Cảnh sát chìm làm sao 'bắt cá nhiều tay'?

Bob Lambert và người tình Karen.
Bob Lambert và người tình Karen.
Mỗi viên cảnh sát mật được phân công do thám nhiều đối tượng, vì thế họ không chỉ gạ gẫm, giả vờ yêu một người mà cùng lúc có thể bắt cá nhiều tay. Cái khó chính là làm sao cho các “con mồi” đều tin là họ đang đắm trong tình yêu đích thực, và nhất là làm sao đừng để bị “bể”.

Chiến thuật phổ biến nhất của những anh chàng này là thoắt ẩn thoắt hiện một cách bất ngờ để các cô nàng không thể nghi ngờ hay tình cờ bắt gặp mình đi với ai, làm gì.

“Don Juan thời hiện đại” thi hành nhiệm vụ

Tháng 9/2011, Robert Lambert, một học giả 59 tuổi, tổ chức diễn thuyết tại các trung tâm nghiên cứu chính trị, xã hội để quảng bá cho quyển hồi ký về 30 năm trong nghề của mình. Quyển sách của ông chỉ đề cập những mảng tươi sáng trong nghề nghiệp mà không hề nhắc đến những mảng tối, góc khuất của nó.

Nhưng cách vài tháng sau, một quyển sách khác đã được xuất bản, nhan đề: “Cảnh sát chìm: Câu chuyện thật của cảnh sát mật Anh” (Undercover: The True Story of Britains Secret Police) do Guardian Faber Books xuất bản, trong đó bóc trần những câu chuyện bê bối nhân danh nhiệm vụ bí mật của Sở Cảnh sát Đô thị London (MET) trong cao trào chống các tổ chức hoạt động bảo vệ môi trường, đặc biệt là tổ chức Hòa bình xanh London (London Greenpeace).

Từ quyển sách của Guardian Faber Books, người ta mới biết Robert Lambert, vốn là một cảnh sát chìm có hạng, gia nhập cảnh sát vào năm 1977 khi mới 25 tuổi. 3 năm sau, ông được điều chuyển sang bộ phận hoạt động mật, và từ đây được biên chế vào Đội Đặc nhiệm chống biểu tình (SDS).

Lambert ở cùng đơn vị với John Dines, Jim Boyling, Mark Kennedy và Mark Jenner - 5 sĩ quan cảnh sát mật bị những “người tình bí mật” kiện ra tòa vì hành vi gạt gẫm tình cảm của họ. Trong đội SDS, Lambert có mật danh là Mark “Bob” Robinson - được nhiều người mô tả là một chàng thanh niên có duyên, thông minh và có tinh thần cầu tiến, lại ưa mạo hiểm.

Năm 1983, ngay trong năm đầu tiên triển khai nhiệm vụ, Bob đã gặp gỡ Charlotte, khi đó mới 22 tuổi, trong một cuộc biểu tình đòi quyền của động vật bên ngoài Tòa thị chính Hackney, phía đông London. Bob tự giới thiệu với Charlotte mình là một người làm vườn ở phía bắc London. Bob đã tìm mọi cách xuất hiện trước mặt Charlotte; cô đi hướng nào, anh ta cũng đi theo, lảng vảng trước mắt để bắt chuyện và cưa cẩm... dai như đỉa.

Anh ta cố tình thể hiện mình là một nhà hoạt động chính trị đường phố đầy nhiệt huyết, thậm chí còn khuyến khích, động viên Charlotte hoạt động hăng say hơn nữa. Và điều đó đã khiến Charlotte bị “đổ” một cách khá dễ dàng. Chỉ trong vài tháng, họ đã mau chóng trở thành một “cặp đôi hoàn hảo” nhất trong số những người tham gia biểu tình phản đối ở London.

Bob là người yêu nghiêm túc đầu tiên của Charlotte, và cô đã dành cho anh ta tình cảm rất sâu đậm. Charlotte kể, Bob thường xuyên ở với cô, nhưng thỉnh thoảng “biến mất” một hai hôm, nói là đi thăm bố bị bệnh “lú lẫn” ở Cumbria, thuộc vùng Tây Bắc Anh, và thi thoảng lại có việc làm vườn nữa.

