Cát tặc lộng hành: Chặt vòi “bạch tuộc” cách nào?

Các phương tiện khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ bị bắt giữ vừa qua
Các phương tiện khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ bị bắt giữ vừa qua
TP - “Nếu xử lý thẳng thừng nạn cát tặc thì các công trình xây dựng, kể cả công trình trọng điểm quốc gia không có hạt cát nào để san lấp” là thông tin Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TPHCM cho biết tại hội nghị trao đổi thông qua đề án phòng, chống tình trạng khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ, vùng giáp ranh giữa TPHCM và các tỉnh lân cận diễn ra ngày 23/4.

Lộng hành vì “có tiêu cực”

Ông Lê Anh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ bức xúc cho biết, tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn huyện đang ở mức báo động. Nhiều trường hợp liều lĩnh tổ chức khai thác quy mô lớn, diễn ra rầm rộ cả ngày, đặc biệt là vào buổi tối với nhiều thủ đoạn tinh vi, nhằm né tránh sự kiểm tra của các cơ quan chức năng. Các hoạt động khai thác cát trái phép đang diễn ra không chỉ gây mất an ninh trật tự tại địa phương, gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ sụt lún, mà còn đe dọa đến môi trường sống và tính mạng người dân.

Ngày 7/4, trong lúc thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên biển, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt quả tang 4 phương tiện mang biển kiểm soát HP-4437, HP-4477, SG-7368 và BV-6666 do Trần Văn Biên (SN 1989), Ngô Văn Chưởng (SN 1988), Lại Văn Phượng (SN 1980, cùng ngụ tại tỉnh Nam Ðịnh) và Trần Văn Sơn (SN 1984, ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) làm thuyền trưởng đang bơm hút, khai thác cát biển trái phép. Mỗi phương tiện được trang bị hàng chục máy hút cát công suất lớn, có thể khai thác trên 100 m3/giờ. Tại thời điểm kiểm tra, 4 sà lan đang chứa khoảng 800 m3.

Ngày 19/2, Ðồn Biên phòng Long Hòa (huyện Cần Giờ) phát hiện sà lan mang số hiệu HD 2999 và sà lan HD 2888 lần lượt do Vũ Bá Hùy (SN 1986, ngụ tỉnh Hải Dương) và Hoàng Văn Thái (SN 1989, ngụ tỉnh Quảng Bình) đang khai thác và vận chuyển cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ. Tại thời điểm kiểm tra, hai sà lan đang chứa khoảng 500 m3 cát. Ðáng chú ý, cả hai phương tiện này từng bị bắt quả tang và bị xử phạt hành vi khai thác cát biển trái phép trong các ngày 18/8/2018 và 30/9/2018.

Tại hội nghị, thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TPHCM kêu gọi nhìn thẳng vào sự thật, vào những yếu kém, thiếu sót của lực lượng chức năng để có những biện pháp phù hợp nhằm ngăn chặn nạn cát tặc.

Ông Minh thừa nhận “phải coi lại lực lượng công an” trong việc bắt giữ, xử lý các đối tượng khai thác cát trái phép. Ðơn cử như vụ xử lý khai thác cát trái phép vừa qua ở TPHCM có cán bộ công an tiêu cực và đã bị cho thôi việc.

“Tôi đã yêu cầu Phòng Cảnh sát môi trường CA TP Hồ Chí Minh không phân công công việc đối với cán bộ ở một địa phương vì không thực hiện quy định, chỉ đạo của cấp trên mà không loại trừ trong đó còn có tiêu cực”, ông Minh cho biết.

Cát tặc lộng hành: Chặt vòi “bạch tuộc” cách nào? ảnh 1

Chỉ xử lý “phần ngọn”

Theo thiếu tướng Phan Anh Minh, hầu hết các phương tiện khai thác cát trái phép bị lực lượng Công an TPHCM bắt giữ trên vùng biển Cần Giờ có trọng tải trên 1.000 tấn đến từ các tỉnh phía Bắc. Nhiều phương tiện sau khi bị tạm giữ mới phát hiện đã được… thế chấp tại một số ngân hàng ở phía Bắc. Ðối tượng bị xử phạt chủ yếu là người điều khiển phương tiện và cư ngụ ở các tỉnh phía Bắc.

“Chúng ta đã lười biếng không đi xác minh đầy đủ nơi tiêu thụ, chủ phương tiện mà chỉ phụ thuộc vào việc bắt quả tang nên chỉ xử phạt những người điều khiển phương tiện. Cơ quan chính quyền đã không vạch trần doanh nghiệp khai thác cát trái phép tìm cách đối phó. Ðó là việc doanh nghiệp lách luật ký hợp đồng cho cá nhân thuê phương tiện để khi xảy ra chuyện thì đổ trách nhiệm cho cá nhân, còn pháp nhân vô can”, ông Minh nói.

Ngoài ra, lãnh đạo Công an TPHCM còn thẳng thắn chỉ ra trữ lượng toàn bộ cát ở miền Nam chỉ đủ dành riêng cho TPHCM sử dụng trong 2 năm là hết. Hiện nay, trên cả nước có quá nhiều công trình sử dụng cát san lấp mà không tính đến nguồn cung. Hầu hết các công trình xây dựng, kể cả công trình sử dụng vốn ngân sách, công trình công ích quan trọng về phát triển kinh tế và an ninh quốc gia đều sử dụng nguồn cát khai thác trái phép.

“Nếu chúng ta làm thẳng thừng, quyết liệt thì các công trình này sẽ bị đình trệ, thậm chí cả các công trình trọng điểm quốc gia như đường giao thông, cao tốc, thậm chí dự án lấn biển của huyện Cần Giờ cũng không có hạt cát nào để mà san lấp, thực hiện công trình”, ông Minh cho hay.

Tại hội nghị, đại tá Tô Danh Út, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng TPHCM cho rằng, cần nâng mức phạt vi phạm hành chính đối với hành vi khai thác cát trái phép và chia thành nhiều mức phạt khác nhau, thay vì quy định mức khai thác trái phép tối đa bị xử phạt từ 50 m3 trở lên.

“Cần xác định hành vi khai thác khoáng sản trái phép của “cát tặc là hành vi trộm, cắp tài sản để xử lý hình sự, tăng tính răn đe”, ông Út đề xuất.

Theo thiếu tướng Phan Anh Minh, TPHCM cần rà soát lại các mỏ cát hiện nay đang đóng không cho khai thác và Sở Xây dựng TPHCM chỉ nên cấp phép xây dựng công trình khi chủ đầu tư đảm bảo nhà thầu cung cấp cát san lấp từ nguồn hợp pháp.

Theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, muốn phòng, chống hoạt động khai thác, vận chuyển cát trái phép đạt hiệu quả, bên cạnh việc tăng cường tuần tra, kiểm soát ở cửa sông, khu vực biển, các địa phương cần: Kiểm soát nơi neo đậu và các địa điểm thường xuyên tiêu thụ, tập kết cát; kiểm tra giấy phép hoạt động và hành trình khai thác của các phương tiện cũng như giấy phép điều khiển phương tiện của cá nhân. TPHCM cần thành lập tổ liên ngành thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, xử lý các hoạt động khai thác, vận chuyển cát trái phép.

Năm 2018, Bộ đội Biên phòng TPHCM đã phát hiện 46 vụ khai thác cát biển trái phép, tạm giữ 75 đối tượng và 75 phương tiện khai thác, vận chuyển; tịch thu hơn 12.000 m3 cát và 66 máy bơm, hút cát.

MỚI - NÓNG