Phản ánh với PV Tiền Phong, chị Nguyễn Minh Phượng - cư dân chung cư CT1A Định Công (quận Hoàng Mai) cho biết, mới đợt nắng nóng đầu tiên hàng trăm căn hộ tại tòa nhà này đã bị mất nước sinh hoạt. Việc mất nước ngay thời điểm nắng nóng khiến sinh hoạt của nhiều gia đình bị đảo lộn. Riêng gia đình chị Phượng phải tạm di dời về nhà mẹ đẻ để tiện bề sinh hoạt. Chị này cho biết, mùa hè năm trước có những thời điểm mất nước cả chục ngày trời.
Tại một số phường như Bạch Đằng, Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm), không thiếu nước sinh hoạt nhưng nước chảy yếu hơn, đặc biệt đối với những hộ dân có nền cao hơn ống cấp nước. Do nhu cầu sử dụng nước tăng cao nên một số nhà cuối ngõ phải bơm dự trữ trước cho 2 bể để có nước dùng cả ngày.
Có nước nhưng không thể hoặc không dám sử dụng do chất lượng nước bẩn cũng đã diễn ra tại nhiều chung cư ở Hà Nội. Mới đây nhất, các cư dân tòa A chung cư Sông Nhuệ (phường Kiến Hưng, Hà Đông) phản ánh tình trạng nước sinh hoạt có màu vàng như nước giếng khoan. Theo cư dân, không phải lần đầu tình trạng nước bẩn xảy ra nhưng sự việc vẫn không giải quyết được triệt để. Được biết, nước có màu vàng đục chỉ xảy ra ở một số hộ ở tòa A, trong khi tòa B khu chung cư không có hiện tượng này mặc dù cùng chung đường cấp nước.
Trước đó, hàng loạt khu đô thị: Eco City (Khu đô thị mới Tứ Hiệp, Thanh Trì); Khu đô thị Tân Tây Đô (Đan Phượng)… cũng gặp trường hợp nước sinh hoạt nhiễm bẩn. Cư dân Khu đô thị Tân Tây Đô thậm chí còn bức xúc căng băng rôn phản đối chủ đầu tư. Ông Nguyễn Lâm, đại diện cư dân Tân Tây Đô cho biết, mặc dù đã đưa vào sử dụng 4 năm, nhưng đến tháng 10/2018, cư dân mới có nước sông Đà. Đến nay người dân mới tạm yên tâm sinh hoạt, chưa phải lo lắng về việc thiếu nước, chất lượng nước.
Có hết nỗi lo thiếu nước sạch?
Về vấn đề nước nhiễm bẩn tại chung cư Sông Nhuệ, đại diện Ban Quản lý (BQL) chung cư cho biết, sau khi nhận được phản ánh của một số hộ dân, BQL đã phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm nước. Kết quả các chỉ số đều bình thường. Giải thích về hiện tượng nước vàng đục, vị này cho rằng: “Chủ yếu là những nhà bị cắt nước (do chưa đóng tiền nước), khi mở lại đường ống có màu lạ như phản ánh. Nhưng sau đó cũng hết ngay”.
Đại diện Cty Cổ phần Viwaco cho biết, hiện công ty đang cung cấp nước cho gần 150.000 khách hàng với công suất đạt gần 200.000 m3/ngày đêm, chủ yếu cho khu vực phía Tây Nam Hà Nội. Cty đang tiến hành cải tạo toàn bộ hệ thống cấp nước, đầu tư công nghệ mới, giảm thất thoát nước (phấn đấu dưới 20%). Đồng thời triển khai các dự án cấp nước cho 3 xã: Tả Thanh Oai, Hữu Hòa, Tam Hiệp (huyện Thanh Trì) và dự án đầu tư mạng lưới cấp nước sạch thôn Yên Xá, Tân Triều (huyện Thanh Trì). Đến nay, Cty đã hoàn thiện đường ống nước số 2 nên đảm bảo cấp nước cho cao điểm hè năm nay.
Đối với một số chung cư phản ánh về tình trạng nước bẩn, vị này giải thích do sức hút của máy bơm cao áp từ chung cư mạnh hút theo nhiều cặn của đường ống. Việc này chỉ xảy ra một thời điểm nhất định, sau đó nước trở lại bình thường. Theo kết quả xét nghiệm nước tháng 3/2019 từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế Hà Nội), nước ở các họng nước 1E Lê Đức Thọ, trạm cấp nước Văn Điển, Vĩnh Quỳnh, Tôn Thất Tùng… các mẫu đều đạt chuẩn.
Sau khi kiểm tra phản ánh của PV tại chung cư CT1A Định Công, vị này cho biết nguồn nước ở đây không thiếu, mất nước hiện tại do BQL với cư dân. Được biết, có nhiều chung cư phản ánh thiếu nước nhưng chủ yếu là vấn đề vận hành, tự ý cắt nước do mâu thuẫn giữa ban quản trị, BQL và cư dân.
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, kế hoạch cấp nước sạch mùa Hè năm 2019 đã được Sở báo cáo lên UBND thành phố chờ Thường trực Thành ủy phê duyệt để thực hiện. Về tình hình nước sạch thực tế, vị này cho rằng: Năm nay Hà Nội đã hoàn thành 4 nhà máy nước, do vậy lượng nước có thể nói là thừa. Đó là các nhà máy: Nước mặt Sông Đuống, Bắc Thăng Long Vân Trì, Dương Nội và nhà máy Ba Vì.