CẬP NHẬT DỊCH 1/6: Hải Phòng xét nghiệm thành viên nhóm truyền giáo Phục Hưng

0:00 / 0:00
0:00
Xét nghiệm COVID-19 tại TPHCM (ảnh: HCDC)
Xét nghiệm COVID-19 tại TPHCM (ảnh: HCDC)
TPO - Ngày 1/6, UBND thành phố Hải Phòng yêu cầu lực lượng liên ngành tổ chức rà soát, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm người trở về từ TPHCM, đặc biệt các trường hợp tham gia hội nhóm truyền giáo Phục Hưng.

Sáng ngày 1/6, đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 TPHCM.

Tham dự và chỉ đạo cuộc họp còn có Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Thượng tướng Võ Minh Lương –Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thiếu tướng Lê Tấn Tới – Thứ trưởng Bộ Công an.

Báo cáo tại cuộc họp về chuỗi lây nhiễm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, từ 26-31/5, đã phát hiện 200 ca mắc COVID-19 liên quan đến cơ sở này. Đến sáng nay 1/6, Thành phố phát hiện thêm 11 ca dương tính.

Trong đó nhiều nhất là các quận Gò Gấp (52 ca), quận 12 (23 ca), Bình Thạnh (22 ca), Tân Phú (22 ca), Tân Bình (22 ca). Đã có 3.028 ca F1, 15.206 ca F2;

Thành phố đã xét nghiệm hơn 181.000 mẫu mở rộng. Đã có 22/24 quận huyện có dịch.

“Khi ngành chức năng khai thác dịch tễ của hội viên nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, lúc đầu họ khai báo chỉ 20 thành viên, sinh hoạt trong phòng kín chỉ 40-50m2. Qua điều tra, họ cho biết có 55 người. Trong đó, bà vợ mục sư có triệu chứng từ ngày 13/5. Đến 16/5, họ bắt đầu sinh hoạt. Ổ dịch này có trên 70% người nhiễm xuất hiện triệu chứng lâm sàng rất rõ rệt” – lãnh đạo Sở Y tế thông tin.

Đặc biệt một số công ty có số ca mắc nhiều như Công ty Thiên Phú (đường Hoàng Việt, quận Tân Bình) có 34 người nhiễm; Công viên Phần mềm Quang Trung có 4 ca; Tòa nhà trên đường Đặng Văn Ngữ có 5 ca… “Chúng tôi dự đoán số ca mắc còn tăng lên. Số F1 cách ly cao” – ông Bỉnh nói.

Bên cạnh đó, Thành phố đã ghi nhận các bệnh nhân làm việc trong 3 khu công nghiệp gồm Tân Bình, Tây Bắc Củ Chi và Vĩnh Lộc - Hóc Môn. Các trường hợp tiếp xúc âm tính

Tối ngày 30/5, một người được phát hiện dương tính với nCoV tại Long An là nhân viên làm việc ở Công ty TNHH Coats Phong Phú (phường Tăng Nhơn Phú B, quận 9, TP.Thủ Đức). Công ty này có 1.082 người lao động. Cơ quan chức năng đã xác định 146 nhân viên thuộc diện F1. Số công nhân viên còn lại sẽ được lấy mẫu xét nghiệm tầm soát. Công ty ngưng hoạt động lúc 22h ngày 30/5. (Huy Thịnh - Uyên Phương)

Cà Mau vận động lập quỹ phòng, chống dịch COVID-19

Uỷ ban MTTQVN tỉnh Cà Mau phát động đợt vận động, quyên góp ủng hộ Quỹ phòng, chống COVID- 19.

Ngay sau lễ phát động quyên góp Quỹ phòng chống COVID-19, Uỷ ban MTTQVN tỉnh Cà Mau đã tiếp nhận 48 tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh ủng hộ 7,3 tỷ đồng và 50.000 khẩu trang y tế.

Đợt vận động quỹ phòng, chống dịch tại Cà Mau từ ngày 31/5 đến ngày 31/8/2021. Trong đó, cán bộ, công chức, viên chức ủng hộ Quĩ tương đương 1 ngày lương.

Hình thức vận động, tiếp nhận bằng tiền mặt, thuốc và trang thiết bị y tế phòng, chống dịch. Toàn bộ tiền, vật chất và các khoản ủng hộ qua cuộc vận động sẽ được tổng hợp, công khai minh bạch, sử dụng đúng mục đích mua vắc xin và các mục đích phục vụ phòng, chống dịch COVID-19.

Mọi sự đóng góp của tổ chức, doanh nghiệp và người dân gởi trực tiếp tại địa chỉ tiếp nhận: Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau, số 02, đường Trần Hưng Đạo, Phường 5, TP Cà Mau, hoặc ủng hộ qua số tài khoản: 3761.0.9098910.91999 tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Cà Mau. (Tiến Hưng)

Khánh Hoà cách ly y tế toàn bộ người dân về từ TP.HCM

UBND tỉnh Khánh Hoà có công điện khẩn về việc triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa trong tình hình mới.

