Cảnh báo tai nạn tại công trình xây dựng cao tầng

Công nhân làm việc trên công trình cao tầng phải được trang bị bảo hộ, dây an toàn.
Công nhân làm việc trên công trình cao tầng phải được trang bị bảo hộ, dây an toàn.
TP - Thời gian gần đây, nhiều vụ tai nạn lao động đã xảy ra tại nhiều công trình xây dựng cao tầng trên địa bàn Thủ đô, gây chết người. Hầu hết các vụ tai nạn đều liên quan đến công nhân làm việc tại khu vực giàn giáo, cốp pha, cảnh báo về vấn đề an toàn lao động tại các công trường.

Nhiều vụ tai nạn chết người

Theo ghi nhận, tại các quận như Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy… tập trung khá nhiều công trình xây dựng cao tầng nằm trong khu vực dân cư, cạnh đường giao thông. Hầu hết các công trình được thiết kế làm văn phòng, dịch vụ, nhà ở và đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện sử dụng hệ thống giàn giáo chằng chịt bao kín tòa nhà và có lưới bảo vệ phía ngoài.

Tại một số công trình xây dựng, các công nhân làm việc trên giàn giáo không mang dây an toàn, phần mặt sàn giàn giáo làm bằng ván gỗ, nhiều công trình còn để vật liệu vương vãi ra ngoài phạm vi thi công. Đặc biệt, thời gian vừa qua một số công trình để xảy ra tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng dẫn đến chết nhiều người.

Điển hình, ngày 25/11, tại công trình xây dựng nằm trên đường Lê Đức Thọ (quận Nam Từ Liêm), một nam công nhân bất ngờ rơi từ khu vực giàn giáo xuống phía dưới tử vong. Trước đó, ngày 13/10, tại công trình cao tầng số 1 phố Giáp Nhị (quận Hoàng Mai) xảy ra vụ tai nạn lao động trong lúc đổ bê tông sàn nhà khiến 2 người thiệt mạng, 4 người khác bị thương.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Văn Vịnh, Đội trưởng Thanh tra xây dựng quận Hoàng Mai cho biết, các công trình này thường xuyên được kiểm tra xử lý nếu vi phạm. Ông Vịnh cho biết thêm, do vào thời điểm cuối năm nên có ít công trình thi công, hầu hết các đơn vị đang làm thủ tục hồ sơ xin cấp phép. “Với công trình xảy ra tai nạn làm 2 người chết trên phố Giáp Nhị vừa qua, cơ quan điều tra đã có kết luận nên đã được phép tiếp tục thi công trở lại khoảng 10 ngày nay” - ông Vịnh nói.

Cảnh báo tai nạn tại công trình xây dựng cao tầng ảnh 1

Nguyên nhân do đâu?

Ông Bạch Quốc Việt, Trưởng phòng An toàn lao động (Sở LĐ TB&XH Hà Nội) cho biết, hiện tại trên địa bàn thành phố Hà Nội có hàng trăm công trình cao tầng, kết cấu phức tạp đang thi công xây dựng, trong đó việc đảm bảo an toàn trong xây dựng sử dụng giàn giáo, cốp pha thi công là hết sức quan trọng.

Theo ông Việt, trước khi lắp đặt giàn giáo, đơn vị thi công phải khảo sát vị trí cần lắp đặt, lên phương án lắp đặt và phải thử tải nghiệm thu theo phương án được phê duyệt. Qua kiểm tra, các doanh nghiệp đã thực hiện đầy đủ các quy định về lắp đặt, nghiệm thu, nếu hệ giáo nào không đảm bảo an toàn thì đoàn kiểm tra phải có kiến nghị gia cố thêm.

“Trên thực tế, các công trình sử dụng hệ thống giáo lắp phía ngoài và sử dụng ống sắt theo tiêu chuẩn. Hệ thống giàn giáo đảm bảo an toàn trước tiên phải khảo sát nền móng. Trường hợp giàn giáo bị nghiêng do nền đất không đồng đều, phía dưới chân giàn giáo phải bằng phẳng tránh trường hợp bị lún và trung bình cứ 3 tầng nhà phải khóa giáo để tránh bị đổ. Ngoài ra, phần mặt sàn giàn giáo sử dụng tấm sắt theo tiêu chuẩn, tuy nhiên một số công trình sử dụng gỗ ván thậm chí là gỗ ép, đây là điều tối kị do gỗ ép để ngoài trời dễ bị ẩm, mục. Công nhân làm việc trên giàn giáo phải trang bị bảo hộ, dây an toàn…” - ông Việt nói.

Cũng theo ông Việt, thời gian gần đây nhiều vụ tai nạn lao động xảy ra tại các công trình xây dựng cao tầng liên quan đến hệ thống cốp pha đổ bê tông. Hệ thống cốp pha được quy định rất rõ phải lắp đặt theo đúng phương án phê duyệt và được tính toán để chịu được tải.

“Trong quá trình thi công đổ bê tông tại công trình cao tầng thường dùng cần phân phối bê tông bơm từ phía dưới lên. Khi cán bộ chỉ đạo thi công đổ bê tông, việc phân phối phải được trải đều trên mặt sàn. Nếu bê tông đổ không đồng đều, chỉ dồn vào một góc dẫn đến lệch tải và bị sập dẫn đến tai nạn” - ông Việt cho hay. 

Theo báo cáo chưa đầy đủ của 63 Sở LĐ-TB&XH năm 2015 trong khu vực có quan hệ lao động trên toàn quốc đã xảy ra 629 vụ tai nạn lao động chết người, nhưng đến ngày 15/2/2016, Bộ LĐ-TB&XH nhận được 238 biên bản điều tra (261 người chết).

MỚI - NÓNG