Trong cơ quan nhà nước người ta cạnh tranh nhau về chức vị mà không cạnh tranh về nghĩa vụ về khả năng. Công nhân cạnh tranh nhau về lương thưởng mà ít cạnh tranh về tay nghề. Nông dân làm ruộng tranh giành nhau từng m2 một bên bờ ruộng rồi chửi bới nói xấu nhau cũng chỉ vì chừng ấy. Trong khi còn bao nhiêu đất hoang hóa, đất cằn cần cải tạo thì không tranh nhau mà khai hoá, cải tạo.
Ở không ít làng quê người ta cạnh tranh nhau xem ai vai vế cao hơn trong họ, trong làng, ai đáng được ngồi mâm trên. Ai có cái nhà to hơn, có cái xe tốt hơn… thế mà không nghĩ tới chuyện nước ăn nước ở của mình như thế nào.
Người nước ngoài vào Việt Nam cứ thắc mắc sao ở Việt Nam không có những khu phố có kiến trúc nhà giống nhau, mà cứ nhấp nhô nhà thấp nhà cao, mỗi nhà một kiểu. Hoá ra người ta cạnh tranh nhau ngay cả trong chuyện nhà thấp cao. Ở khu phố tôi ở trọ rất lạ là nhà xây sau cứ phải cao to khác lạ hơn nhà xây trước. Họ chỉ tính toán kiểu đó mà không nghĩ tới chuyện mĩ quan đô thị và những chuyện khác.
Ra đường thì chen lấn từng tí một để đi trước. Các bạn trẻ bây giờ không ít người suốt ngày chỉ lo cạnh tranh nhau về các mốt quần áo, điện thoại xem ai sành điệu hơn ai. Bạn mua được hàng hiệu mình cũng không được kém hơn.
Nhìn ra các nước người ta cạnh tranh trong làm ăn buôn bán để làm giàu cho tổ quốc, cho nhân dân, còn một bộ phận trong chúng ta chỉ mải chạy đua những chuyện tầm thường.
Phan Thị Tâm
Xóm 13 -Xuân Lâm-Nam Đàn-Nghệ An