Tuy nhiên, giống như cặp Helen Steel với John Dines mà bài báo trên số 1563 đã kể ra, cuộc tình của Charlotte với Bob Lambert cũng không bền lâu. Vì đối với Bob, Charlotte là một cuộc sống thứ hai trong cuộc đời hai mặt của anh ta. Sự thật thì bố Lambert không hề bị bệnh lú lẫn và cũng chẳng sống ở Cumbria. Những khi anh ta rời khỏi Charlotte chính là lúc quay về nhà với vợ chính thức và các con ở Herefordshire.

Lịch trong tuần của Lambert được phân chia như sau: 5 ngày ở với Charlotte, 2 ngày còn lại ở với vợ con. Cái khó nhất đối với Lambert - và cả những bạn đồng nghiệp của anh ta - là làm sao khi xuất hiện phải hoàn toàn bí mật, như từ… trên trời rơi xuống, không bạn bè thân thích để tránh bị lộ tẩy. Những người bạn của Charlotte mô tả Lambert có hành tung “xuất quỷ nhập thần”, có hôm chẳng biết anh ta đi đâu, nhưng rồi lại thấy anh ta ở khắp mọi nơi.

Người ta thấy Lambert lăn xả vào các hoạt động hội hè đình đám, biểu tình phản đối vũ khí hạt nhân. Dần dà anh ta quan tâm chú ý đến một nhóm nhỏ có tên gọi là Hòa bình xanh London (London Greenpeace - khác hoàn toàn với tổ chức Hòa bình xanh quốc tế).

Mục tiêu chính trong nhiệm vụ của Bob khi gạ gẫm Charlotte chính là tìm cách len lỏi vào tận trung tâm đầu não của phong trào hoạt động vì quyền động vật mang tên Mặt trận Giải phóng Động vật (Animal Liberation Front - ALF), mà bước đầu tiên để đến đó là phải thâm nhập cho được nhóm London Greenpeace.

Lambert bắt đầu lân la kết bạn với những nhà điều hành chiến dịch mà anh ta nghi là người của ALF. Một trong những người đó là Geoff Sheppard. Cũng như với Charlotte, Lambert làm cho Sheppard có cảm giác hai người có mối quan hệ rất đặc biệt với nhau: kề vai sát cánh bên nhau trong cuộc đấu tranh chung của tổ chức. Sheppard hoàn toàn tin tưởng vào Lambert, xem anh ta như một người bạn tốt.

Theo lời khai của Sheppard khi ông này hầu tòa, Lambert chính là tác giả của những tờ truyền đơn ALF chống phá chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh McDonalds của Mỹ trên đất Anh. Chính những tờ truyền đơn ALF do Lambert soạn thảo đã dẫn đến hậu quả là Sheppard và một lãnh đạo nữa của ALF là Andrew Clarke bị McDonald kiện ra tòa vì tội “phỉ báng, bôi nhọ thanh danh” theo luật pháp Anh.

Sheppard khai tiếp: trong vụ đốt phá ba chi nhánh của chuỗi cửa hàng bán đồ lông thú Debenhams vào năm 1887, cũng chính Lambert là người đã đặt thiết bị gây cháy tại cửa hàng Debenhams ở Harrow. Tuy nhiên, Lambert đã chối bỏ tất cả.

2 năm trước khi xảy ra vụ việc đốt cửa hàng Debenhams, năm 1985, Charlotte đã sinh cho Bob một đứa con trai kháu khỉnh. Anh ta tỏ ra rất chu đáo chăm sóc “vợ” trong suốt thời gian Charlotte vượt cạn tại bệnh viện. Charlotte rất hạnh phúc, tin rằng Bob là một ông bố tuyệt vời, nhưng không ngờ rằng anh ta đã có vợ và hai con. Và Lambert cũng không phải là sĩ quan cảnh sát “chìm” duy nhất có con với những “người tình bí mật” khi thi hành nhiệm vụ. Thay vì bị khiển trách, các sĩ quan mật của SDS lại được cất nhắc lên chức vụ cao hơn trong đơn vị.

Nhưng việc có con với đối tượng theo dõi đã làm phát sinh nhiều vấn đề phức tạp. Vì Lambert và Charlotte không đăng ký kết hôn, nên họ được yêu cầu cùng nhau ký vào giấy khai sinh cho con. Nhưng Lambert cứ lần lữa khất hẹn không chịu đi cùng Charlotte đến Văn phòng đăng ký hộ tịch, thế là Charlotte đành phải một mình đứng tên giấy khai sinh cho con.

