Cánh cửa Olympic khép lại với điền kinh Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
Tổ tiếp sức hỗn hợp 4x400m không tham dự giải đấu tại Ba Lan
Tổ tiếp sức hỗn hợp 4x400m không tham dự giải đấu tại Ba Lan
TP - Đội tuyển điền kinh Việt Nam chỉ có duy nhất một VĐV tham dự Olympic Tokyo 2020, theo suất đặc cách dành cho quốc gia không có VĐV đạt chuẩn chính thức.

Theo kế hoạch, chuyên gia người Bulgaria Simeonov cùng đội tuyển tiếp sức hỗn hợp 4 x 400m với Quách Công Lịch, Quách Thị Lan, Trần Đình Sơn, Trần Nhật Hoàng, Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Hằng sẽ đi Ba Lan tham dự giải vô địch tiếp sức hỗn hợp thế giới 2021 diễn ra vào ngày 1-2/5. Đây là niềm hy vọng lớn nhất và cũng là duy nhất của điền kinh Việt Nam trong mục tiêu giành suất chính thức dự Olympic Tokyo 2020 bởi chúng ta đang xếp hạng 17 thế giới, trong khi Liên đoàn Điền kinh Thế giới (IAAF) sẽ lựa chọn 16 đội mạnh nhất tranh tài.

Trao đổi với Tiền Phong hôm qua, Tổng Thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hạn chót đăng ký dự giải vô địch tiếp sức hỗn hợp thế giới 2021 là vào ngày 12/4 vừa qua và Việt Nam sẽ không cử đội tuyển sang Ba Lan thi đấu. “Chúng tôi đã cân nhắc và xem xét rất kỹ mới đưa ra quyết định trên. Do tình hình dịch Covid-19 tại địa điểm tranh tài chưa ổn định, việc di chuyển sang Ba Lan khó khăn, cũng như không thể ấn định thời điểm trở lại Việt Nam, chuyên gia của đội tuyển bỏ ngỏ khả năng các VĐV có thể đạt mục tiêu lọt vào nhóm 16 đội có thứ hạng cao nhất”.

Do ảnh hưởng của COVID-19, điền kinh Việt Nam đã không thi đấu giải quốc tế nào trong khoảng thời gian dài. Trước đó, vào tháng 3/2021, tổ đi bộ thuộc đội tuyển điền kinh Việt Nam cũng mất cơ hội tranh suất Olympic Tokyo 2020 do giải đi bộ vô địch châu Á tổ chức tại Nhật Bản (thành tích tính chuẩn Olympic) bị hủy vì dịch COVID-19.

Như vậy, cánh cửa Olympic Tokyo đã khép lại với điền kinh Việt Nam bởi chúng ta không còn bất kỳ giải đấu nào để tích điểm, từ giờ cho đến thời điểm diễn ra giải. “Đây là tình hình chung của nhiều bộ môn, không chỉ riêng điền kinh. Chúng ta không đủ cơ sở và điều kiện để dự các giải quốc tế. Liên đoàn cũng đã liên hệ với một số quốc gia có giải đấu tính chuẩn, nhưng do dịch COVID-19, họ chỉ tổ chức thi đấu nội bộ, không mở cửa, không mời các quốc gia khác tham dự”, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Điền kinh là bộ môn chủ lực của thể thao Việt Nam khi tham gia tranh tài ở các giải đấu khu vực và quốc tế. Không chỉ đặt mục tiêu bảo toàn vị trí dẫn đầu Đông Nam Á, chúng ta luôn hướng đến tham vọng cao hơn, là giành thành tích ở các đấu trường lớn như ASIAD hay Olympic. Vì thế, việc không giành được suất chính thức dự Olympic Tokyo 2020 là một thực tế đáng buồn. Ở kỳ Thế vận hội cách đây 4 năm trên đất Brazil, điền kinh Việt Nam từng có hai VĐV có vé đến Rio là Nguyễn Thị Huyền (nội dung 400m và 400m rào nữ) và Nguyễn Thành Ngưng (đi bộ 20km nam).

Không có được suất chính thức dự Olympicj Tokyo 2020, điền kinh Việt Nam chỉ còn trông chờ vào suất đặc cách. “Hiện tại, điền kinh Việt Nam chỉ còn chờ vào suất đặc cách dành cho quốc gia có đoàn tham dự Olympic, nhưng không có VĐV đạt chuẩn chính thức, có thể là VĐV nam hoặc nữ. Ban huấn luyện sẽ họp bàn, dựa trên thành tích và phong độ của các VĐV ở giải đấu để lựa chọn ra VĐV tốt nhất dự giải”, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Olympic là đấu trường khắc nghiệt và để giành vé tham dự ở thời điểm này, trong bối cảnh dịch COVID-19 làm đảo lộn mọi vấn đề, là rất khó khăn. Vì thế, điền kinh Việt Nam sẽ tập trung vào nhiệm vụ SEA Games 31 trên sân nhà vào cuối năm.

Trong khi đó, không tham dự giải đấu tại Ba Lan, các VĐV của đội tiếp sức hỗn hợp 4x400m sẽ được cơ hội dự Cúp tốc độ 2021 tổ chức cuối tháng 4 trên SVĐ Thống Nhất (TPHCM). Một số địa phương đã xin người từ đội tuyển về khoác áo đơn vị mình đấu giải này và do giải không có nội dung tiếp sức hỗn hợp 4x400m nên các tuyển thủ chỉ thi đấu các nội dung đơn của 400m và 400m rào.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.