Cát tặc hoành hành đôi bờ Bến Hải

Nạn “cát tặc” băm nát đôi bờ Bến Hải. Ảnh: H.T
Nạn “cát tặc” băm nát đôi bờ Bến Hải. Ảnh: H.T
TP - Cát tặc đang ngày đêm bức tử sông Bến Hải chạy qua 2 huyện Gio Linh và Vĩnh Linh của tỉnh Quảng Trị. Đôi bờ dòng sông lịch sử ấy bị sạt lở nghiêm trọng, dân tình mất đất làm ăn, sống trong sợ hãi, còn chính quyền sở tại than khó…

Dân bức xúc

Từ nhiều tháng nay, hàng trăm hộ dân ở xã Trung Sơn, huyện Gio Linh áp bờ Nam sông Bến Hải vô cùng bức bối bởi hiện trạng khai thác cát sạn trái phép diễn ra một cách công khai, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự và cuộc sống của họ. Cư dân Võ Xuân Bé than: “Tui lên đây từ năm 1985, nhưng không có kiểu cát sạn khai thác như ri vì khai thác thủ công nên không ảnh hưởng đến đời sống của dân cư, bữa ni máy hút quá sâu làm ảnh hưởng cho địa phương ở đây sạt lở và đi sâu vào trong đất liền của người dân hai bờ sông. Đời sống của bà con gặp khó khăn nhất là mùa lũ lụt. Tàu hút cát sỏi thọc sâu vào bờ khiến tình trạng sạt lở bờ sông ngày càng tồi tệ”.

Theo phản ảnh của người dân, các tàu hút cát liên tục hoạt động hết công suất cả ngày lẫn đêm, và càng về khuya thì càng “hoạt động” dữ dội hơn. Những chiếc sà lan có gắn động cơ thay nhau hút cát sạn trên sông, gây sạt lở hàng chục điểm chạy dọc đôi bờ. Có nơi sạt lở hơn 30 mét ảnh hưởng đến đất sản xuất của người dân.

Điều tra của PV Tiền Phong cho thấy, tại khu vực sông Bến Hải có 2 Cty được UBND tỉnh Quảng Trị cấp phép khai thác cát sạn trên sông Bến Hải. Đó là Cty Đào Dương và Cty Nam Việt Đức. Thế nhưng, thời gian gần đây, 2 doanh nghiệp này tự tiện mở rộng phạm vi khai thác tại những nơi chưa được cấp phép.

Để chấn chỉnh tình trạng này, mới đây, UBND tỉnh đã lập đoàn đi kiểm tra và yêu cầu 2 Cty nghiêm túc thực hiện các quy định như tổ chức treo biển, số hiệu, đăng ký khối lượng tàu thuyền tham gia khai thác, vận chuyển cát để chính quyền địa phương kiểm tra, giám sát; các ngành chức năng phối hợp với UBND các xã triển khai cắm biển các khu vực cấm khai thác, đồng thời phối hợp quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác cát sạn… Nhưng rồi mọi chuyện vẫn như cũ, đôi bờ Bến Hải ngày đêm vẫn quằn quại bởi nạn cát tặc.

Chính quyền than khó

Theo Chủ tịch UBND xã Trung Sơn Phan Thanh Tý, xã đã nhiều lần nhận đơn kêu cứu của dân về nạn khai thác cát sỏi trái phép gây sạt lở đất. “Lúc nào nhận được tin báo của dân, xã đều huy động lực lượng đến hiện trường. Nhưng sông Bến Hải nằm trên địa bàn hai huyện, xã tôi thuộc Gio Linh còn Vĩnh Sơn là của Vĩnh Linh, nên lúc lực lượng xã có mặt thì tàu hút cát sỏi nhổ neo thoát qua bên kia sông là khu vực của xã Vĩnh Sơn rồi, vậy là … chịu thua. Ấy là chưa kể lực lượng của xã mỏng, phương tiện đi lại trên sông như thuyền hay ca nô lại không có gì cả, theo kiểu tay không bắt giặc”, ông Tý nói.

Ông Tý cho hay, trên sông Bến Hải chỉ có 2 Cty được tỉnh cấp phép khai thác cát sỏi. Việc khai thác phải cách khu dân cư 2km trở lên. Song thực tế tàu khai thác cát sỏi trái phép đều không có biển kiểm soát. Vả lại, các tàu này kết cấu có cửa xả đáy nên việc bắt quả tang là rất khó. Xã đề nghị cấp tỉnh cần có sự can thiệp kịp thời để xử lý tình trạng khai thác cát sỏi trái phép, tránh bức xúc trong nhân dân dẫn đến nguy cơ đụng độ, thương vong xảy ra.

Còn Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn, ông Thân Trọng Dũng nói, việc hút cát sỏi trái phép gây sạt bở bờ sông, làm mất đất sản xuất diễn ra đã lâu. Dân kêu quá trời. Công an huyện Vĩnh Linh cũng có đi thực tế nhưng không làm gì được. “Tỉnh cần cân nhắc lại việc cấp phép khai thác cát sỏi chứ kiểu cấp phép ào ào rồi diễn ra cảnh như thế này thì khổ dân, khổ chính quyền cơ sở bọn tôi lắm”, ông Dũng đề đạt nguyện vọng.

PV Tiền Phong đem những bức xúc của người dân lẫn lãnh đạo chính quyền sở tại từ dòng Bến Hải đặt lên bàn Chủ tịch UBND huyện Gio Linh Trương Chí Trung. Ông Trung nói: “Huyện vẫn chưa tìm ra phương án hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng khai thác cát sỏi trái phép trên sông Bến Hải”.

MỚI - NÓNG
Cảnh báo cháy rừng cấp nguy hiểm ở Chí Linh và Kinh Môn
Cảnh báo cháy rừng cấp nguy hiểm ở Chí Linh và Kinh Môn
TPO - Sự cố cháy rừng ở khu vực Đền Cao An Phụ (thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) đã được lực lượng chức năng khống chế, ngăn cháy lan. Tuy nhiên, lực lượng chức năng cảnh báo thời tiết hanh khô và lượng lớn cây rừng bị gãy đổ sau bão số 3 nên nguy cơ cháy rừng rất cao, ở cấp độ 4, mức nguy hiểm.