Cao thủ săn cá ngát miền Tây

Cao thủ săn cá ngát miền Tây
Trong đêm tối, mặc cho dòng nước chảy xiết, nhiều thợ săn cá ngát ở xóm mò cá ngát xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang, vẫn miệt mài hụp lặn dưới đáy sông sâu để bắt những con cá ngát hung tợn đang ẩn nấp trong hang.

Không sợ hiểm nguy

Trời chập choạng tối, chúng tôi tháp tùng nhóm thợ săn cá ngát lên ghe xuôi về cửa biển Đèn Đỏ. Trong màn đêm, gió lồng lộng thổi, những con sóng nhấp nhô đánh vào mạn ghe làm nước văng tung tóe.

Cao thủ săn cá ngát miền Tây ảnh 1

Mang dụng cụ xuống sông để lặn tìm hang cá ngát

Sau hơn một giờ vượt sóng, chiếc ghe đã đến cửa biển Đèn Đỏ và neo lại chờ trăng lên. Quá 21 giờ, trăng nhô lên cao, tỏa ánh sáng lấp lánh trên sông, nước cũng đã cạn dần làm cho những bãi bồi ven sông lộ rõ. Lúc này, nhóm thợ săn cá ngát ở Bình Tân ăn vội phần cơm mang theo rồi mang đồ nghề xuống sông săn cá.

Nói đồ nghề cho hoành tráng, thật ra chỉ là 1 cây sào dài khoảng 4-5 mét, 1 cái vợt lưới và 1 cây dầm. Cây sào được thợ săn cá ngát mang theo làm điểm tựa khi họ ngoi lên mặt nước để thở và đánh dấu khi phát hiện hang cá ngát. Cây dầm còn có công dụng để chặn đường đi của cá, dụ cá đến cái vợt để bắt bằng vợt lưới giúp thợ săn tránh bị cá ngát đâm. Dưới lòng sông nước chảy xiết, nhóm thợ săn cá ngát liên tục lặn hụp dò tìm hang cá, những ngọn sào cứ nhấp nhô theo sự di chuyển của họ dưới đáy sông. Cứ khoảng 15 giây họ lại ngoi lên mặt nước để hít thở, sau đó lại tiếp tục lặn xuống để tìm hang cá ngát.

Cũng như bao nghề khác, nghề săn cá ngát phụ thuộc hoàn toàn vào con nước, mỗi tháng 2 con nước (15 và 30 âm lịch). Mỗi con nước, việc săn cá ngát kéo dài khoảng 7 ngày, cũng có khi hơn nếu bắt được nhiều cá. Đối với những người săn cá ngát, kinh nghiệm là điều quan trọng nhất. Một người có kinh nghiệm chỉ cần vừa lặn xuống đáy sông chạm vào đất đã có thể biết nơi đó có nhiều cá hay không. Khi mò hang thì cần phải nắm được ngách nào là chính, ngách nào là phụ để úp vợt. Đó là những kinh nghiệm quyết định đến thành quả lao động.

Chẳng mấy chốc, nhóm thợ săn cá ngát đã cách chiếc ghe hàng trăm mét, bỗng nhiên có tiếng gọi với từ dưới sông. Đó chính là ám hiệu cho người lái ghe khi phát hiện hang cá ngát. Anh lái ghe tức tốc nổ máy chạy tới nơi những người mò cá ngát phát hiện ra hang, nhanh chóng chuyền vợt và cây dầm xuống cho họ “bắt hang”.

Cá ngát có đặc tính đào hang trú ngụ, mỗi hang thường có 2-3 ngách ra, vào. Muốn bắt được chúng, người làm nghề phải biết chính xác đâu là cửa chính, cửa phụ để úp vợt và dồn cá vào đó.

Thợ săn Trần Văn Bảy (ngụ ở xã Bình Tân) từ dưới đáy sông ngoi lên nói to: “Cái hang này có 2 miệng nhưng sâu quá, dấu còn mới, chắc cá mới đào. Chuyền cho tôi cái vợt với cây dầm để bắt cá!”.

Cao thủ săn cá ngát miền Tây ảnh 2

Những người săn cá ngát phải lặn hàng giờ dưới đáy sông

Nói xong, anh Bảy tiếp tục lặn xuống để “bắt hang”. Sau nhiều lần hụp lặn, đào bới dưới đáy sông, cuối cùng những con cá ngát hung tợn với 2 cái ngạnh sắt nhọn đã nằm gọn trong vợt. Cầm vợt cá trên tay, anh Bảy thở hổn hển khoe: “Hai con cá này chắc cũng được 3 ký. Có lúc tui bắt được con cá nặng gần chục ký, dài tới cả mét”. Nói rồi, anh Bảy tiếp tục cùng những người trong nhóm lặn xuống đáy sông để tìm hang cá ngát.

Đã quá nửa tiếng mà các thợ săn vẫn chưa tìm được hang mới. Sốt ruột, anh lái ghe nổ máy chạy đến gần cửa biển hơn. Lúc này, thợ săn Võ Thanh Cường (ngụ ở xã Bình Tân) đang lặn hụp gần đó ngoi lên mặt nước báo hiệu phát hiện có hang cá. Anh lái ghe lập tức chuyền vợt cho anh Cường. Sau một hồi trồi lên, hụp xuống, con cá ngát cũng nằm gọn trong vợt. Lần này, anh Cường chỉ bắt được một con, nhưng đây là “hàng khủng”. Con cá ngát da trơn bóng, hai cái râu dài thượt, dài gần cả mét, nặng khoảng 5kg được mang lên ghe trong nụ cười mãn nguyện của anh Cường.