Thoạt nhìn việc Lambert từ chối ký vào giấy khai sinh có vẻ kỳ quặc, nhưng lại phù hợp với thực tế ở Anh lúc đó, vì những nhà hoạt động cấp tiến thường không muốn giao dịch với nhà nước!

Thời gian đầu, Bob ra chiều yêu thương đứa con, chăm sóc và dắt con ra ngoài chơi như nhiều ông bố khác. Charlotte cũng mong có con để ràng buộc Bob, nhưng cô cũng không ngờ trong lòng Lambert còn có những mục tiêu khác. Vào năm 1987, lúc cao điểm Lambert xâm nhập vào ALF, Lambert bắt đầu xa lánh dần hai mẹ con Charlotte.

Một trong những vấn đề căng thẳng giữa họ là chuyện tiền nong. Ban đầu, khi hai người mới chung sống với nhau, Charlotte vui vẻ nhận trách nhiệm lo vấn đề tiền bạc để Lambert yên tâm dành thời gian cho hoạt động chính trị. Nhưng dần dần, tiền nong trở thành vấn đề gây rạn nứt giữa họ, vì Charlotte vừa chăm con, lại vừa lo làm việc kiếm tiền như một bà mẹ đơn thân.

Một vấn đề nữa phát sinh giữa họ là 18 tháng sau khi có con, Lambert phàn nàn Charlotte sao lãng chuyện gối chăn. Charlotte tin rằng, Bob cố tình khiêu khích chỉ nhằm hành hạ cô mà thôi.

Thật ra thì Charlotte cũng chỉ là một trong 4 cô nhân tình của Lambert trong lúc anh ta thực thi nhiệm vụ bí mật. Người kế tiếp Charlotte còn tệ hơn, gần như là tình một đêm. Còn người thứ ba kéo dài được vài tháng. Người tình thứ tư của Lambert có vẻ đáng chú ý hơn, bởi vì người này không thuộc mô tuýp nhà hoạt động công khai như những người kia, mà là một phụ nữ có thể giúp Lambert củng cố sự tin cậy ở những người xung quanh. Đó là một cô gái tên Karen.

Họ gặp nhau trong một cuộc tiệc tùng ở Bắc London vào tháng 5/1987, khoảng thời gian mối quan hệ giữa Lambert và Charlotte rạn nứt. Karen khi đó mới 24 tuổi, đến London để tìm việc, và chính Lambert đã gợi cho cô niềm hứng khởi. Karen có cảm nghĩ mình đã tìm được đúng người trong mộng.

Karen kể: “Anh ấy rất duyên dáng, và tôi nghĩ tôi có thể đưa anh ấy về ra mắt cha mẹ mình”. Karen biết Lambert có một đứa con trai nhỏ trong mối quan hệ trước đó, và thỉnh thoảng anh ta có mang đứa bé theo khi đến gặp cô. Nhưng nhìn chung, Karen thừa nhận anh ta vẫn toát lên tinh thần tự do của một người cấp tiến nổi loạn.

Có một khoảng thời gian từ năm 1987 đến đầu năm 1988, Lambert chia sẻ lịch thời gian: ở cùng Charlotte vài ngày, rồi một ngày ở với vợ chính thức, và thời gian còn lại dành cho Karen. Lambert có một lý do để tiếp tục duy trì mối quan hệ với cả Charlotte lẫn Karen, vì anh ta được SDS ưu đãi đặc biệt, được phép bỏ tất cả và biến mất một khi nhiệm vụ đã hoàn thành.

Và Lambert bắt đầu thực hiện điều đó khi Sheppard và Clarke bị bắt trong vụ đốt cửa hàng Debenhams. Lambert bảo Karen, Charlotte và những người bạn khác rằng anh ta có thể sẽ là người bị bắt tiếp theo. Vì thế, trong những tháng cuối năm 1988, Lambert bàn bạc với Karen tìm phương kế đối phó. Đây là cái cớ tốt nhất để Lambert “biến mất” trong vài năm.

