> Thủ tướng: Kiểm tra lương lãnh đạo toàn bộ DNNN
> Phải xử lý 'sếp công ích' nhận lương 'khủng'
Công nhân tại xưởng may của một DNNN. ảnh: Ngọc Châu. |
Tránh “vừa đá bóng vừa thổi còi”
Bộ KH&ĐT vừa đề xuất Chính phủ hai mô hình quản lý DNNN nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp này, đồng thời giúp tách bạch chức năng quản lý DNNN.
Theo đó, sẽ thành lập Ủy ban quản lý, giám sát DNNN thuộc Chính phủ. Phương án hai sẽ lập bộ quản lý ngành thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước thuộc các tập đoàn kinh tế, tổng Cty nhà nước cũng như ở các DNNN công ích hoặc nhỏ hơn đang do UBND cấp tỉnh, Tổng Cty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu.
Nếu là một ủy ban, khi quá tải, trước sau sẽ vẫn phải quay lại với công cụ hành chính để quản lý. Để mô hình quản lý hiệu quả, Nhà nước chỉ giữ cổ đông đa số ở ngành chiến lược, doanh nghiệp công ích cần thiết. TS. Lê Đăng Doanh |
Bộ KH&ĐT cho biết, hiện đang nghiêng về phương án một vì giúp khắc phục được hạn chế, tách bạch chức năng đại diện chủ sở hữu với chức năng quản lý nhà nước của các cơ quan hành chính nhà nước. Đặc biệt, mô hình sẽ kiểm soát tốt hơn và dễ xác định, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, đồng thời tạo lập sân chơi bình đẳng giữa DNNN và các thành phần kinh tế khác.
Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Vũ Đình Ánh cho rằng, việc lập ủy ban quản lý DNNN sẽ giúp tránh được tình trạng các bộ “vừa đá bóng vừa thổi còi”, tránh được việc ưu ái doanh nghiệp ruột.
Nhưng, theo ông Ánh, với số lượng DNNN lớn như hiện nay, lập một Ủy ban là chưa đủ, cả về vai trò cũng như quyền lực, năng lực quản lý. Để có đủ thẩm quyền và năng lực, cần lập hẳn một Bộ quản lý DNNN.
Cùng đó, cần xác định lại vai trò của DNNN trong nền kinh tế. Nếu vẫn giữ quan điểm DNNN là chủ lực của nền kinh tế, một ủy ban không giải quyết được. Việc giao cho các ủy ban, cơ quan như SCIC cũng là không đủ.
“Khi lập ra một Bộ chuyên quản lý các DNNN đồng nghĩa, toàn bộ chương trình cổ phần hóa phải thay đổi hết. Có cổ phần hóa triệt để mới quản được hiệu quả hoạt động của các DNNN”, ông Ánh nói.
TS Lê Đăng Doanh cho rằng, việc lập cơ quan này, ủy ban kia để quản lý DNNN cần cân nhắc vì hiệu quả chưa thấy đâu nhưng chắc chắn trước mắt bộ máy nhà nước sẽ phình to.
Thực tế, có nhiều đề xuất mô hình quản lý khác nhau được đưa ra. Tuy nhiên, điểm quan trọng nhất là với số DNNN lên tới hơn 1.000 đơn vị như hiện nay, không thể có một cơ quan nào có thể quản lý xuể. Đó là chưa nói đến hiệu quả hoạt động. Vì vậy, cần tính tới các giải pháp đồng bộ để giải quyết các vấn đề ở DNNN thay vì lập ra đơn vị này đơn vị kia.
“Nếu là một ủy ban, khi quá tải, trước sau sẽ vẫn phải quay lại với công cụ hành chính để quản lý. Để mô hình quản lý hiệu quả, Nhà nước chỉ giữ cổ phần chi phối ở ngành chiến lược, doanh nghiệp công ích cần thiết”, ông Doanh phân tích.
Bộ, ngành sẽ hết lợi ích
Theo các chuyên gia, việc đề xuất lập Ủy ban riêng để quản lý DNNN là việc cần thiết trong việc tách bạch chức năng của các bộ ngành hiện nay. Thực tế, nhiều tỉnh, thành phố lớn, do nhận thức được những bất cập trong quản lý hiện nay, đã đề xuất mô hình quản lý riêng.
Mới đây, lãnh đạo TP Hà Nội và TPHCM đã đề xuất Quốc hội, Chính phủ cho thành lập Cty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước trực thuộc UBND hai thành phố này. Lý do được đưa ra là đơn vị này sẽ giúp thành phố đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu các DNNN trên địa bàn.
Trước việc các tỉnh, thành phố, bộ ngành đề xuất lập cơ quan quản lý DNNN riêng, Bộ Tài chính, trong dự thảo Đề án Tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011-2015, lại đề xuất sẽ thành lập Tổng cục Quản lý, giám sát tài chính doanh nghiệp tại Bộ Tài chính. Đây là cơ quan đầu mối theo dõi tình hình vốn, tài sản nhà nước tại các DNNN.
Theo đó, các cục hoặc vụ thuộc Bộ này sẽ quản lý doanh nghiệp thực hiện chức năng chủ sở hữu ở các bộ, ngành có số lượng DNNN lớn hoặc giao Vụ Kế hoạch-Tài chính quản lý vốn ở các bộ có ít DNNN. Tại các tỉnh, giao Sở Tài chính quản lý vốn nhà nước của các doanh nghiệp trong tỉnh.
Trao đổi với PV Tiền Phong, một quan chức Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư cho rằng, việc tách chức năng quản lý Nhà nước và quản lý doanh nghiệp là bài toán khó với các bộ ngành.
Việc “ôm” DNNN trong các bộ ngành như hiện nay có nhiều bất ổn. Các bộ, mỗi lần cải cách, đều chỉ muốn phình ra. Rút toàn bộ các doanh nghiệp khỏi các bộ không phải là việc dễ dàng. Khi đó họ chỉ phải làm nhiệm vụ hoạch định chính sách.
Suy cho cùng, đây chính là vấn đề lợi ích. Cũng có thể có người bảo giao cho SCIC, nhưng khó là, các chủ tịch tập đoàn nhà nước uy lực của họ lớn hơn nhiều so với Tổng giám đốc SCIC. Như vậy, nếu đưa các tập đoàn, tổng Cty ở các bộ về SCIC thì cũng không dễ điều hành họ.