Theo công điện, tỉnh này thành lập 5 trạm kiểm soát liên ngành phòng, chống dịch COVID-19 trên các tuyến giao thông đường sắt, đường bộ thuộc địa phận tỉnh Khánh Hòa. Tiếp tục tạm dừng hoạt động của một số cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu; không tập trung quá 20 người tại nơi công cộng ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và khuyến cáo người dân không ra khỏi nhà nếu không cần thiết.

Công điện yêu cầu, các quán ăn, uống đường phố, vỉa hè chỉ được bán mang về, không tổ chức ăn uống tại chỗ. Đối với các nhà hàng, quán ăn, quán giải khát trong nhà phải bố trí bàn ghế giãn cách tối thiểu 1m hoặc có tấm chắn ngăn cách giữa các bàn. Đối với hoạt động vận tải hành khách công cộng thì hành khách và lái xe phải đeo khẩu trang suốt hành trình, khai báo y tế, có dung dịch sát khuẩn tay; lập danh sách hành khách, ngồi giãn cách và không vượt quá 50% số ghế được cấp phép.

Trước đó, tỉnh Khánh Hoà đã có văn bản yêu cầu cách ly tập trung 21 ngày toàn bộ người từ TP.HCM trở về Khánh Hòa xuất phát từ quận Gò Vấp, phường Thanh Lộc, quận 12 và các điểm phong tỏa khác tại TP.HCM kể từ ngày 31/5; các quận, huyện còn lại của TP.HCM cách ly tại nhà 14 ngày. Đối với người về tỉnh Khánh Hòa từ các tỉnh, thành phố có dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, có số ca mắc cao thì cách ly y tế tại nhà 14 ngày.

Sở GTVT Khánh Hoà cũng có văn bản yêu cầu các xe vận tải hành khách bằng ô tô theo tuyến cố định, xe hợp đồng, xe du lịch, xe taxi từ tỉnh Khánh Hòa đi TP.HCM và ngược lại bắt đầu tạm dừng hoạt động từ 0h ngày 31/5 cho đến khi có thông báo mới. (Công Hoan)

Thanh Hóa: Cách ly tập trung 21 ngày những người về từ các điểm có dịch tại TP Hồ Chí Minh

Chủ tịch UBND tỉnh – Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thanh Hóa vừa có công văn về việc tăng cường giám sát đối với công dân trở về từ thành phố Hồ Chí Minh sau quyết định giãn cách xã hội.

Theo đó, để chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch COVID-19 xâm nhập, lây lan rộng trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, triệt để các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh.

Giao Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Công an tỉnh, Sở Y tế tăng cường hiệu quả hoạt động của các chốt kiểm soát phòng chống dịch trên các tuyến quốc lộ; kiểm soát chặt chẽ các phương tiện giao thông đi qua tỉnh; yêu cầu các chủ phương tiện nắm chắc danh sách, địa chỉ những hành khách từ các địa phương khác trở về Thanh Hóa; nhất là những người trở về từ các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng có dịch Bộ Y tế đã công bố.

Giao Sở Y tế: Chủ động phối hợp với Cảng vụ hàng không Miền Bắc tại Thọ Xuân, Cảng hàng không Thọ xuân, Trung tâm Y tế huyện Thọ Xuân và các đơn vị có liên quan kiểm soát chặt chẽ tất cả hành khách trên các chuyến bay từ thành phố Hồ Chí Minh về Cảng hàng không Thọ Xuân.

Chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố kiểm soát tất cả những người trở về từ các điểm, vùng dịch đã được Bộ Y tế thông báo. Yêu cầu nắm rõ: danh tính, địa chỉ, số điện thoại, nơi cư trú, tạm trú, tình trạng sức khỏe hiện tại… và khuyến cáo biện pháp phòng, chống dịch cho người dân biết để tự giác chấp hành.

Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, khẩn trương cập nhật tổng hợp danh sách thông báo khẩn cấp cho Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố để chủ động rà soát, nắm chắc số người từ các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, thành phố Hồ Chí Minh và các các điểm, vùng có dịch khi trở về.

Giao Công an tỉnh chỉ đạo Công an các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với lực lượng chức năng tại các huyện, thị xã, thành phố rà soát thần tốc, không bỏ sót người thuộc diện phải cách ly theo yêu cầu của cơ quan y tế.

