Cấp kinh phí đào tạo sư phạm: Thu hồi thế nào nếu ra trường không đi dạy?

0:00 / 0:00
0:00
Nữ sinh trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Như Ý
Nữ sinh trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Như Ý
TPO - Từ năm học 2021 – 2022, chính sách hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí đối với sinh viên sư phạm được thực hiện.

Hôm nay, 29/4, Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội nghị trực tuyến việc triển khai Nghị định 116 về chính sách hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí của Chính phủ ban hành năm 2020. Hội nghị được tiến hành tại 3 điểm cầu: Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM.

Tại hội nghị, ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ GD&ĐT, đã trình bày báo cáo về trách nhiệm, quy trình thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm theo Nghị định 116, được áp dụng từ khóa tuyển sinh năm học 2021 - 2022.

Theo ông Khánh, thực hiện Nghị định 116, việc đào tạo sinh viên sư phạm gắn chặt với nhu cầu sử dụng và tuyển dụng giáo viên tại các địa phương dựa trên cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng và đấu thầu đào tạo sinh viên sư phạm với các cơ sở đào tạo. Đồng thời, quy định gắn trách nhiệm của các địa phương từ nhu cầu đến đặt hàng đào tạo, việc bố trí, sử dụng sinh viên sau tốt nghiệp nhằm tránh tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và thực trạng sinh viên sư phạm ra trường làm trái ngành nghề đào tạo đang diễn ra.

Nghị định 116 xây dựng mức hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm hợp lý, bảo đảm đủ tiền đóng học phí và cơ bản đủ chi trả chi phí sinh hoạt tối thiểu để sinh viên yên tâm theo học ngành đào tạo giáo viên, đồng thời thu hút được sinh viên giỏi vào học và công tác trong ngành giáo dục, thúc đẩy chất lượng đội ngũ nhà giáo.

Điểm mở của Nghị định 116 theo ông Khánh là sinh viên sư phạm có thể đăng ký đào tạo theo các hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu theo thông báo nhu cầu của các địa phương; đào tạo theo nguyên vọng của cá nhân/tổ chức/doanh nghiệp (đào tạo theo nhu cầu xã hội).

Trách nhiệm bồi hoàn như thế nào?

Ông Khánh cũng cho biết, trong Nghị định 116, có một số chính sách được ban hành thông qua các quy định. Trong đó có quy định chi tiết các trường hợp nào phải bồi hoàn, trường hợp nào không bồi hoàn kinh phí đào tạo.

Sinh viên sư phạm không phải bồi hoàn là những em đã công tác trong ngành giáo dục và có thời gian công tác tối thiểu gấp hai lần thời gian đào tạo tính từ ngày được tuyển dụng trong thời hạn 2 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp.

Sinh viên sư phạm phải bồi hoàn kinh phí đào tạo gồm những em không công tác trong ngành giáo dục sau 2 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp; hoặc công tác không đủ thời gian công tác theo quy định; hoặc sinh viên sư phạm chuyển sang ngành đào tạo khác, tự thôi học, không hoàn thành chương trình đào tạo hoặc bị kỷ luật buộc thôi học.

Tuy nhiên, có những em được xếp vào diện “bất khả kháng” như nghỉ học tạm thời, bị đình chỉ học tập tạm thời, các em sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ trong thời gian nghỉ học hoặc bị đình chỉ học. Hoặc sinh viên dừng học do ốm đau, tai nạn, học lại, lưu ban (không quá một lần), dừng học vì lý do khác không do kỷ luật, được cơ sở đào tạo giáo viên xem xét cho tiếp tục học tập theo quy định, thì tiếp tục được hưởng chính sách hỗ trợ.

“Các nội dung trên đã đảm bảo quy định cụ thể cho tất cả các đối tượng nhằm đảm bảo công bằng cho các sinh viên sư phạm ra trường làm đúng ngành giáo dục”, ông Khánh nói.

Trách nhiệm thu hồi chi phí bồi hoàn được giao cho UBND cấp tỉnh (ra thông báo thu hồi và thông báo cho sinh viên sư phạm và gia đình đối với các trường hợp phải bồi hoàn kinh phí). Trường hợp sinh viên hoặc gia đình chậm thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn quá thời hạn quy định thì phải chịu lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định đối với khoản tiền chậm bồi hoàn.

Tối đa trong thời hạn 4 năm, kể từ ngày nhận được thông báo thu hồi kinh phí sinh viên sư phạm, sinh viên và gia đình các em có trách nhiệm nộp trả đầy đủ khoản tiền phải bồi hoàn. Số tiền thu hồi từ kinh phí bồi hoàn được nộp vào ngân sách nhà nước.

Nhưng ông Khánh cũng khẳng định: "Mục tiêu của Nghị định là thu hút học sinh giỏi vào học và phục vụ ngành sư phạm. Nghị định không chú trọng tới mục tiêu bắt người học bồi hoàn kinh phí. Chúng tôi tin rằng, nếu có giải pháp đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi để các em học xong được phục vụ trong ngành sư phạm, thì số em không ở lại làm việc trong ngành là rất hãn hữu".

Tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, ông Dương Xuân Huyên cho biết hiện tỉnh đang có 10 trường hợp cử tuyển cần phải thu hồi kinh phí đào tạo. Tuy đã gửi thông báo đến các trường hợp tới 5 lần nhưng vẫn không thấy có phản hồi. Ông Huyên cho rằng trong Nghị định 116 về cấp kinh phí đào tạo, sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm cũng không có chế tài xử lý nên các địa phương sẽ không có cách nào thu hồi được.

Đây cũng chính là một trong những khó khăn mà các địa phương đã lo lắng khi chia sẻ tại hội nghị lần này.

MỚI - NÓNG
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
TPO - Ngày 13/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài – Trưởng Ban Chỉ đạo thành phố về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 đã ký ban hành Thông báo kết luận của Thường trực Ban chỉ đạo thành phố về định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thành phố.
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.