Thành tích của Bùi Ngọc Thịnh vừa được ghi danh vào sách kỷ lục Việt Nam. Thịnh diễn liền 3 tiết mục. Cả khán phòng Hội thi chung khảo toàn quốc Tiếng hát từ trái tim do Hội Người mù Việt Nam tổ chức như lắng lại bởi những tiếng nỉ non, ai oán của tiếng đàn ghi ta cổ trong điệu Tây Thi; có người thấm lau nước mắt khi nghe Thịnh vừa đàn vừa hát bài Đứa bé…
Mẹ Thịnh, chị Lê Thị Thu Thủy tâm sự: "Thịnh có đam mê âm nhạc từ lúc mới lọt lòng. Chỉ cần bật nhạc lên, cháu nằm mải mê nghe từ sáng đến trưa mà không đòi bú".
Bố mẹ đều là người khiếm thị, lại sinh non tháng nên từ nhỏ Thịnh khá yếu ớt.
"Vì bị mù, vợ chồng tôi không thể chăm sóc con chu đáo như người bình thường được. Việc ăn ngủ, bú mớm, vệ sinh của cháu rất thiệt thòi. Thương con, hai vợ chồng đưa cháu về nhà ông bà nội chăm sóc nhưng được một thời gian, vì tốn tiền xe đò về thăm con quá chúng tôi lại mang cháu lên ở cùng khu tập thể của Hội Người mù tỉnh Khánh Hòa", chị Thủy kể tiếp.
Đam mê
4 tuổi Thịnh theo mẹ đến các hội diễn văn nghệ của hội người mù tỉnh Khánh Hòa. Mỗi lần nghe nhạc công đánh trống xong, cậu bé cứ nằng nặc đòi mẹ bế đến cái trống để đánh thử.
Lên 5 tuổi, Thịnh xin đi học đánh trống nhưng không thầy giáo nào nhận vì cho rằng cậu còn bé quá lại bị mù. Bố mẹ gõ cửa khắp nơi, cuối cùng có một nhạc sĩ nhận lời nhưng chỉ đồng ý dạy cho Thịnh học một tiết tấu chachacha. Không ngờ Thịnh học nhanh và xuất sắc quá, một ngày có thể chơi thành thạo một bản nhạc. Nhạc sĩ đó nhận cậu bé làm học trò cưng.
6 tuổi, Thịnh lại đòi bố mẹ học đàn ghi ta cổ. Cả nhà phản đối. Thịnh khóc mấy ngày: "Con bị mù không có bạn chơi cùng, cũng không biết làm gì, hãy cho con chơi đàn. Con nghe trên đài có nhiều người như con vẫn chơi đàn tốt". Vợ chồng chị Thủy chạy đi tìm thầy cho con. Nhà thầy cách hơn 10 km, hằng ngày phải thuê xe ôm chở Thịnh đi học.
"Học đàn này phải dùng lực ngón tay rất mạnh nên những ngày đầu tất cả các ngón tay của cháu đều bị tứa máu. Nhiều hôm máu chảy bết dính vào dây đàn không đánh được", Thịnh kể "Cháu chưa bao giờ thấy nản, phải học cho đến cùng".
Học cả ngày với thầy giáo, về đến nhà cậu bé lại lao vào mải miết tập luyện đến 10 giờ đêm. Hai tháng đầu, cậu đã chơi thành thạo 36 điệu nhạc cổ. Đến nay, Thịnh đã chơi được gần 150 điệu, trong đó có những điệu khó như Tây Thi, cậu bé được thầy giáo đánh giá chơi rất xuất sắc.
Lên 9 tuổi, Thịnh tiếp tục học đàn organ, rồi đàn sến, đàn nhị. "Cứ thạo nhạc cụ này cháu lại đòi học tiếp nhạc cụ khác. Cháu bảo, con học nhiều vì con muốn được làm việc liên tục, khi người ta chơi đàn ghi ta cổ, con chơi đàn sến, người ta chơi đàn sến con chơi đàn nhị, người ta chơi organ, con chơi trống…", mẹ Thịnh nói.
Nghe mẹ nói vậy, Thịnh cười bẽn lẽn: "Nhiều đêm cháu mơ thấy thầy giáo cùng những bản nhạc êm ái. Những lúc như thế cháu chỉ muốn sáng cho nhanh để được đến lớp thầy dạy".
Chơi thành thạo 5 loại nhạc cụ, Thịnh muốn học tiếp đàn violon và đàn tranh. "Cháu đã chơi thử đàn violon rồi, không đến nỗi khó lắm nhưng nó đắt quá, bố mẹ chưa mua cho cháu học", Thịnh nói.
Thịnh nuôi ước mơ sau này sẽ trở thành một nhạc sĩ nổi tiếng, hiện giờ cậu đã tập sáng tác được 3 bài hát.
Chị Thủy cho hay, Thịnh nhận được nhiều lời mời đi biểu diễn nhưng vợ chồng chị chỉ cho con đi một vài chương trình có chọn lọc. "Chúng tôi sợ con tiếp xúc với đồng tiền sớm con sẽ có sự phát triển lệch lạc".