn kết, tổ chức các trò chơi… Nếu chúng ta nghĩ lớp trưởng chỉ theo dõi để “mách lẻo” cô giáo thì điều đó là không đúng. Cũng có thể nó sẽ diễn ra ở một lớp nào đó nhưng chắc chắn con số này không nhiều. Mấu chốt ở đây vẫn là quan điểm và cách làm của cô giáo thôi”.
Thầy Hùng cũng cho rằng, việc tổ chức bầu hay giáo viên chỉ định ai đó làm lớp trưởng thì về mặt giáo dục cũng chưa thực sự là tối ưu. Ở đây cần phải xem dưới góc độ rất nhẹ nhàng. Tất nhiên lớp trưởng cũng phải có một năng lực nhất định. Nếu em nào đó nhút nhát, hiền lành quá và không có năng tổ chức thì làm lớp trưởng cũng khó.
“Tôi nghĩ, tất cả các em cần được tạo cơ hội để được làm lớp trưởng bởi với nhiệm vụ này các em được rèn luyện rất là tốt. Một số em làm lớp trưởng, bí thư đoàn từ hồi còn học phổ thông sau đó lên học ĐH thì có một năng lực hoạt động xã hội tốt. Nhất là các em tự tổ chức được các hoạt động và phía sau hoạt động của các em nó thể hiện được năng lực tổ chức, sắp xếp công việc, phân công nhiệm vụ, năng lực chỉ đạo trước đám đông…” - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong mổ xẻ vấn đề.
Về việc có quan điểm cho rằng, khi hình thành chức danh lớp trưởng ngay ở bậc tiểu học sẽ khiến cho trẻ lệch lạc về tư duy trong việc đối xử thì TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng: “Nhiều người sẽ lo ngại điều đó bởi họ nghĩ là giáo viên phân quyền cho lớp trưởng nhưng thực tế thì đây là cách hiểu sai. Để cho các em nhận thức vai trò lớp trưởng như thế nào và bạn lớp trưởng nhận thức vị trí của mình như thế nào chủ yếu vẫn là do cô giáo. Chính vì thế xã hội cần cảm giác bình thường và không nặng nề với chức danh này thì mọi chuyện sẽ rất thoải mái”.
Theo S.H
Dân trí