[CẬP NHẬT 12/3]: Kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 ngẫu nhiên của gần 30.000 người

0:00 / 0:00
0:00
Điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19. Ảnh: Thuận Phương
Điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19. Ảnh: Thuận Phương
TPO - Ngày 12/3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, đã lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 của 28.964 trường hợp; trong đó 28.900 âm tính, 64 đang chờ kết quả. Đây là số mẫu xét nghiệm giám sát ngẫu nhiên tại sân bay, bến xe, ga tàu, nơi tập trung đông người (chợ, quán ăn, chùa, nhà trọ…).

Theo HCDC, kết quả lấy mẫu giám sát lần 2 đối với nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất như sau: đã lấy 1.830 mẫu, trong đó 1.100 âm tính, 730 đang đợi kết quả.

Ngành y tế tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm giám sát theo quy định đối với thành viên các tổ bay của các chuyến bay quốc tế có lưu trú tại Thành phố; Xét nghiệm đối với bệnh nhân COVID-19 sau xuất viện, người cách ly tập trung, người sau cách ly về cư trú tại thành phố.

Tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm giám sát nhân viên y tế, các quần thể cộng đồng có tiếp xúc/giao lưu nhiều, các trường hợp có triệu chứng để đánh giá nguy cơ lây nhiễm. Chưa phát hiện trường hợp nhiễm trong hoạt động tầm soát này.

Thành phố cũng rà soát, lấy mẫu xét nghiệm cho 1.181 chuyên gia nhập cảnh từ ngày 1/1/2021 đang làm việc tại TPHCM. Tất cả đều có kết quả âm tính.

Tính đến thời điểm hiện tại, số người đang được cách ly tại các điểm cách ly tập trung tại TPHCM là 2.637 người; Số người đang được cách ly tại nhà/nơi lưu trú là 260 người.

Khánh Hoà tiêm vắc xin phòng COVID - 19 cho 100 nhân viên bệnh viện

Sáng 12/3, Sở Y tế Khánh Hòa tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho 100 người là cán bộ, y bác sĩ của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh này.

Ông Bùi Xuân Minh - Giám đốc Sở Y tế Khánh Hoà, cho biết: Đợt tiêm này nằm trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia của Chính phủ và Bộ Y tế triển khai. Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa, các y, bác sĩ của bệnh viện là những người được ưu tiên tiêm đầu tiên. “Những liều vắc xin COVID-19 này được ưu tiên tiêm cho nhân viên của bệnh viện tuyến đầu trong công tác chống dịch COVID-19 trên địa bàn”, ông Minh cho hay.

[CẬP NHẬT 12/3]: Kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 ngẫu nhiên của gần 30.000 người ảnh 1 Tiêm vắc xin phòng COVID - 19 cho nhân viên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hoà

Theo Sở Y tế Khánh Hòa, quy trình thực hiện trước, trong và sau khi tiêm vắc xin COVID-19 đều phải tuân thủ nghiêm ngặt theo phác đồ của Bộ Y tế. Sau khi tiêm vắc xin, người được tiêm được theo dõi sức khỏe trong 30 phút tại phòng giám sát để xem phản ứng với vắc xin. Có 100 liều vắc xin phòng COVID-19 sẽ được tiêm cho nhân viên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hoà trong trong hai ngày 12 và 13/3/2021.

Thêm 2 ca mắc mới tại Hải Dương

Sáng 12/3, Bộ Y tế cho biết có thêm 2 ca mắc mới ghi nhận tại Hải Dương. Như vậy, Việt Nam đã có 2.535 ca mắc COVID-19.

Cụ thể:

Bệnh nhân BN2534 (BN2534) tại TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương, là F1 của BN2528, đã được cách ly tập trung từ ngày 8/3. Hiện bệnh nhân đang được cách ly điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 3 - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương cơ sở 2.