Yêu cầu tất cả những người trở về từ các vùng, điểm dịch theo thông báo của Bộ Y tế, nhất là những người từ thành phố Hồ Chí Minh trở về Thanh Hóa từ 00 giờ 00 ngày 31/5/2021, có trách nhiệm và nghĩa vụ chấp hành: Cách ly tập trung 21 ngày và lấy mẫu xét nghiệm theo quy định đối với những người đến, trở về từ quận Gò Vấp; phường Thạnh Lộc, quận 12 và các địa điểm phong toả khác của thành phố Hồ Chí Minh. Cách ly tại nhà tối thiểu 14 ngày dưới sự kiểm soát, giám sát của Tổ giám sát cộng đồng và được điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm theo chỉ định của cơ quan y tế đối với những người đến, trở về thành phố Hồ Chí Minh (không liên quan đến các điểm phong toả, cách ly xã hội).

Những người trở về từ các điểm, vùng dịch khác được yêu cầu thực hiện biện pháp cách ly phù hợp với tiền sử dịch tễ và theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, do Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp chỉ định. (Hoàng Lam)

141 đơn vị được Bộ Y tế cho phép thực hiện xét nghiệm khẳng định COVID-19

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết đã có 141 đơn vị được Bộ Y tế cho phép thực hiện xét nghiệm khẳng định COVID-19 (tính đến 31/5/2021).

Miền Bắc

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương

Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng

Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế

Trường Đại học Y Dược Hải Phòng

Trường Đại học Y tế công cộng

Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội

Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh

Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang

Trung tâm y tế dự phòng Hải Phòng

Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa

Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh

Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái

Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Lào Cai

Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương

Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Điện Biên

Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An

Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Cao Bằng

Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình

Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên

Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hòa Bình

Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Tĩnh

Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Nam Định

Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hưng Yên

Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam

Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn

Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Giang

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương

Bệnh viện Nhi Trung ương

Bệnh viện Bạch Mai

Bệnh viện Phổi Trung ương

Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên

Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí

Bệnh viện K

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La

Bệnh viện Thanh Nhàn

Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc

Bệnh viện Medlatec

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times city

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc

Bệnh viện Đa khoa Đức Giang

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh

Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An

Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An

Bệnh viện Bưu điện

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh Hải Dương

Bệnh viện Quốc tế Hải Phòng

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long

Công ty Cổ phần Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ (Bắc Ninh)

Phòng khám Đa khoa 182 – Lương Thế Vinh (Bệnh viện Đại học Quốc gia Hà Nội)

Bệnh viện Quân y 103

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

Bệnh viện Quân y 110

Viện Y học dự phòng Quân đội

Trung tâm chẩn đoán Thú y trung ương

Chi cục Thú y vùng IIChi Cục Thú y vùng III

Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga

Miền Trung

Viện Pasteur Nha Trang

Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Quy Nhơn

Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Thuận

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Nam

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị

Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế

Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên

Bệnh viện Đại học Y – Dược Huế

Bệnh viện C Đà Nẵng

Bệnh viện Vinmec Đà Nẵng

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang

Trung tâm Chẩn đoán y khoa kỹ thuật cao Thiện Nhân

Bệnh viện 199 – Bộ Công an

Tây Nguyên

Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên

Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai

Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum

Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắc Nông

Miền Nam

Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh

Viện Y tế công cộng TP. Hồ Chí Minh

Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Cần Thơ

Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang

Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai

Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Tây Ninh

Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng

Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh

Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Hậu Giang

Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bạc Liêu

Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau

Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp

Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Phước

Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Sóc Trăng

Trung tâm Y tế Phú QuốcTrung tâm Y tế TP. Hà Tiên

Bệnh viện Chợ RẫyBệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ

Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM

Bệnh viện Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh thuộc Trường Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh

Bệnh viện Nhi Đồng 1

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai

Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất Đồng Nai

Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch

Bệnh viện Nhi đồng TP. Hồ Chí Minh

Bệnh viện FV– TP. Hồ Chí Minh

Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang

Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Long An

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng

Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Tháp

Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

Bệnh viện Nhân dân 115

Bệnh viện Nhân dân Gia Định

Bệnh viện Quận Thủ Đức

Bệnh viện Gia An 115

Bệnh viện Quận 2

Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc

Công ty Cổ phần Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn

Bệnh viện Quân y 175

Chi cục Thú y vùng VI

Chi cục Thú y vùng VII

Trung tâm Y tế dự phòng Quân đội phía Nam

Bệnh viện Quân y 7A

CMSC phát động các doanh nghiệp đóng góp, ủng hộ Quỹ vắc xin phòng COVID-19

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) vừa tổ chức Chương trình phát động ủng hộ Quỹ vắc xin phòng COVID-19.

Phát biểu tại chương trình phát động, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch Ủy ban cho biết, đại dịch COVID-19 bùng phát đã gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế, xã hội tại nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam, dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, chúng ta đã ngăn ngừa được các đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 và bước đầu thực hiện thành công mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế, xã hội của Chính phủ.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, dịch COVID-19 đã bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố. Nhằm bảo vệ sức khỏe cho người dân, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có chủ trương mua vắc xin phòng dịch cho nhân dân cả nước.

