Cảnh báo nạn tiền giả

Phân biệt mệnh giá USD khác nhau bằng hình ảnh in trên tiền.
Phân biệt mệnh giá USD khác nhau bằng hình ảnh in trên tiền.
TP - Biến tiền USD mệnh giá 1 USD thành 100 USD rồi mang tới ngân hàng để bán, hay liều lĩnh “buôn” tiền Việt Nam giả xuyên biên giới với giá 1 vốn bốn chục lời... Những vụ việc tiền giả phát hiện thời gian gần đây cho thấy có không ít trò ảo thuật quanh tiền giả.

Lừa cả ngân hàng

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), số lượng tiền giả ngày một tăng. Mỗi năm ngân hàng thu vào hàng chục tỷ tiền đồng giả, chủ yếu là các loại có mệnh giá cao. Tuy nhiên, thực tế, số lượng tiền giả đang lưu hành trên thị trường đang lớn hơn rất nhiều.

Đơn cử các vụ việc diễn ra gần đây: Vào ngày 22/2/2017, Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Công an thành phố Lạng Sơn kiểm tra và phát hiện trong túi áo khoác của một đối tượng nghi vấn có một túi nylon màu đen đựng nhiều tờ tiền mệnh giá 200 nghìn đồng. 

Tổng số tiền thu được 200 triệu 800 nghìn đồng, trong đó nhiều tờ có số sêri trùng nhau. Qua giám định, xác định số tiền trên là giả và được mua tại Trung Quốc với giá 2.000 nhân dân tệ (khoảng 7 triệu VND) để đem về Việt Nam tiêu thụ.

Còn tại TPHCM cách đây ít ngày, thông tin từ công an cho biết: Có một người đàn ông đến ngân hàng Vietcombank ở đường Công Trường Mê Linh, P.Bến Nghé, Q.1 để đổi 1.000 USD có mệnh giá 100 USD/tờ sang tiền Việt. 

Tổng cộng số ngoại tệ ông này mang theo là 100 ngàn USD. Khi kiểm tra, nhân viên ngân hàng phát hiện phần lớn số ngoại tệ có dấu hiệu cạo sửa từ 1 USD thành 100 USD. Phối hợp cùng cơ quan chức năng, người đàn ông này đã bị bắt giữ và khai ra đối tượng cung cấp số tiền làm giả mệnh giá 100 USD trên.

Trao đổi với Tiền Phong, một Phó TGĐ Vietcombank cho hay, sự việc xảy ra vao ngày 27/2/2017 khi có một người đàn ông mang 1 tờ mệnh giá 100 USD đến phòng giao dịch và hỏi xem có đổi được không. Tuy nhiên, chỉ cần bằng mắt thường, các nhân viên nhận ra ngay hình Tổng thống Mỹ trên tờ 100 USD thực chất chỉ là hình của Tổng thống Mỹ trên tờ 1 USD (hiện tượng “phù phép” tờ mệnh giá 1 USD thành tờ mệnh giá 100 USD có dấu hiệu ở chỗ những tờ tiền 1 USD được tẩy sửa số 1 thành 100 và chữ One Dollar thành One Hundred Dollars để lưu hành trên thị trường). “Vậy mà người làm giả tờ tiền lại không nhận ra điều đơn giản đó. Ngay khi phát hiện, anh em ngân hàng liền trao đổi với cơ quan công an và nhận được chỉ đạo cứ đồng ý để họ mang đến tiếp. Sau khi đối tượng mang đến 1.000 tờ bên bộ phận công an mới tiến hành bắt giữ”, vị lãnh đạo kể lại.

Cảnh báo

Vào cuối năm 2016,  xuất hiện tình trạng rao bán tiền giả trên mạng với mệnh giá  500.000 đồng có tỉ lệ đổi 1 “ăn” 5; 200.000 đồng tỉ lệ đổi 1 “ăn” 6... Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an (C50) khi đó đã lên tiếng. Tuy nhiên ngoài các giao dịch là thật, còn lại hầu hết lừa đảo. “Sau khi nhận tiền của người mua, các đối tượng lừa đảo “lặn” mất. Nếu hành vi bị phát hiện, cả người bán lẫn người mua đều bị xử lý nghiêm”, đại diện Cục này cho biết.

Cũng năm 2016 tiền giả và nạn lưu hành tiền giả được nhận định đã ảnh hưởng không tốt đến nền kinh tế, đời sống của nhân dân, gây khó khăn trong hoạt động giao dịch tiền mặt của ngành ngân hàng. Thống kê của NHNN, lượng tiền giả bị thu giữ trong năm 2015 qua hệ thống ngân hàng, Kho bạc Nhà nước tăng 0,17% so với năm 2014 và 22,9% so với năm 2013. Còn chỉ tính riêng Ngân hàng Agribank, trong năm 2016, nhà băng này đã thu giữ 16.019 tờ tiền giả với tổng số tiền là 3.064 triệu đồng nộp về NHNN theo đúng quy định.

Từ vụ “hô biến” đồng 1 USD thành 100 USD tại TPHCM vừa qua, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu khuyến cáo: Khi mua bán USD trên thị trường tự do phải rất cẩn thận vì đồng đô la giả hiện nay làm rất tinh vi, mắt thường khó nhận biết. Chắc ăn nhất nên vào ngân hàng mua USD, không nên mua ở thị trường “chợ đen”.

Theo vị lãnh đạo Vietcombank, vụ việc hiện đã chuyển bên công an điều tra và phía ngân hàng đang chờ kết quả. Được biết, cũng như nhiều ngân hàng khác, trong quá trình giao dịch, Vietcombank đã phát hiện và thu giữ không ít tờ VND tiền giả.  

Điều 180 Bộ luật Hình sự quy định người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả có giá trị dưới 3 triệu đồng thì bị phạt tù 3-7 năm. Nếu giá trị tiền giả tương ứng 3-50 triệu đồng, người phạm tội bị phạt tù 5-12 năm, còn nếu từ 50 triệu đồng trở lên thì có thể chịu 10-20 năm tù hoặc chung thân. Cũng theo quy định của Bộ luật, nếu giao dịch tiền giả diễn ra thành công, cả người mua và người bán đều phạm tội lưu hành tiền giả, bất kể lượng tiền giả nhiều hay ít.

MỚI - NÓNG