Bệnh nhân BN2535 (BN2535) tại TP. Chí Linh, tỉnh Hải Dương, là công nhân Công ty Poyun, đã được cách ly tập trung từ ngày 28/1, đến ngày 16/2 ghi nhận BN2299 ở cùng phòng cách ly. Ngày 27/2 bệnh nhân có triệu chứng ho, đau rát họng, được lấy mẫu cho kết quả xét nghiệm nghi ngờ dương tính với SARS-CoV-2; tiếp tục lấy mẫu các ngày 1 và 5/3 để xét nghiệm lại. Ngày 6/3 cho kết quả dương tính với SARS-COV-2. Hiện bệnh nhân đang được cách ly điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 3 - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương cơ sở 2.

Hiện tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 44.540.

Từ ngày 11 - 23/3, Hải Dương tổ chức tiêm vắc xin COVID-19 tại các địa phương. Do đây là vắc xin lần đầu triển khai, nên Sở Y tế yêu cầu các địa phương phải tăng cường cán bộ có năng lực xử lý phản ứng sau tiêm, giám sát chặt chẽ các trường hợp sau tiêm.

Theo kế hoạch tổ chức tiêm vắc xin COVID-19 cho một số nhóm đối tượng ưu tiên đợt 1 do Sở Y tế Hải Dương ban hành, thì lịch tiêm chia thành 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 từ ngày 11-16/3, tổ chức tiêm đồng loạt tại 6 địa phương, gồm TP. Hải Dương, TP. Chí Linh, thị xã Kinh Môn và các huyện Kim Thành, Nam Sách, Cẩm Giàng.

Giai đoạn 2 từ ngày 17-21/3, tổ chức tiêm đồng loạt tại các địa phương còn lại.

Ngày 22/3, tổ chức tiêm vét cho các đối tượng trong diện được tiêm.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương đã hướng dẫn các địa phương về biện pháp bảo đảm tiêm chủng an toàn.

Theo đó, các đơn vị phải lựa chọn điểm tiêm phù hợp, bảo đảm khoảng cách theo quy định về phòng chống dịch, bố trí đủ phòng theo dõi sau tiêm. Sử dụng nhân lực và vật lực sẵn có của hệ thống tiêm chủng mở rộng phục vụ tiêm vắc xin COVID-19. Giải thích rõ cho người được tiêm về mục đích, ý nghĩa, các triệu chứng phản ứng có thể gặp phải sau tiêm. Yêu cầu người tiêm ký cam kết trước khi tiêm.

Do đây là loại vắc xin mới lần đầu triển khai, nên phải tăng cường cán bộ có năng lực xử lý phản ứng sau tiêm, giám sát chặt chẽ các trường hợp sau tiêm (trong 10 ngày). Các địa phương phải kịp thời báo cáo các trường hợp có triệu chứng sau tiêm, kể cả những trường hợp nhẹ...

Gỡ bỏ phong toả 8/13 khu dân cư ở Cẩm Giàng, Hải Dương

UBND tỉnh Hải Dương đồng ý đối với đề xuất của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 huyện Cẩm Giàng về việc gỡ bỏ phong toả đối với 8/13 khu dân cư trên địa bàn.

Đối với thôn Tiền (Thị trấn Lai Cách), thôn Phú Lộc, thôn Hoàng Gia (xã Cẩm Vũ), xóm Mới, khu tập thể XN Gia Cầm (thông Tràng Kỹ - Tân Trường) tiếp tục phong toả cho đến khi ổn định và không còn yếu tố dịch tễ.

Tại buổi làm việc của Đoàn công tác của tỉnh Hải Dương kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID – 19 ở 03 địa phường gồm: Thị xã Kinh Môn, huyện Kim Thành và huyện Cẩm Giàng ngày 11/3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản cho biết: Tình hình dịch bệnh tại các địa phương đến nay đã cơ bản được kiểm soát.

Tuy nhiên, trước diễn biến dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ về dịch bệnh Covid-19 và thực tế có những ca bệnh sau nhiều lần xét nghiệm mới phát hiện ra; có những ca bệnh phát hiện sau khi hoàn thành cách ly về gia đình, lây lan trong gia đình… Lãnh đạo UBND tỉnh đề nghị, sau khi hết giãn cách, các địa phương thực hiện theo Chỉ thị 15/CT-TTg nhưng không được lơ là, chủ quan; cần siết chặt kỷ cương, tăng cường quản lý các địa bàn khu dân cư trong từng xóm, từng thôn, từng xã.

