Cascardeur với đôi chân tật nguyền

Hiền Hạnh cùng các đồng nghiệp nỗ lực hết mình trong môi trường trẻ trung, năng động, quên đi mặc cảm của bản thân. Ảnh: NVCC.
Hiền Hạnh cùng các đồng nghiệp nỗ lực hết mình trong môi trường trẻ trung, năng động, quên đi mặc cảm của bản thân. Ảnh: NVCC.
TP - Sau Liên hoan phim Việt Nam lần XX, cô gái Lê Hiền Hạnh (30 tuổi, quận Liên Chiểu, TP Ðà Nẵng) bỗng nhiên “nổi tiếng”. Không phải bởi được đạo diễn Hồng Ánh giới thiệu là diễn viên đóng thế đặc biệt trong phim của mình, mà vì sự rắn rỏi của Hạnh khi bộc bạch với khán giả: “Tôi không muốn mình mãi là người khuyết tật tội nghiệp để mọi người thương, tôi sẽ tự chạy bằng đôi chân tật nguyền của mình”.

Chỉ tiêu: “không để thất nghiệp quá 2 tháng!”

Năm 3 tuổi, tai nạn tàu hỏa cướp đi người mẹ và đôi chân của Hiền Hạnh. Người cha chạy tứ phương, bán hết gia sản lo chữa trị vẫn không cứu nổi đôi chân cô con gái bé bỏng. Hạnh về sống với ông bà ngoại, được ngoại xin đi học chữ, dù tới lớp ít hơn ở nhà. Chỉ hôm nào thấy cháu khỏe, ngoại mới đẩy tới trường.

Hết cấp 1, di chứng của vụ tai nạn thành những cơn đau dai dẳng hành hạ khiến cô bé Hạnh ngày ấy đứt chữ giữa đường, vài năm sau Hạnh mới đi học bổ túc để xong chương trình phổ thông. “Mình muốn học lên đại học nữa. Nhìn lưng ngoại ngày một còng xuống, nhà cũng chẳng có gì trang trải nên không dám mơ. Lúc đó trong đầu một hai tính cách kiếm tiền. Khổ nỗi người ốm yếu như con mắm, có sức đâu mà lao động tay chân. Thành thử ráng học thêm tiếng Anh, Tin học, Thiết kế đồ họa, chắc chắn ít nhiều gì cũng sẽ kiếm được tiền từ nó”, chị kể lại với đôi mắt nguyên vẹn rạo rực quyết tâm của chục năm về trước.

Cascardeur với đôi chân tật nguyền ảnh 1 Lê Hiền Hạnh giao lưu với khán giả sau khi đóng thế đôi chân khuyết tật trong phim “Ðảo của dân ngụ cư”. Ảnh: Thanh Trần.

Lấy các chứng chỉ này xong, Hiền Hạnh lao vào làm việc, đánh máy, pho to, nhập liệu…không từ một việc nào. Nhưng không phải cứ cố là thành, cuộc đời vẫn quăng quật, thử thách: đau ốm, mất việc, lục đục gia đình… “Lúc mất việc văn phòng, mình lao đi học và làm bánh kem, mở quán cà phê… Mình đặt ra chỉ tiêu không được thất nghiệp quá hai tháng để bản thân khỏi ủ dột lâu ngày. Khuyết tật đôi chân đủ rồi, không thể khuyết luôn cả ý chí. Và thực sự chưa lần nào phá lệ. Cứ ngưng việc chỗ này là tức tốc kiếm việc chỗ khác đắp vào. Đã ở điểm xuất phát thấp thì phải chạy gấp đôi người ra nếu không sẽ bị bỏ lại phía sau thôi”, chị nói.

Giọng trầm trầm, chị kể trong những tháng ngày vật lộn mưu sinh. Chuyện chị chạnh lòng nhất là lúc ôm hồ sơ đi xin việc vào một số công ty có tiếng tuyển dụng người khuyết tật. Dù được gật đầu, song khi vào làm việc, chị và những người đồng cảnh khác thường nhận về rất nhiều mặc cảm. “Ở chỗ làm mình thường nghe câu cửa miệng “người khuyết tật thì chừng đó thôi”. Họ luôn cho rằng người khuyết tật thì không thể làm tốt hơn, không thể làm việc khó, việc lớn.Tại sao cứ mặc định vậy? Mất khả năng một phần cơ thể không có nghĩa là triệt tiêu hết mọi nỗ lực. Mình cần một môi trường cởi mở hơn”.

Cascardeur với đôi chân tật nguyền ảnh 2 Lê Hiền Hạnh cùng đạo diễn Hồng Ánh và diễn viên Ngọc Thanh Tâm tại liên hoan phim Việt Nam lần thứ XX. Ảnh: Thanh Trần.

