Cạnh tranh dưới vực Mariana

Tàu nghiên cứu đại dương Thám Tác-1 của Trung Quốc trở về sau chuyến nghiên cứu rãnh Mariana ảnh: Xinhua
Tàu nghiên cứu đại dương Thám Tác-1 của Trung Quốc trở về sau chuyến nghiên cứu rãnh Mariana ảnh: Xinhua
TP - Một chuỗi đảo nhỏ rộng hơn 1.000 km2 mà Mỹ kiểm soát trên Thái Bình Dương đang trở thành tâm điểm cạnh tranh ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ và Trung Quốc.

Nằm ở tây bắc Thái Bình Dương, quần đảo Mariana bao gồm nhóm đảo Bắc Mariana và Guam, một thời được coi như “đỉnh mũi tên” của sức mạnh Mỹ ở khu vực, nhưng Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng ở khu vực này thông qua hoạt động nghiên cứu đáy đại dương và đầu tư kinh tế .

Lãnh thổ thuộc Mỹ, nằm ở nơi cách California 15 giờ bay nhưng chỉ cách Bắc Kinh 5 giờ bay, nằm rải rác ở rìa phía tây của rãnh (vực) Mariana, điểm sâu nhất trên hành tinh, có chỗ sâu gần 11.000m.

“Hoạt động và ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực này đang tăng đáng kể. Điều đó sẽ gây hậu quả sâu rộng cho chính trị và an ninh khu vực. Trung Quốc đang rất quan tâm đến khu vực từng được gọi là "ao nhà của Mỹ" hay "sân sau của Úc”, SCMP dẫn lời ông Trương Kiện, giám đốc khoa nghiên cứu Trung Quốc tại Học viện Quốc phòng Úc.

Một phần nỗ lực của Trung Quốc là thăm dò đáy biển, nhằm đạt được mức độ am hiểu tường tận về khu vực vẫn đóng vai trò là tiền đồn quân sự quan trọng của Mỹ kể từ sau Thế chiến 2. Hơn 1/4 đảo Guam đang dành cho các căn cứ quân sự Mỹ, và tỷ lệ dân số đảo này phục vụ cho các căn cứ quân sự Mỹ cao gấp 3 lần tỷ lệ ở Mỹ. Đó là nơi Mỹ đặt một hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo THAAD từ năm 2013 - cùng loại Mỹ đưa đến Hàn Quốc năm 2016.

Tháng 10 năm ngoái, tàu nghiên cứu đáy biển Thám Tác 1 của Trung Quốc trở về sau chuyến đến rãnh Mariana và vận hành thành công tàu lặn không người lái xuống độ sâu 7.000m trong suốt 46 ngày liên tục, lập kỷ lục về độ sâu và thời gian thăm dò, báo chí Trung Quốc đưa tin.

Các nhà khoa học trên tàu cũng thử nghiệm loại pin nhiên liệu nước biển magiê đầu tiên để sử dụng ở độ sâu 10.000m dưới đáy biển, và quay video live-stream bằng một robot từ độ sâu đó. Chuyến thử nghiệm cho thấy tàu lặn của Trung Quốc có thể thu thập dữ liệu hữu ích cho phát triển năng lực chống phát hiện đối với tàu ngầm và giúp quân đội Trung Quốc giải quyết một trong những thách thức lớn nhất.

“Đây là một vấn đề mơ hồ, liên quan đến trái tim của chiến lược hạt nhân của Trung Quốc”, ông Lyle Goldstein, giám đốc Viện nghiên cứu biển Trung Quốc tại Học viện Hải quân Mỹ, nhận định.

Yếu tố đóng vai trò quan trọng trong chiến lược này là năng lực điều khiển tàu ngầm mà không bị phát hiện khi ở trong vùng biển giữa chuỗi đảo đầu tiên - từ Nhật Bản đến Đài Loan và Philippines - đến chuỗi đảo thứ hai, bao gồm quần đảo Mariana.

“Tôi đã nghiên cứu chiến tranh dưới nước được 20 năm và chưa từng thấy suy nghĩ nghiêm túc nào khác về điều mà một quân đội muốn làm ở độ sâu 5.000 hoặc hơn”, ông Goldstein nói. Chuyên gia này cho biết âm thanh khi di chuyển ở độ sâu đó sẽ cho phép phát hiện những tàu ngầm ở cách xa hàng trăm dặm.

Báo chí Trung Quốc đưa tin nước này có kế hoạch đưa hai robot dưới nước xuống lấy mẫu ở đáy biển Đông và rãnh Mariana.          

MỚI - NÓNG