Thực hiện việc rà soát đánh giá nguy cơ về dịch bệnh, đề ra các giải pháp quyết liệt, đồng bộ nhằm đẩy lùi hoàn toàn dịch bệnh. Đặc biệt lưu ý: đối với các địa bàn xã, phường (có nhiều ca bệnh F0), cần tiếp tục khoanh vùng cách ly đối với khu vực xóm, thôn, khu dân cư thậm chí là xã, phường còn tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh để quản lý, giám sát chặt chẽ hơn thêm một thời gian.

Đẩy nhanh việc lấy mẫu xét nghiệm để có kết quả sớm nhất, chính xác nhất nhằm loại bỏ hoàn toàn mầm bệnh (nếu còn) trong cộng đồng. Tất cả những trường hợp là F0, F1 khi trở lại khu dân cư, tiếp tục được theo dõi, giám sát chặt chẽ. Riêng trường hợp F1 (quản lý tối thiểu 21 ngày) tại gia đình.

Các địa phương cần lên kế hoạch đẩy mạnh sản xuất đi đôi với công tác phòng, chống dịch an toàn, hiệu quả. Các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện nghiêm túc nguyên tắc 5K và quy định phòng dịch, cam kết và chịu trách nhiệm nếu để dịch bệnh xảy ra.

Bên cạnh đó, các địa phương cần thành lập các đoàn công tác để kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời những cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh, các doanh nghiệp đã đi vào hoạt động.

Hà Nội thông báo chi tiết về các đối tượng được ưu tiên tiêm vắc xin COVID-19

Trong đợt 1, Bộ Y tế phân bổ 8.000 liều vắc xin AstraZeneca cho thành phố Hà Nội. Theo kế hoạch, Hà Nội sẽ triển khai chiến dịch tiêm đồng loạt trên địa bàn thành phố trong thời gian từ ngày 9/3-18/3/2021 tại 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố.

Đối tượng ưu tiên là những người làm việc trong các cơ sở y tế, bao gồm: Người tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc bệnh phẩm của người bệnh nghi nhiễm, nhiễm COVID-19.

Theo đó, tại các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế Hà Nội, đối tượng được tiêm vắc xin COVID-19 là cán bộ y tế thường xuyên trực tiếp khám hoặc sàng lọc, điều trị, chăm sóc người bệnh có nguy cơ nhiễm COVID-19 tại các khoa Truyền nhiễm, khoa Hồi sức cấp cứu, khoa Khám sàng lọc người nghi nhiễm COVID-19. Nhân viên lấy mẫu và xét nghiệm bệnh phẩm nghi ngờ COVID-19.

Tại các đơn vị y tế dự phòng đối tượng là cán bộ đội cơ động phòng chống dịch, cán bộ làm công tác điều tra dịch tễ, truy vết, giám sát dịch, xử lý dịch, lấy mẫu và xét nghiệm bệnh phẩm nghi ngờ COVID-19; Ban chỉ đạo phòng chống dịch.

Tại các đơn vị cấp cứu, vận chuyển người nghi nhiễm, nhiễm COVID-19:  cán bộ thuộc đơn vị cấp cứu 115 tham gia cấp cứu, vận chuyển người nghi nhiễm, nhiễm COVID-19.

Đối tượng tiếp theo là những người tham gia phòng chống dịch bao gồm: thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc tại các khu cách ly tập trung của thành phố (các khu cách ly tập trung do quân đội quản lý có thực hiện cách ly tập trung từ đầu năm 2021).

MỚI - NÓNG
Phó Chủ tịch Cần Thơ: Báo cáo hằng ngày nhưng 'gỡ hoài không ra'
Phó Chủ tịch Cần Thơ: Báo cáo hằng ngày nhưng 'gỡ hoài không ra'
TPO - Dù cố gắng dồn sức tháo gỡ ngay đầu năm, tháo gỡ cơ chế chính sách, làm cật lực nhưng quy mô nền kinh tế vẫn không tăng hơn nhiều so với các năm trước. Điều đó, cho thấy sự lớn mạnh của thành phố vẫn còn chậm, các bước nhịp chưa được nhanh, chưa có hoạt động đột phá để nâng cao giá trị…