Cấp đổi số nhà, lạc vào ma trận

Cấp đổi số nhà, lạc vào ma trận
TP - TPHCM bắt đầu triển khai cấp đổi số nhà cho trên 100 nghìn căn nhà trên địa bàn 24 quận huyện. Được cấp mới, xóa bỏ “ma trận” số nhà, tên đường vốn đã tồn tại từ nhiều năm nay, gây phiền hà cho người dân song nhiều người vẫn lo ngay ngáy...

> Thay đổi số nhà, ngõ ngách: Lại làm không báo

Một căn nhà gắn hai số nhà. Ảnh: LT
Một căn nhà gắn hai số nhà. Ảnh: LT.

Cấp đổi số nhà, lạc vào ma trận

Đường Cửu Long (quận Tân Bình) chỉ dài khoảng 200m nhưng số nhà khá lộn xộn. Một dãy được cấp số mới hoàn toàn, dãy nhà bên kia số cũ, số mới xen kẽ, lộn xộn khiến người tìm nhà hoa cả mắt.

Các căn nhà đầu đường lần lượt được đánh số 2, 4, 6, rồi 6A3, 6A, 6B, 8 và bất ngờ nhảy lên số 16, 18 rồi lại xuống 10, 10A, 14, 24,… Tại góc đường Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1), cả mười căn nhà cùng mang số 16. Từ ngã sáu Phù Đổng đến ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai (cùng thuộc quận 1) có 8 căn mang số 89.

Trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh), nhà số 700 nằm liền kề với nhà được đánh số 564; nhà số 714 nằm cạnh nhà số 576A. Trên QL 13 (Bình Thạnh), ba căn nhà cạnh nhau được đánh số 9, 16 và… 553A4.

Trên đường Quang Trung (quận Gò Vấp), nhà số 393 và số 399 liền kề, trong khi nhà số 351 đứng cạnh nhà số 237 rồi mới đến nhà số 353. Cách đó không xa, việc đánh số nhà trên đường Nguyễn Oanh cũng buồn cười không kém. Nhà số 6 nằm liền kề với nhà số 12; nhà số 3 cạnh nhà số 31.

“Tôi chạy xe ôm gần 20 năm nhưng nhiều lúc phát khóc vì số nhà. Có lần quần tới quần lui cả chục lần vẫn không tìm được. Nhà đánh số mặt tiền nhưng lại nằm tuốt trong hẻm. Khách không hiểu cứ trách tôi chạy lòng vòng để lấy tiền” – ông Hùng, lái xe ôm tại Đài liệt sỹ (quận Bình Thạnh) nói.

Tại một số khu dân cư tự phát ở các quận huyện vùng ven, để thuận lợi cho các giao dịch dân sự, đi lại, một số người dân tự đánh số nhà. Nhiều con đường chưa có tên nên việc cấp số nhà càng phức tạp hơn. Tại một số nơi, do cán bộ chưa rành nghiệp vụ hoặc thiếu trách nhiệm nên đã cấp, đổi số nhà tùy tiện, tự động đổi số nhà.

Tại nhiều khu đô thị mới ở quận 2, số nhà mang tên lô đất, đơn cử như ở khu dân cư 17,3ha (phường An Phú) có các căn nhà mang số 311K10, 311-L8, 311-M2 Lương Định Của.

Càng nhiều số, càng rối

Gia đình bà Nguyễn Thị Minh Châu ngụ tại phường 14 (quận Gò Vấp) từ trước năm 1975. Sổ hộ khẩu gia đình bà Châu ghi số nhà là 58/3A Phạm Văn Chiêu.

Khi làm thủ tục chủ quyền nhà vào năm 1999, UBND quận ghi căn nhà của bà mang số 135 Phạm Văn Chiêu. Vừa qua, quận Gò Vấp lại cấp đổi cho bà Châu số nhà mới là 171 Phạm Văn Chiêu. Rắc rối phát sinh khi bà Châu làm thủ tục đổi sổ hộ khẩu mới.