“Hưởng ứng lời kêu gọi của Lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phát huy vai trò, trách nhiệm tiên phong của doanh nghiệp nhà nước trong việc thực hiện trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phát động chương trình ủng hộ Quỹ vắc xin phòng COVID-19 cùng với 19 Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc với mong muốn đóng góp một phần công sức trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh COVID-19 bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân, ổn định xã hội, phát triển sản xuất tiếp tục công cuộc phát triển kinh tế, xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra”- Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh.

Phát biểu tại chương trình, Phó Chủ tịch Hồ Sỹ Hùng cho biết, hiện nay, việc ủng hộ Quỹ vắc xin phòng COVID-19 là rất cấp thiết. Năm 2020, mặc dù dịch bệnh diễn ra gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc Ủy ban, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn hoạt động ổn định và có lãi. Ủy ban đề nghị các Tập đoàn, Tổng công ty trên cơ sở một phần tiết giảm chi phí trong hoạt động kinh doanh và từ các quỹ hợp pháp khác của doanh nghiệp, ủng hộ đóng góp mạnh mẽ cho Quỹ vắc xin phòng COVID-19.

Tại chương trình, đại diện các Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc Ủy ban cam kết nỗ lực ủng hộ ở mức cao nhất có thể cho Quỹ vắc xin phòng COVID-19; đồng thời, sẽ tiếp tục hỗ trợ các hoạt động khác phục vụ công tác phòng, chống dịch của Chính phủ, cũng như các địa phương trong cả nước.

Theo dự kiến, các nguồn lực đóng góp, ủng hộ từ phía các Tập đoàn, Tổng công ty sẽ được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tập trung, tổng hợp và phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức Chương trình trao tặng, ủng hộ Quỹ vắc xin phòng COVID-19 do Kho bạc Nhà nước quản lý.

Bà Rịa – Vũng Tàu tạm dừng tắm biển

Ngày 1/6, ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) cho biết, để tăng cường phòng, chống dịch, từ 12 giờ cùng ngày, hoạt động tắm biển trên địa bàn tỉnh sẽ bị tạm dừng, riêng hoạt động lưu trú tại các khách sạn, resort, cơ sở lưu trú vẫn hoạt động đón khách bình thường, nhưng phải đảm bảo thực hiện quy định phòng, chống dịch; các dịch vụ ăn, uống, giải khát khuyến khích hình thức bán hàng mang đi.

Ngoài tạm dừng hoạt động tắm biển, UBND tỉnh BR-VT cũng ra văn bản tạm dừng phương tiện vận tải hành khách đường bộ, đường thủy đến BR-VT từ vùng dịch và qua vùng dịch; các phương tiện vận tải hành khách đường bộ, đường thủy từ tỉnh này đi đến vùng dịch.

Riêng tuyến vận tải hàng hóa bằng đường thủy đến Côn Đảo, được phép hoạt động nhưng phải kiểm soát chặt chẽ số người làm việc trên tàu. Trước khi rời tàu lên bờ phải thực hiện kiểm dịch y tế; khi lên bờ phải thực hiện cách ly y tế tại nơi lưu trú như đối tượng F2 trong thời gian chờ phương tiện xuất bến để đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Giao UBND huyện Côn Đảo chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan quản lý, giám sát các đối tượng nêu trên khi lưu trú trên đảo. (Mạnh Thắng)

Vũng Tàu cách ly hàng trăm người về từ TPHCM

Ngày 1/6, phòng Y tế TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, tính đến ngày 31/5, trên địa bàn TP.Vũng Tàu có 110 người đến từ quận Gò Vấp. Trong đó, phường 7, 8, 10 và phường Nguyễn An Ninh có 51 người. Những người này, thuộc diện phải cách ly y tế tập trung.

Trong quá trình chờ bố trí địa điểm cách ly tập trung cho họ, các phường được yêu cầu phải ra quyết định áp dụng biện pháp cách ly tạm thời tại nhà. TP.Vũng Tàu sẽ trưng dụng Trường Tiểu học Thắng Tam (phường Thắng Tam) làm khu cách ly tập trung đối với những người trở về từ vùng dịch đã có lệnh phong toả.

Ngoài ra, ực lượng chức năng phường 1 (TP.Vũng Tàu) tiếp tục ra quân kiểm tra xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp không đeo khẩu trang khi đến khu vực công cộng. Theo đó, đến 18h ngày 31/5, lực lượng chức phường 1 đã lập biên bản 11 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng, trong đó có 4 trường hợp nhắc nhở, 7 trường hợp xử phạt với số tiền 14 triệu đồng.