“Tự ái”, chị quyết tìm việc ở công ty bình thường, không có “mác” tuyển người khuyết tật nữa. May mắn mỉm cười, FPT Đà Nẵng đón chào trước nỗ lực của chị. Chị làm thiết kế đồ họa trong môi trường trẻ trung, năng động và dường như quên mất mặc cảm về đôi chân “không nghe lời” của mình. Công việc ổn định cùng mức lương, đãi ngộ hấp dẫn, vậy mà vẫn ham, ai kêu gì đi làm nấy, thậm chí cả làm… cascardeur. Hồi đầu nghe đạo diễn Hồng Ánh kêu đi đóng thế đôi chân tật nguyền cho nữ chính chị mừng đến quên cả ngủ. Phần vì sẵn máu nghệ thuật trong người, phần vì công việc này kiếm được nhiều tiền nên không chút chần chừ. “Bây giờ chỗ nào cần đóng thế người khuyết tật chắc mình giơ tay đầu tiên. Chẳng nhớ hết mình làm biết bao nhiêu nghề nữa. Miễn kiếm được tiền và có đạo đức thì “sân nào cũng đá” hết trơn”, Hiền Hạnh tếu táo.

Shipper… 3 bánh

Để có cuộc gặp này, chúng tôi phải hẹn mãi chị mới sắp xếp được vào một tối giữa tuần khi vừa đi…ship hàng về. Thật khó tin một người con gái liệt chân lại có thể lao vào đêm luồn mọi ngõ ngách giao hàng. Vừa dừng chiếc xe ba bánh trước quán cà phê với bao áo quần khệ nệ trên tay, chị cười tươi rói: “Tranh thủ lấy thêm hàng để ngày nghỉ chạy đi giao cho khách. Mấy bữa nay vào đông khách đặt áo ấm kha khá, rảnh giờ nào là chạy giao giờ nấy chứ đợi lâu họ hủy đơn uổng lắm”.

Cascardeur với đôi chân tật nguyền ảnh 3 “Ðây là cách mình đem hàng đến tận tay khách”, chị Hạnh nói. Ảnh: T.T.

Đây là công việc kinh doanh sau giờ làm ở công ty của chị. Hôm nào có người chở đi thì đỡ, còn không chị cứ vậy chất hàng lên xe chạy đường lớn luồn hẻm nhỏ đem đến tận tay khách. Có bữa gặp cái hẻm nhỏ xíu xiu, xe ba bánh vào không lọt, chị bất đắc dĩ gọi khách ra lấy giúp thì bị cằn nhằn khó chịu, nhưng ra tới nơi trông cảnh chị loay hoay trên xe chẳng ai trách móc gì thêm. Có bận đang đi giữa đường xe trở chứng lệch bánh, thủng xăm phải điện thoại cầu cứu ba lên chở về. “Tất nhiên là bất lợi. Ngay từ đầu mình đã biết kinh doanh rất khó khăn với một người không tự đi được như mình. Nhưng nếu không bắt đầu bây giờ, mình sợ sẽ không kịp mất…”, chị giãi bày rồi bỏ lửng giữa chừng.

Ba năm trước, hôn nhân tan vỡ, chị giành nuôi cô con gái giờ đã học cấp 1. Bà ngoại chị lo hai mẹ con vất vả nên nhận chắt về nuôi. Chắt mỗi ngày một lớn, cố mỗi năm một già, không lâu nữa, khi ngoại yếu, chị sẽ chẳng còn ai cậy nhờ. Vậy nên dù làm ở FPT chế độ tốt nhưng chị vẫn lo xa bươn chải thêm đủ đường phòng thân để lúc gặp sự cố sẽ tự mình chống chọi được chứ không trở thành gánh nặng cho ai. 

“Mình luôn khát khao bước ra thế giới bên ngoài. Ðó cũng là động lực để tìm tới công việc. Chỉ có ra ngoài mới phá được khung sắt mà người khuyết tật tự dựng lên và giam cầm mình. Thỉnh thoảng, mình vẫn tự thưởng cho bản thân một bữa cà phê nhạc sống, mình vẫn lên sân khấu, hát bolero, nhạc vàng, nhạc trẻ. Thấy cuộc đời thật tươi đẹp!”. 

Lê Hiền Hạnh

Lê Ngọc Trung (26 tuổi), đồng nghiệp tại công ty chị cảm phục: “Chị Hạnh là một người bản lĩnh. Biến cố tìm đến dồn dập, ai cũng có thể ngã quỵ hoặc buông bỏ, vậy mà chị vẫn bản lĩnh để gượng dậy, vượt qua. Cuộc sống vốn đã không công bằng với chị nhưng chưa bao giờ tôi thấy chị bi quan, ỷ lại cả, thay vào đó là thái độ sống rất tích cực, có trách nhiệm với bản thân và mọi người”.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.