Theo những thợ săn cá ngát, trung bình mỗi chuyến đi săn, mỗi người có thu nhập khoảng 300.000-500.000 đồng. Chuyến nào “trúng mánh”, bắt được nhiều cá, người thợ săn có thể kiếm vài triệu đồng.

Qua rồi thời hoàng kim!

Hơn 10 năm trước, đó là thời kỳ hoàng kim của nghề săn cá ngát. Khoảng thời gian đó, cá ngát ở các con sông nhiều vô kể, mỗi chuyến đi săn, có khi một người có thể mò được vài chục ký.

Cao thủ săn cá ngát miền Tây ảnh 3

Mang dụng cụ xuống sông để lặn tìm hang cá ngát

Ấp Thuận Trị, xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây được mệnh danh là xóm săn cá ngát với hàng trăm thợ săn. Tuy nhiên, cá ngát ngày càng khan hiếm, hơn nữa, phải làm việc trong môi trường nguy hiểm, vất vả nên nhiều người bỏ nghề. Hiện số người mò cá ngát ở ấp Thuận Trị chỉ còn khoảng 20 người, tất cả đều có thâm niên và kinh nghiệm.

Nhắc đến thời kỳ hoàng kim của nghề săn cá ngát, thợ săn Võ Thanh Cường, người có gần 20 năm trong nghề mò cá ngát, bùi ngùi kể: “Cá ngát bây giờ thì có giá hơn lúc trước, nhưng số lượng thì không còn nhiều. Trước đây, có thời kỳ mỗi ngày tôi đi bắt được cả mấy chục ký cá, còn bây giờ có hôm đi về tay không. Trước kia, ở đây mỗi lần tới con nước có cả chục ghe nối đuôi nhau đi săn cá ngát, còn bây giờ thì lác đác một, hai chiếc thôi”.

Vất vả, nguy hiểm là những gì mà người săn cá ngát phải trải qua. Với việc phải lặn hàng giờ dưới đáy sông sâu hàng chục mét để tìm hang cá ngát, đôi tai của họ phải chịu sức ép liên tục của áp suất nước. Ngoài ra, trong quá trình dò tìm hang và bắt cá, người thợ săn cũng có thể dẫm phải miểng chai, lọ và bị cá ngát đâm.

Cao thủ săn cá ngát miền Tây ảnh 4

Thành quả sau hàng giờ hụp lặn của những người thợ săn cá ngát

Rít điếu thuốc rê cho ấm người, anh Võ Văn Dũng (ấp Thuận Trị) trải lòng: Bây giờ muốn bắt được cá ngát thì phải lặn sâu nên nhiều người lặn không nổi. Ở đây, do áp suất nước quá lớn nên nhiều thợ săn cá ngát bị đau nhức lỗ tai, không thể lặn được nữa, rồi từ đó bỏ nghề. Có câu “đau như bị cá ngát đâm”, sơ ý mà bị cá đâm là coi như bỏ cơm mấy bữa. Ở hai bên mang của cá ngát có hai ngạnh cứng và nhọn. Nọc độc của cá ngát rất độc và tập trung nhiều ở những đầu ngạnh này.

Theo lời kể của anh Đạt một “cao thủ” săn cá ngát ở Bình Tân, trong một lần săn cá đã bị ngạnh cá ngát đâm trúng giữa tay. Nọc độc cá làm tay anh sưng nề và có tật từ đó. Giờ đây, tay của anh không còn thẳng như tay những người bình thường. Chính vì thế mà khi nhắc tới nghề săn cá ngát, nhiều người không khỏi lắc đầu ngao ngán. Và cũng chính vì kiểu bắt cá “liều mạng” như người săn cá ngát Bình Tân mà nghề này đang dần trở nên mai một.

Thủy triều bắt đầu lên, gió cũng thổi mạnh hơn, chiếc ghe của những thợ săn cá ngát trở về sau hàng giờ hụp lặn dưới đáy sông. Dưới khoang ghe là những con cá ngát dài thườn thượt, trơn bóng, giãy đành đạch. Trên mui ghe, nhóm thợ săn với đôi mắt đỏ hoe, đổ ghèn vì phải lặn hàng giờ dưới đáy sông, đôi mắt như nói lên những nhọc nhằn của cái nghề đã gắn bó với họ gần một nửa cuộc đời.

Theo Theo Petrotimes
MỚI - NÓNG
Dự án nghìn tỷ nát tươm: Tư vấn thiết kế khai ‘chưa từng nhận được phản ánh’
Dự án nghìn tỷ nát tươm: Tư vấn thiết kế khai ‘chưa từng nhận được phản ánh’
TPO - Tại tòa, bị cáo thuộc đơn vị tư vấn khai quá trình thi công cho đến trước ngày diễn ra sạt trượt, đơn vị tư vấn không nhận được bất cứ phản ánh nào liên quan đến hồ sơ thiết kế. 'Nước ngầm' mà cáo trạng đề cập là do thấm từ trên xuống, lỗi này do đơn vị thi công sử dụng đất đắp không đạt yêu cầu.