Theo báo cáo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.Vũng Tàu, tính từ ngày 30/4 đến sáng 31/5, các Đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố và các phường, xã đã kiểm tra, lập biên bản 215 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng; trong đó cảnh cáo 97 trường hợp và phạt tiền 118 trường hợp với số tiền hơn 181 triệu đồng. Bên cạnh đó, qua kiểm tra chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, các cơ sở kinh doanh internet, game, lực lượng chức năng đã xử lý 25 cơ sở, trong đó nhắc nhở 16 cơ sở và phạt hành chính 9 cơ sở với số tiền 110 triệu đồng.

UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, các sở, ngành, các địa phương đã thông báo về tình hình nắm bắt, rà soát số lượng người từ TPHCM đổ về tỉnh. Tại hầu hết các địa phương đều có số lượng khá lớn người từ TPHCM trở về địa phương trong những ngày qua. Chẳng hạn, tại huyện Châu Đức, qua rà soát của các tổ giám sát cộng đồng có 235 trường hợp từ TPHCM trở về địa phương, trong có 148 trường hợp từ vùng dịch quận Gò Vấp. Các trường hợp đều đã được địa phương tổ chức cách ly theo quy định.

Các địa phương kiến nghị các giải pháp để kiểm soát tình hình người từ TPHCM vào tỉnh như kiểm soát chặt người ở vùng dịch không cho vào tỉnh; tạm đóng cửa các bãi tắm biển, chuẩn bị khởi động các khu cách ly tập trung; giao các trường chủ động phương án tổ chức ôn thi trong tình tình mới…

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu yêu cầu các sở, ban, ngành, Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 các địa phương cần tập trung rà soát kỹ các trường hợp từ các tỉnh vào tỉnh, đặc biệt là các vùng dịch. Từ cấp tỉnh đến địa phương cần tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát các cơ sở chấp hành nghiêm quy định tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch.

Đặc biệt, trong đợt này lượng người từ TPHCM đổ về đông, cần phải nắm bắt chặt chẽ các đối tượng này. Khuyến khích người dân vận động người thân, bạn bè không vào Bà Rịa-Vũng Tàu thăm nom trong dịp này. Đối với những trường hợp ở vùng dịch thì hạn chế việc cho vào tỉnh để giảm áp lực cho các khu cách ly của tỉnh. Đối với các trường hợp không ở vùng dịch trở về thì các chốt kiểm dịch, phối hợp thông báo về cho địa phương để quản lý. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ người ra vào tỉnh; tuyên truyền khuyến khích người dân không ra khỏi tỉnh trong thời điểm này.

“ Cơ sở cách ly, điều trị, dự phòng cần được trang bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để sẵn sàng tiếp cận các trường hợp cách ly khi số lượng dự báo sẽ gia tăng. Các khu cách ly ở địa phương nào thì địa phương đó sẽ chịu trách nhiệm quản lý và chăm sóc người cách ly tập trung trên địa bàn mình. Sở Y tế chịu trách nhiệm hỗ trợ các địa phương về vật tư y tế, thuốc men trong trường hợp dịch bệnh xảy ra trên diện rộng, số lượng cách ly và điều trị tăng cao”, ông Thọ nói.

Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng giao cho ngành y tế và các sở, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch tổ chức test sàng lọc COVID-19 cho học sinh, sinh viên ở TPHCM và tỉnh trở về nhà nghỉ hè; công nhân, chuyên gia nơi khác đến làm việc tại tỉnh; nhân viên nhà hàng, khách sạn; người từ địa phương khác tới… (Duy Quang)

Hôm nay 20 đội y tế của Hà Nội hỗ trợ Bắc Giang tiêm vắc xin

Bộ Y tế có Công văn số 4414/BYT-KCB gửi Giám đốc Sở Y tế Hà Nội về việc hỗ trợ Bắc Giang triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

Theo đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, tỉnh Bắc Giang sẽ triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo các bệnh viện trên địa bàn tổ chức 20 đội cấp cứu (mỗi đội 1 bác sĩ và 2 điều dưỡng, 1 xe cứu thương), thường trực cấp cứu tại các điểm tiêm chủng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang (bắt đầu từ ngày 1/6 đến khi hoàn thành đợt tiêm, khoảng 7-10 ngày).

Bộ Y tế cũng đề nghị Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện sẵn sàng tiếp nhận, thu dung điều trị các trường hợp bị phản ứng nặng sau tiêm chủng vắc xin COVID-19 được chuyển đến do vượt quá khả năng điều trị tại chỗ.

Đồng thời, Bộ đề nghị Sở Y tế Hà Nội quan tâm triển khai sớm, đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch cấp thiết tại tỉnh Bắc Giang.

