Cầu ảnh nối bờ Hiền Lương

Cầu ảnh nối bờ Hiền Lương
TP - Sỹ Sô là tác giả của hàng vạn bức ảnh tư liệu chụp những sự kiện, con người đôi bờ Hiền Lương trong những năm tháng đất nước bị chia cắt. Ông không chỉ là chứng nhân lịch sử mà còn là người đã nối đôi bờ bằng ảnh.

Hồ Sỹ Sô, sinh ngày 15/1/1940, nguyên là phóng viên chiến trường thường trú tại Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Ông nguyên là Uỷ viên BCH Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN khóa 2. Hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, tước hiệu HON VAPA-ESVAPA. Hội viên Quốc gia Liên đoàn nghệ thuật nhiếp ảnh Quốc tế (FIAP).

Cầu ảnh nối bờ Hiền Lương ảnh 1
Hoàng hôn xuống, du kích bến đò Tùng Luật đưa các đơn vị bộ đội vào Nam đánh Mỹ

Gần 50 năm cầm máy với hàng vạn bức ảnh tư liệu, nghệ thuật có giá trị dọc đôi bờ Hiền Lương và Quảng Trị anh hùng.

Mệt nhoài khi cứ phải chạy đuổi theo Sỹ Sô. Mấy hôm trước nghe tin Sỹ Sô trở về cố hương tại phường Đông Thanh, thị xã Đông Hà (Quảng Trị) vội ào xe chạy vào tìm gặp. Thoắt cái đã nghe Sỹ Sô rời Đông Thanh để ra Tùng Luật (Vĩnh Giang), hưởng thú “Ông già Bến đò A”.

Dò tìm số điện thoại cầm tay của Sỹ Sô, bằng hữu lắc đầu: Lão ấy xài điện thoại theo lối tài tử kiểu “bỗng thấy mình không nhớ nổi số của mình”! Cứ bắt thiên hạ nhớ giùm số điện thoại!

Khổ nỗi, mỗi người nhớ số một phách. Người thì bảo hai năm trước là số này, nhưng mới đây lại thấy số khác. Người thì lại chắc như đinh đóng cột rằng, Sỹ Sô di ứng với những thiết bị công nghệ hỗ trợ. Đâu như tuyên ngôn sặc mùi nghề nghiệp nhiếp ảnh của Sỹ Sô là, nếu đã bết nhau thì cứ đến chường mặt ra mà gặp.

Cầu ảnh nối bờ Hiền Lương ảnh 2

Địa đạo Vĩnh Linh năm 1965

“Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ” nó thi vị và người hơn, chứ cái ngữ thông qua eo éo đầu dây, u u minh minh, thật thật, giả giả thấy cuộc đời nó nhạt lắm...

Không biết mình có bết nhau được với Sỹ Sô hay không, bỗng dưng lại chộp được số máy cầm tay của “lão già ưa dịch chuyển” này. Người cho số cam đoan rằng, chỉ mới ngày hôm qua, Sỹ Sô dùng số này gọi đến. Gọi cầu may, đầu dây eo éo chất giọng rất trẻ của lão già... không đều Sỹ Sô. Hắt một chậu nước lạnh, Sỹ Sô thông báo đang ở tận thành phố Hồ Chí Minh cùng con...

Mấy bận ngồi tửu đàm với Sỹ Sô, lúc thì ở Đông Hà, khi thì bên chái nhà nhìn ra bến đò A, gần sông Bến Hải, lúc nào cũng thế, Sỹ Sô rất kiệm lời. Bước vào tuổi 70, nhưng còn rất phong độ và chất lãng tử hào hoa đậm nét. Thường xưng tên khi nói chuyện. Lớp hậu sinh bất chấp tuổi tác đều gọi Sỹ Sô bằng anh.

Gạt qua cái vỏ hình thức trong xưng hô kia, thì tất thảy những người đối diện với Sỹ Sô trên dải đất Gió Lào cát trắng này đều tâm phục khẩu phục cái sự trải đời, cái tinh tế, vốn sống, vốn văn hóa của một nghệ sĩ nhiếp ảnh đích thực Sỹ Sô.

