Lợi nhuận khổng lồ
Những ngày đầu tháng 12, đi dọc tuyến Sông Hồng qua địa bàn các huyện Văn Giang, Khoái Châu – Hưng Yên nhận thấy, những điểm nóng về khai thác “cát tặc” trước đây như: Liên Nghĩa, Bình Minh, Dạ Trạch, Tứ Dân… không còn những tiếng nổ ầm ĩ suốt ngày đêm của các tàu khai thác cát.
Sỡ dĩ “cát tặc” đang “nằm im” vì cách đây gần 2 tháng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lực lượng công an đã có chuyến “vi hành” kiểm tra thực tế tình trạng khai thác cát ở Sông Hồng.
Sau chuyến kiểm tra của Phó Thủ tướng, các cơ quan chức năng của Hà Nội và Hưng Yên đã vào cuộc mạnh mẽ. Ngày 23/11, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Hưng Yên đã bắt quả tang 2 tàu mang ký hiệu là BG 001H và HN 0379 đang hút cát trái phép lên bãi cát thuộc thôn Phi Liệt, xã Liên Nghĩa.
Sau vụ bắt giữ trên, nhiều đầu nậu về khai thác cát đã phải tạm dừng hoạt động và nằm im, nghe ngóng. Tại các bãi tập kết cát những đường ống, những chiếc vòi để phun từ tàu lên vẫn nằm đó, chờ chực ngày hoạt động trở lại.
“Khai thác cát lậu lợi nhuận rất khổng lồ nên chắc chắn chúng chưa hề từ bỏ. Nếu tới đây cơ quan chức năng buông lỏng là “cát tặc” quay trở lại hoạt động ngay”, một người dân ở Văn Giang cho biết.
Theo quy định của pháp luật, những đơn vị khai thác cát hợp pháp, được nhà nước cho phép sẽ phải trả phí môi trường là 4.000 đồng/ khối. Như vậy, với hàng nghìn khối cát khai thác trái phép hằng ngày, các đầu nậu đương nhiên đã “trốn” được số tiền thuế hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Với giá cát hiện nay là 30 nghìn đồng/ khối thì chỉ cần khai thác 5.000 khối là các đầu nậu đã có thể bỏ túi đến hàng trăm triệu đồng.
“Cát tặc” được tiếp tay?
Theo tìm hiểu của phóng viên, sở dĩ “cát tặc” lộng hành trong suốt một thời gian dài ở Hưng Yên vừa qua là do sự buông lỏng, thậm chí là sự “tiếp tay” của không ít chính quyền địa phương trên địa bàn. Ở một số địa phương như Tứ Dân, Dạ Trạch, Bình Minh, Liên Nghĩa (Hưng Yên) chính quyền đã cho phép các “đầu nậu” thuê đất làm các bãi tập kết cát trái phép.
Không những thế để phục vụ cho hoạt động đầu tư xây dựng, những ông chủ của các bãi tập kết cát trái phép còn “bắt tay” với doanh nghiệp xây dựng khu đô thị làm đường ống để phun cát từ bãi trái phép vào khu đô thị.
Trao đổi với PV Tiền Phong, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên Phạm Nam Lượng cho biết, việc khai thác cát trái phép trên các tuyến sông Hồng gây nhiều bức xúc cho người dân.
Để chấn chỉnh tình trạng trên, thời gian qua, các cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên đã phối hợp với các tỉnh lân cận xây dựng kế hoạch xử lý, không để “cát tặc” trốn tránh từ tỉnh này, sang tỉnh kia. Qua đó, nhiều trường hợp khai thác cát trái phép đã bị bắt giữ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
“Quan điểm của chúng tôi là việc xử lý trên cần phải được duy trì liên tục, không buông lỏng. Có như thế mới ngăn chặn và xử lý triệt để được nạn khai thác cát trái phép trên địa bàn”, ông Lượng nói.