Trước đó, tại cuộc họp về phòng chống dịch tại tỉnh Bắc Ninh cuối giờ chiều 29/5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong 7 ngày, Bộ Y tế sẽ hỗ trợ để Bắc Giang, Bắc Ninh tiêm 400.000 liều vắc xin COVID-19 (mỗi tỉnh 200.000 liều). (Lê Vũ)

Công nhân về từ vùng dịch test nhanh âm tính COVID-19 mới được đi làm

Ngày 1/6, UBND tỉnh Long An cho biết đã yêu cầu lãnh đạo các huyện thị xã, thành phố và các sở này liên quan rà soát, xác định danh sách công nhân lao động trở về từ vùng dịch, đặc biệt là TPHCM trong khoảng thời gian từ ngày 26 đến 31/5 thì không đến công ty, xí nghiệp, đồng thời phải liên hệ ngay với cơ quan y tế gần nhất để khai báo y tế và thực hiện test nhanh theo quy định. Ngoài ra, yêu cầu công nhân lao động về từ vùng dịch báo cáo kết quả test nhanh cho công ty, xí nghiệp…; trường hợp kết quả âm tính thì trở lại làm việc bình thường vào ngày 2/6; trường hợp kết quả dương tính thì nghiêm túc thực hiện cách ly, điều trị theo quy định.

Chủ tịch UBND tỉnh này giao Trưởng ban Ban Quản lý khu kinh tế, Giám đốc Sở Công Thương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Y tế, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh chỉ đạo các lực lượng chức năng chủ động phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp triển khai thực hiện ngay chỉ đạo này, đảm bảo trong ngày 01/6 phải hoàn thành việc thực hiện test nhanh đối với công nhân lao động đi về từ vùng dịch.

Sáng cùng ngày, thông tin từ Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh huyện Cần Đước, Long An cho biết đã phong tỏa, khử khuẩn khẩn cấp 117 hộ dân với 459 nhân khẩu thuộc khu vực chợ Phước Vân, khu 10, ấp 4, xã Phước Vân, huyện Cần Đước vì có một ca nghi mắc COVID-19.

Ca nghi nhiễm là nam sinh viên 22 tuổi, đang thực tập tại TP.HCM. Từ ngày 25/5, nam sinh viên này có đi về giữa Long An và TP.HCM, sống chung nhà ở xã Phước Vân với cha, mẹ và anh trai. Sau đó, nam sinh viên này có biểu hiện sốt, khó thở và khi được xét nghiệm PCR đã cho ra kết quả dương tính. Hiện nam sinh viên nghi mắc COVID-19 này đang cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM.

Đến nay, Long An đã ghi nhận 7 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng ở xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc; phường 2, TP Tân An; thị trấn huyện Cần Đước và xã Tân Thành, Tân Thạnh, có liên quan đến Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng. (Lê Nguyễn)

Kết quả xét nghiệm 59 F1 của nữ giáo viên mắc COVID-19 ở Đắk Lắk

Ngày 1/6, ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết, 59 trường hợp là F1 của nữ bệnh nhân N.T.T.S. (mã số BN 7186, SN 1996; trú tại xã Cư Mốt, huyện Ea H’leo) có kết quả xét nghiệm đều âm tính với SARS-CoV-2 lần 1.

Theo ông Nay Phi La, UBND huyện Ea H’leo cần tiếp tục chỉ đạo truy vết thần tốc các trường hợp F1, F2 của BN 7186 và phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện giám sát y tế, cách ly, xét nghiệm đảm bảo quy định; hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng.

Nhằm ngăn chặn, kiểm soát không cho dịch lan ra cộng đồng, ngày 31/5, UBND tỉnh Đắk Lắk ra văn bản chỉ đạo thực hiện nghiêm các biện pháp phong tỏa, giãn cách để phòng, chống dịch kể từ 21h00 ngày 31/5/2021 cho đến khi có thông báo mới.

Lực lượng chức năng đã tiến hành phong tỏa gần 10 địa điểm dân cư theo Chỉ thị 16 nơi bệnh nhân này sinh sống, đi lại. UBND tỉnh Đắk Lắk cũng quyết định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 toàn bộ các xã Cư Mốt, Ea Wy và thị trấn Ea Đrăng của huyện Ea H’leo, là địa bàn nữ giáo viên sinh sống, đi lại.

Theo ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND huyện Ea H’leo, hiện có hơn 9.000 hộ dân với hơn 36.000 người phải cách ly, phong tỏa để phòng chống dịch. Trong đó, gần 400 trường hợp là F1, F2 của bệnh nhân N.T.T.S (cô giáo mắc Covid-19).

Để siết chặt phòng dịch, tỉnh Đắk Lắk cũng yêu cầu dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh ăn, uống vỉa hè; không tụ tập từ 10 người trở lên đối với các quán ăn, nhà hàng, cà phê, khu vui chơi, giải trí nơi công cộng… trên địa thành phố Buôn Ma Thuột

Người dân Đắk Lắk trở về từ các địa bàn có dịch COVID-19 phức tạp như: Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội (trước, trong thời gian 14 ngày kể từ ngày 31/5/2021), phải đến ngay trạm y tế gần nhất để khai báo y tế bắt buộc và được hướng dẫn thực hiện cách ly tại nhà trong thời gian 21 ngày.