Nhìn dáng vẻ phong lưu và trẻ hơn rất nhiều so với tuổi 70, khó ai biết Sỹ Sô đã trằm mình trọn vẹn suốt cuộc chiến tranh ở vùng đất lửa Vĩnh Linh, ngay đôi bờ giới tuyến Hiền Lương.

Cầu ảnh nối bờ Hiền Lương ảnh 3
Thực hiện Hiệp định Paris, quân giải phóng đón đồng đội trở về (27/1/1973) tại bờ bắc sông Thạch Hãn, Quảng Trị

Đã có lần ông tâm sự, đó được coi như là một biệt lệ, bởi rất hiếm khi ông nói về mình trong những năm tháng chiến tranh tàn khốc đó: Mình sinh đầu năm 1940, nếu tính năm âm lịch thì vẫn đang là năm 1939. Quê gốc của mình ở Cam Thanh (Cam Lộ ), nay là phường Đông Thanh (thị xã Đông Hà).

Năm 1952, bố hoạt động cách mạng và hy sinh. Năm 1954, mẹ mình đưa cả gia đình tập kết ra Vĩnh Linh. Gia đình có đến bảy anh chị em, khó khăn vất vả vô cùng. Rồi mình được anh đầu đưa ra Nam Định học ở trường cấp 3 Lê Hồng Phong. Sau đó thi vào trường Lý luận và nghiệp vụ Bộ Văn hóa, Khoa Câu lạc bộ Khóa 1.

Được anh sắm cho một chiếc máy ảnh Pratica nova, thời đó nó được coi như là một tài sản lớn. Nghỉ hè năm 1962, chụp được tấm ảnh cột cờ bên bờ Hiền Lương được đánh giá cao, thế là nó trở thành duyên nghiệp, trói cả cuộc đời của mình vào đó.

Chưa kịp tốt nghiệp thì được điều động trở lại quê hương ở Vĩ tuyến 17 này. Ngày đó được sống ở tuyến lửa là một vinh dự lớn. Thanh niên bọn mình ngoài công việc chuyên môn ra không có việc gì là không tham gia. Từ đào địa đạo, gặt lúa, tham gia chiến đấu, đến kẻ khẩu hiệu, tuyên truyền cổ động...đều làm tất...

Khi nói về những bức ảnh độc nhất vô nhị về  đôi bờ Hiền Lương ngày đó, Sỹ Sô xa xăm: Quê mình ở bờ Nam, chỉ cách bờ Hiền Lương chưa đầy 30 km. Sông Bến Hải rộng chừng hơn trăm mét mà đôi bờ vời vợi Bắc- Nam. Cứ chiều xuống, ra bến sông này ngóng về bên đó, như kiếm như tìm một chút thân quen.

Mình là người trong cuộc của nỗi khát khao gắn nối đôi bờ, nên mình hiểu hơn những người cầm máy khác cái thổn thức đến cháy bỏng của người bờ Bắc vọng về bờ Nam và ngược lại. Những khuôn hình của mình ngày đó tự thân nó đã là nỗi lòng  của một trong hàng triệu người đang cháy bỏng khát vọng nối đôi bờ Hiền Lương...

Nói có vẻ sáo, chứ trong thâm tâm mình cám ơn mảnh đất Vĩnh Linh đã cho mình có mặt ở đó, để được chứng kiến những gì diễn ra trên hai bờ sông này trong giai đoạn lịch sử của dân tộc...

Cầu ảnh nối bờ Hiền Lương ảnh 4
Hai bờ Hiền Lương – Bến Hải 1962

Hiếm có một nhiếp ảnh gia nào chụp hàng vạn tấm phim chỉ trên đôi bờ giới tuyến như Sỹ Sô. Với tư cách là chiến sĩ, phóng viên chiến trường và trên hết là người con của chính mảnh đất  bị chia cắt này, bằng những tác phẩm ảnh của mình, người nghệ sĩ Sỹ Sô đã hoàn thành sứ mạng nối hai bờ qua ảnh từ ngày đó.

Và tự thân những bức ảnh về đôi bờ Hiền Lương mà Sỹ Sô bảo quản, cất giữ như báu vật đã ngầm nói Sỹ Sô đang có mặt ở đâu và con tim của người nghệ sỹ đang mách bảo điều gì khi các hình ảnh đuợc Sỹ Sô chọn thu gọn vào ống kính.

MỚI - NÓNG