Công an quận yêu cầu bà phải có xác nhận của UBND phường rằng ba số nhà trên là một. “Từ đó đến nay, mỗi khi cần giao dịch có liên quan đến nhà, đất, tôi lại phải xin UBND phường xác nhận số nhà, rất phiền phức” - bà Châu cho biết.

UBND quận Gò Vấp cho biết toàn quận có 88.000 nhà đủ điều kiện cấp số. Từ đầu năm 2010 đến nay, quận điều chỉnh số nhà trên toàn địa bàn và cấp hơn 81.000 giấy chứng nhận số nhà cho người dân. UBND quận đã chỉ đạo các phường dựa trên bản đồ số nhà xác nhận trường hợp hai, ba hoặc bốn số nhà là một nhà cho dân.

Theo Sở Xây dựng (XD), nhiều nơi chính quyền sợ phiền phức, cứ đùn đẩy cho nhau, nhiều quận huyện “ngâm” luôn hồ sơ của dân chờ khi đường sá, nhà cửa chỉnh trang ổn định mới chịu làm.

Ngoài ra, một số nơi cán bộ không rành nghiệp vụ nên nhà cấp, đổi xong số vẫn “loạn” như cũ nên càng gây phiền hà cho người dân.

Theo một số chuyên gia, một trong những nguyên nhân chính là do có sự tuỳ tiện trong việc tự động đổi số nhà mà không tính tới sự liên hoàn giữa các phường, khi tách nhập phường chưa tính đến phương án chỉnh sửa số nhà.

Một số quận yêu cầu người dân bổ sung giấy tờ, nộp phí không có trong quy định, đơn vị đo vẽ không đúng quy định vẽ đi vẽ lại, chỉnh sửa nhiều lần.

Ngày 27-6, tại hội nghị triển khai Quyết định của UBND TPHCM về thực hiện quy chế đánh số và gắn biển số nhà trên địa bàn TPHCM với 24 quận-huyện, Phó Giám đốc Sở XD Đỗ Phi Hùng khẳng định việc đánh, gắn số nhà mới là nhằm hoàn thiện và thống nhất quy cách đánh số nhà, không được gây phiền hà, xáo trộn cho người dân.

Ông Hùng cho biết đến nay, TPHCM đã cấp mới, điều chỉnh trên 1,2 triệu số nhà, chỉ còn khoảng 100.000 căn nhà, căn hộ cần được cấp và điều chỉnh số nhà. Nếu người dân có nhu cầu thì làm đơn gửi chính quyền địa phương và không cần thực hiện bất cứ thủ tục nào.

Theo Quyết định số 22 của UBND TPHCM, nhà ở, công trình xây dựng không phép trong khu vực cấm xây dựng không được đánh số và gắn biển số nhà. Số nhà trên một trục đường chính, đường nội bộ, đường hẻm được đánh liên tục không phân biệt ranh giới hành chính (phường, xã, thị trấn, quận, huyện). Nhà bên trái đánh số lẻ, nhà bên phải đánh số chẵn.

Khu vực trung tâm thành phố và khu đô thị phía Tây, phía Bắc và Tây - Bắc, Tây - Nam thành phố (các quận 1, 3, 4, 5, 6, 10, 11, 12, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp, Hóc Môn, Bình Tân, Bình Chánh, Củ Chi), chiều đánh số nhà là Đông - Tây, Nam - Bắc.

Khu đô thị phía Đông, Đông Bắc (các quận: 2, 9, Thủ Đức), chiều đánh số nhà là Tây - Đông, Nam - Bắc. Khu đô thị phía Nam, Đông - Nam (quận 7, 8, Bình Tân, huyện Nhà Bè, Cần Giờ, Bình Chánh) chiều đánh số nhà là Đông - Tây, Bắc – Nam.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.