Tỉnh Đắk Lắk cũng thống nhất chủ trương mua 10.000 test xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 để triển khai xét nghiệm sàng lọc chủ động cho các đối tượng trở về từ vùng dịch đang thực hiện cách ly tại nhà và các nhân viên y tế theo như đề xuất của Sở Y tế tỉnh này.

Như Tiền Phong đã đưa tin, tối 30/5, tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận trường hợp N.T.T.S, là nữ, sinh năm 1996 dương tính với SARS-CoV-2. Bệnh nhân này có yếu tố dịch tễ liên quan đến TP Hồ Chí Minh. Ngày 25/5, chị S đi xe khách về nhà tại xã Cư Mốt, huyện Ea H’leo. Sáng 29/5, chị S đến Trạm Y tế xã Cư Mốt để khai báo y tế; ngày 30/5, chị S được đưa đi cách ly tập trung tại Trường cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên, TP Buôn Ma Thuột. Cùng ngày, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk đã lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. (Nguyễn Thảo)

Bắc Giang nâng cao vai trò tổ COVID cộng đồng, Bắc Ninh bổ sung 40 tổ kiểm tra phòng dịch

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa có yêu cầu các cơ quan nâng cao vai trò của tổ COVID cộng đồng và xác định đây là vũ khí chiến lược trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tỉnh Bắc Ninh bổ sung 40 tổ kiểm tra phòng chống dịch tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp (KCN).

Tổ COVID cộng đồng được thành lập với vai trò giám sát và tuyên truyền phòng, chống COVID-19 tại cở sở. Các công việc của tổ COVID cộng đồng là tuyên truyền thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; phát hiện sớm và báo cáo các trường hợp nghi mắc COVID-19, những trường hợp không chấp hành các quy định về phòng, chống dịch. Tổ có nhiệm vụ hỗ trợ cơ quan chức năng truy vết các đối tượng liên quan đến người nhiễm COVID-19…

Thời gian qua, tỉnh Bắc Giang xác định do người đứng đầu địa phương chưa quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, chưa tổ chức phù hợp nên hoạt động giám sát dịch của tổ COVID cộng đồng chưa hiệu quả cao, công tác giám sát dịch chưa kịp thời…

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu tổ COVID cộng đồng thực hiện nhiệm vụ với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”. Tổ chức tuyên truyền, vận động, nhắc nhở nhân dân các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Tổ có biện pháp giám sát, phát hiện và báo cáo, không để sót, lọt bất cứ trường hợp nghi nhiễm COVID-19.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu các cấp, các ngành cần quán triệt vai trò của Tổ COVID cộng đồng. Trong đó, xác định tổ COVID cộng đồng là vũ khí chiến lược trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tổ này là cầu nối chủ động về công tác phòng, chống dịch của chính quyền và ngành y tế đến với nhân dân, tạo sự tin tưởng và thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch.

Các xã, phường, thị trấn xây dựng kiện toàn, củng cố mô hình, kế hoạch hoạt động của tổ COVID cộng đồng. Tổ chức quán triệt sâu sắc trách nhiệm, thống nhất hoạt động của tổ COVID cộng đồng tại các thôn, tổ dân phố. Mỗi tổ COVID cộng động có quy mô 3-4 người (gồm cán bộ tổ, thôn, khu phố…). Mỗi tổ phụ trách từ 20-30 hộ gia đình và có phân công danh sách hộ gia đình cụ thể cho từng tổ viên). Ngoài ra, UBND xã tổ chức hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ, đồng thời hỗ trợ các điều kiện để tổ COVID cộng đồng hoạt động được hiệu quả. Các xã có trách nhiệm đôn đốc, giám sát để đảm bảo hoạt động thực chất, tránh hình thức.

Sở Y tế hoàn thiện các quy định, hướng dẫn về tổ chức, cách thức hoạt động, nhiệm vụ của Tổ COVID cộng đồng. UBND các huyện, thành phố thành lập Tiểu ban chỉ đạo hoạt động của Tổ COVID cộng đồng, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện công tác giám sát dịch hoàn thành trước ngày 3/6.

Ngoài ra, các cơ quan hướng dẫn tổ COVID cộng đồng hoạt động gắn với các phòng trào dân vận khéo, lựa chọn các khu dân cư xây dựng mô hình điểm và nhân rộng. Các cơ quan cần có quy định kiểm tra, ban hành hướng dẫn khen thưởng…

Tại Bắc Ninh, trong ngày 31/5, các cơ quan đã tổ chức bổ sung 40 tổ công tác kiểm tra, hướng dẫn điều kiện an toàn phòng chống dịch tại tất cả các doanh nghiệp trong các KCN.

