Cao tốc An Hữu - Cao Lãnh 'đói cát'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 1/3, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp - Lê Quốc Phong chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Dự án đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, nhằm bàn hướng giải quyết nguồn cung cát san nền cho dự án.

Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1 đã có 541/548 hộ nhận tiền bồi thường, đạt trên 98%. Dự án thành phần 1 có 16 gói thầu. Đến nay, đã lựa chọn nhà thầu 14/16 gói thầu, chuẩn bị lựa chọn nhà thầu 2 gói thầu còn lại.

Tiến độ thi công các công trình cầu trên tuyến đạt tiến độ đề ra, dự kiến hoàn thành trong năm 2024.

Đối với Dự án thành phần 2 đoạn qua địa bàn tỉnh tỉnh Đồng Tháp, tỉnh thu hồi được 28,3 ha đất, hiện chưa thực hiện phương án bồi thường và tái định cư.

Cao tốc An Hữu - Cao Lãnh 'đói cát' ảnh 1

Công nhân thi công dự án cao tốc An Hữu - Cao Lãnh. Ảnh: PV.

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, hiện nhu cầu cát đắp trong năm 2024 trên 1,7 triệu m3. Tuy nhiên, 3 mỏ cát tỉnh giao khai thác cho dự án đến nay chưa xong thủ tục để đưa mỏ vào khai thác.

Nguyên nhân là Bộ TN&MT chưa có hướng dẫn áp dụng cơ chế đặc thù về khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (cát san lấp).

Đến nay, dự án giải ngân được 283/882 tỷ đồng, đạt hơn 32% vốn kế hoạch năm 2024. Cao tốc Cao Lãnh - An Hữu đang thi công phần san lấp nền đường và xây dựng cầu, rất cần nguồn cung ứng cát phục vụ thi công.

Cao tốc An Hữu - Cao Lãnh 'đói cát' ảnh 2

Thi công dự án Cao Lãnh - An Hữu.

UBND tỉnh Đồng Tháp đề xuất Ban Chỉ đạo kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ TN&MT sớm hướng dẫn việc thực hiện các thủ tục cơ chế đặc thù theo Nghị quyết của Quốc hội, để sớm khai thác các mỏ cát phục vụ cho dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu.

Dự án thành phần 2 cao tốc Cao Lãnh - An Hữu dự kiến tháng 6 tỉnh Tiền Giang khởi công, tuyến Mỹ An - Cao Lãnh cuối năm 2024 khởi công. Do đó, địa phương cũng cần chuẩn bị vật liệu cung cấp cho các dự án này.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Tháp, việc mở mũi thi công thêm đang vướng do hết nguồn cát. Hiện, dự án cần khoảng 50.000 m3 cát tới các vị trí để thi công cầu. Trước mắt tổng nhu cầu cát khoảng 1,7 triệu m3 để triển khai tất cả mũi thi công cầu và đường.

Cao tốc An Hữu - Cao Lãnh 'đói cát' ảnh 3

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: N. Ánh.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp - Lê Quốc Phong cho biết sau 7 tháng khối lượng công việc đạt được khá tốt, phấn đấu cuối năm 2024 bàn giao 100% mặt bằng sạch cho đơn vị thi công. Ông Phong đề nghị Ban Quản lý dự án tính toán lại thời gian thi công từ nay đến tháng 10/2025, đẩy nhanh tiến độ thi công cầu, thúc đẩy tiến độ các hạng mục khác, từng bước phải dứt điểm để về đích sớm.

Về nguồn cát cho dự án, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp đề nghị Sở Xây dựng điều tiết, phân bổ cát để phục vụ công trình cao tốc, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, Sở TN&MT khẩn trương hoàn tất các thủ tục đối với 3 mỏ cát áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết của Quốc hội để phục vụ dự án.

MỚI - NÓNG