Niềm tin bị ngược đãi

Quả đúng như thế. Đầu năm 1989, Karen nhận được một lá thư dài từ Lambert đóng dấu bưu điện Valencia, Tây Ban Nha, nói rằng anh ta sẽ không quay trở lại, nhưng gợi ý khả năng Karen có thể đến Tây Ban Nha ở cùng anh ta. Đó là sự dối trá tàn bạo nhất, nó tạo niềm hy vọng giả cho Karen, nhưng ngược lại nó làm cho sự “biến mất” của Lambert trở nên “thật” hơn.

Trong khi đó, Charlotte cũng nhận được một lá thư của Lambert từ gửi Tây Ban Nha, trong đó anh ta khẳng định sẽ không từ bỏ đứa con trai của mình. Và đó cũng là lần cuối cùng Charlotte và Karen nghe được thông tin về Lambert.

Thật ra, Lambert không hề đi đâu xa, mà anh ta vẫn ở gần bên cạnh Charlotte và Karen, chỉ cách nơi họ ở có gần chục kilômét. Anh ta đang ngồi làm việc trong văn phòng ở Scotland Yard (Sở Cảnh sát Đô thị London). Đến năm 2007, Lambert chính thức rời khỏi ngành cảnh sát. Điều khiến nhiều đồng nghiệp sửng sốt thán phục Lambert chính là sau đó anh ta chuyển sang làm một học giả, giảng dạy tại Đại học St Andrews và Đại học Exeter, và trở thành một diễn giả thường xuyên trên các diễn đàn, thậm chí xuất hiện cả trên truyền hình.

Cuối cùng thì cũng có người phát hiện ra Bob Robinson, tức Lambert. Năm 2011, một nhà hoạt động kỳ cựu của London Greenpeace đã nhận ra Bob Robinson (Lambert) trên truyền thông, khẳng định rằng anh ta không hề trốn sang Tây Ban Nha mà ở ngay tại London, sống bằng nghề mới: diễn thuyết khắp các diễn đàn ở Anh. Tiếp theo là một loạt phát hiện về quá khứ của Lambert, nhất là vai trò của ông trong vụ đốt cửa hàng Debenhams.

Ngày 14/6/2013, Charlotte tình cờ phát hiện ra Lambert khi đọc tờ Daily Mail vào buổi chiều sau khi đi làm về. Ngay hôm sau, cô lập tức gọi điện thoại đến các trường đại học St Andrews và Exeter để tìm Lambert. Lambert nghe máy và lần đầu tiên sau 24 năm, Charlotte được nghe lại giọng nói của anh ta. Vẫn giọng nói đầy cảm xúc, nhưng Lambert không thể giải đáp được những câu hỏi của Charlotte về những gì ông đã làm với bà trước đó 24 năm.

Cảnh sát chìm làm sao 'bắt cá nhiều tay'? ảnh 1

Mark Kennedy.

Cảnh sát chìm làm sao 'bắt cá nhiều tay'? ảnh 2

Mark Jenner.

Cảnh sát chìm làm sao 'bắt cá nhiều tay'? ảnh 3

Jim Boyling.

Hầu như cùng một lúc, các cô gái bị các sĩ quan cảnh sát chìm của Sở cảnh sát Đô thị London gạt tình đã đâm đơn kiện đòi bồi thường tổn thất về nhiều mặt mà họ phải gánh chịu do đã rơi vào “bẫy tình” của các anh chàng cảnh sát đẹp trai, có duyên và miệng lưỡi khôn khéo. Tháng 11/2015, Sở Cảnh sát Đô thị London chính thức có lời xin lỗi đối với 8 người phụ nữ đã bị các sĩ quan cảnh sát mật gạ tình.

Tuy nhiên, Helen Steel, rồi Charlotte, Karen, Lisa Jones, Kate Wilson, Laura và thêm hai cô nhân tình khác của Lambert đều cho rằng, lời xin lỗi của MET đưa ra sau hàng chục năm các bà đã chịu nhiều tổn thất, nhất là Charlotte và một cô người tình nữa của Lambert tên là Jacqui, và Laura (người tình của Jim Boyling) đã một mình nuôi con khôn lớn.

Những tổn thất đó không có gì bù đắp nổi. Tất cả đều có chung cảm giác đau đớn, tổn thương và bị sang chấn tinh thần nặng nề sau khi phát hiện ra chân tướng của người tình. Cả 8 cô nhân tình đều yêu cầu MET phải bồi thường thỏa đáng cho những gì họ đã phải gánh chịu.

Theo Theo An Ninh Thế Giới
MỚI - NÓNG