Từ 1/6, các tổ này tiến hành kiểm tra, hướng dẫn tại các doanh nghiệp, đảm bảo phù hợp, trọng tâm, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19. Đồng thời, triển khai Kế hoạch kiểm tra an toàn các hạng mục (trong nhà máy/cơ sở sản xuất, các cơ sở trường học) làm chỗ ở tạm vừa để cách ly, vừa tham gia sản xuất, tránh lây nhiễm dịch.

Tỉnh Bắc Ninh yêu cầu các cấp thành lập Tổ công nghệ thông tin hỗ trợ phòng, chống dịch; xây dựng Trang tiếp nhận phản ánh của người dân. Tổ này có nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu công nhân trong các khu công nghiệp, để phục vụ công tác quản lý, truy vết khi cần thiết.

Ngoài ra, các biện pháp tăng cường phối hợp, hỗ trợ chỗ ở tạm cho công nhân, duy trì sản xuất, giúp nông dân thu hoạch vụ Mùa và tiêu thụ nông sản cũng được tổ chức triển khai.

Tỉnh này áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg đối với các khu phố Vĩnh Kiều 1, Vĩnh Kiều 2, Vĩnh Kiều 3; Khu nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại khu nhà ở Bắc Từ Sơn (phường Đồng Nguyên) và Khu nhà ở xã hội Cao Nguyên 3 tại phường Tân Hồng (thị xã Từ Sơn) từ 0 giờ ngày 1/6. Thiết lập vùng cách ly y tế đối với Xóm Đinh, khu Triều Thôn (phường Nam Sơn, TP Bắc Ninh) từ 0 giờ ngày 31/5. (Long Vân)

Trao tặng vật tư chống dịch cho Bệnh viện dã chiến Dung Quất

Sáng 1 / 6, Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Phát (địa chỉ tại xã Đức Phong, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) thông qua Báo Tiền Phong tại miền Trung trao tặng vật tư cho lực lượng phòng chống dịch COVID–19 cho Bệnh viện dã chiến Dung Quất (Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi)

Hiện vật gồm 33 thùng nước sát khuẩn, lau sàn nhà, giặt đồ bảo hộ y tế. Đây là những sản phẩm được sản xuất hoàn toàn từ nhiên liệu thảo mộc từ thiên nhiên theo công nghệ của Isarel, có tác dụng giảm tác hại da tay và không gây ảnh hưởng môi trường sau khi sử dụng.

Đơn vị tài trợ sẽ tiếp tục đồng hành cùng Báo Tiền Phong tại miền Trung để tham gia vào các hoạt động hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch COVID–19 trong thời gian tới. ( Hà Anh)

Hải Phòng rà soát, xét nghiệm người tham gia Hội Thánh truyền giáo Phục Hưng

Chiều 1/6 UBND TP Hải Phòng có công văn hỏa tốc gửi các sở ngành, quận huyện trực thuộc về việc tiếp tục áp dụng các biện pháp kiểm soát người từ TP Hồ Chí Minh về TP Hải Phòng nhằm phòng chống dịch.

Theo đó, thành phố yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm kiểm dịch quốc tế bố trí nhân lực tập trung lấy mẫu xét nghiệm lần 1 đối với tất cả hành khách về từ TP Hồ Chí Minh.

Đồng thời tổ chức truy vết người từ TP Hồ Chí Minh về Hải Phòng từ 16-31/5 để quản lý, giám sát và lấy mẫu xét nghiệm người về từ ngày 25-31/5.

Yêu cầu các quận huyện khẩn trương thông báo rộng rãi thông tin phục vụ truy vết tới các khu dân cư; huy động tổ kiểm soát phòng chống COVID-19 rà soát, phát hiện để truy vết, giám sát.

UBND TP Hải Phòng cũng đề nghị Cảng vụ Hàng không miền Bắc và Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi phối hợp với các hãng hàng không cung cấp danh sách hành khách trên các chuyến bay từ TP Hồ Chí Minh về Hải Phòng từ 25/5 để các địa phương có thông tin truy vết và lấy mẫu xét nghiệm.

Công an thành phố phối hợp với Ban Tôn giáo – Sở Nội vụ và liên ngành, địa phương khẩn trương kiểm tra, rà soát các trường hợp tham gia Hội Thánh truyền giáo Phục Hưng trên địa bàn để giám sát, lấy mẫu xét nghiệm.

Cũng trong chiều 1/6, Sở GTVT Hải Phòng tạm dừng toàn bộ hoạt động vận chuyển hành khách theo tuyến cố định, hợp đồng, xe taxi, du lịch từ thành phố Hải Phòng đi tỉnh Điện Biên và ngược lại.

Sở GTVT yêu cầu các đơn vị quản lý, bến xe niêm yết thông báo tại các bến xe cho các đơn vị vận tải và hành khách. Giao Thanh tra Sở, Phòng Quản lý vận tải kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. (Nguyễn Hoàn)

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.