> Bộ công an đề nghị hủy đề án cấp mã số công dân
> Mã số công dân: Không chồng chéo
Với mục tiêu tạo sự đổi mới căn bản về tổ chức, hoạt động quản lý Nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại, đơn giản hoá thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, đặt nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, Đề án được chia làm hai giai đoạn.
Từ năm 2013-2014, hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc cấp mã số định danh, xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, rà soát đề xuất phương án cải cách TTHC, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư.
Từ năm 2015-2020, sẽ xây dựng, vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và triển khai cấp mã số định danh cá nhân. Cụ thể, từ năm 2016, sẽ thực hiện việc nhập thông tin cơ bản về công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp số định danh cá nhân.
Theo đó, các loại giấy tờ như: Giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận kết hôn, giấy chứng tử... sẽ không còn và được thay thế bằng số định danh. “Đến hết năm 2020, thông tin cơ bản của công dân sẽ được nhập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và mỗi công dân đều có số định danh cá nhân. Các cơ quan hành chính nhà nước tại bốn cấp chính quyền khai thác, sử dụng thông tin trực tuyến tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết TTHC cho công dân”- Thứ trưởng Lê Hồng Sơn nói.
Khi công dân được cấp mã số định danh có bỏ CMND không? Trả lời câu hỏi này của báo chí, Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về TTXH (Bộ Công an) khẳng định không thể bỏ CMND vì đây là giấy tờ tuỳ thân.
Trong khi chúng ta chưa có phương tiện hữu hiệu nào, người dân vẫn cần CMND phục vụ cho các giao dịch của mình. Thiếu tướng Vệ cho biết thêm, việc cấp số định danh công dân gắn với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Số định danh cá nhân cấp cho công dân và gắn với họ từ khi sinh để làm mã số định danh.
“Chúng tôi đã tính toán và 500 năm nữa, những số này không trùng nhau. Tuy vậy vấn đề này cần phải được luật hóa”- ông Vệ nói.