Hàng loạt các dự án chung cư cao cấp mở bán, nhiều dự án đã xây xong phần thô hoặc chuẩn bị đưa vào sử dụng đều chung tình cảnh ế ẩm. Từ quận trung tâm cho đến các quận mới, chủ đầu tư và dân môi giới 'đánh vật' với chuyện bán hàng. Căn hộ cao cấp rơi vào tình trạng ế ẩm nhất trong vòng 2 năm qua.
Tại dự án Hà Nội Landmark 51 trên đường Vạn Phúc, quận Hà Đông, (Hà Nội) hứa hẹn là một biểu tượng mới khu vực Hà Đông thế nhưng theo môi giới của sàn giao dịch bất động sản Hoàng Vương (đơn vị phân phối chính thức dự án) tiết lộ, sau hơn 2 năm bán hàng, với mức giá 23 triệu đồng/m2, dự án mới chỉ bán được 1/3 tổng số căn hộ.
Như vậy, có hàng nghìn căn hộ tại dự án chuẩn bị bàn giao nhưng 'ngủ đông'. Nguyên nhân chính được giới môi giới đánh giá bởi dự án nằm ở vị trí xa trung tâm, hạ tầng khu vực Hà Đông chưa phát triển và gặp phải những nút giao tắc nghẽn vào thành phố như: trục Nguyễn Trãi- Hà Đông; Tố Hữu- Lê Văn Lương.
Hay như dự án The Legend nằm trên đường Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân (Hà Nội) nhưng xung quanh có đến hàng chục dự án với vài nghìn căn hộ của các chủ đầu tư khác. Dù bán giá 32 triệu đồng/m2 được cho là thấp hơn các dự án xung quanh nhưng cũng ít khách hàng quan tâm.
Còn tại dự án Bidhomes The Garden Hill (99 Trần Bình, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng rơi vào tình trạng ế ẩm sau khi chủ đầu tư dính hàng loạt lùm xùm với khách hàng mua nhà góp vốn trước đó. Bên cạnh đó, người mua nhà ái ngại khi dự án nằm gần ngay bến xe Mỹ Đình và dưới toà nhà là khu chợ tạm nhếch nhác của khu vực dân sinh xung quanh.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới Bất động sản (BĐS) Việt Nam cho biết: theo số liệu thống kê của các sàn giao dịch thành viên thuộc Hội Môi giới BĐS Việt Nam, trong quý I/2017 ghi nhận giao dịch ở cả nhà ở, đất nền và BĐS nghỉ dưỡng giảm sút so với quý IV/2016 và cùng kỳ năm 2016, đạt 18.338 giao dịch.
Tại thị trường TP. HCM, căn hộ cao cấp thanh khoản chậm, căn hộ trung cấp chiếm tỷ trọng giao dịch lớn nhất trong khi đó tại thị trường Hà Nội, giao dịch chung cư duy trì ở mức độ ổn định, căn hộ trung bình chiếm tỷ trọng nhỉnh hơn căn hộ trung cấp. Số liệu báo cáo từ các sàn, giao dịch cho thấy, quý I/2017, thị trường BĐS Đà Nẵng đặc biệt sôi động ở phân khúc đất nền với hơn 1.000 giao dịch.
Cụ thể hơn, ông Đính cho biết, tại địa bàn Hà Nội, tổng giao dịch thị trường chung cư quý I/2017 đạt 3624 căn hộ tương đương 312.300m2. Các giao dịch thành công chủ yếu tại phân khúc căn hộ trung và cao cấp do nguồn cung chính trên thị trường vẫn tập trung tại phân khúc này.
“Giai đoạn này, thị trường không có thêm các dự án nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội mới. Đồng thời, số lượng dự án nhà ở liền kề, biệt thự được phát triển mới rất ít, lượng giao dịch thành công loại hình này không nhiều”, Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam nhận định.
Đáng chú ý, trong tháng 3, căn hộ trung cấp khu Tây Hà Nội rầm rộ bung hàng với Hanoi Paragon, La Casa Villa, Garden Hill Mỹ Đình, Anland Complex, Xuân Mai Complex, Golden Field Mỹ Đình, Pandora, Park Riverside… Tại khu Nam Hà Nội, dòng sản phẩm trung cấp tiếp tục khuấy động thị trường với Eco Green Tower, Eco-Lake View,Sunshine Palace, Gelexia Reverside, Smile Building, The Golden Star…
Tại TP. HCM, tổng giao dịch chung cư quý I/2017 đạt 9.808 căn hộ tương đương 742.700m2. Cũng như thị trường Hà Nội, lượng giao dịch thành công vẫn tập trung tại các dự án căn hộ trung và cao cấp. Ông Đính cho rằng, phân khúc trung cấp cũng là nguồn cung chủ đạo của thị trường BĐS TP. HCM trong tháng 3. Nguồn cung này tập trung chủ yếu ở khu Đông, Nam và Tây thành phố. Các dự án tiêu biểu có thể kể đến như The Art, Citisoho, LuxGarden, Celadon City, Green Town Bình Tân, Sun Square, Conic Skyway Residence, The Golden Star…
Theo lãnh đạo Hội Môi giới BĐS Việt Nam, tồn kho BĐS có dấu hiệu chậm lại, lượng tồn kho chủ yếu là đất nền tại các dự án xa trung tâm chưa có hạ tầng đầy đủ. “Hiện chưa có số liệu mới nhất nhưng tính đến hết tháng 2/2017, tổng giá trị tồn kho BĐS còn khoảng 29.573 tỷ đồng, giảm 1.450 tỷ đồng so với tháng 12/2016 - tương đương mức giảm 4,67%; còn so với tháng 1 thì giảm 575 tỷ đồng”, ông Đính cho biết.
Trước đó, tại cuộc họp với Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cuối năm 2016, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã đánh giá, hiện thị trường BĐS đang có sự lệch pha cao trong cung – cầu sản phẩm. Phân khúc căn hộ cao cấp, BĐS nghỉ dưỡng có sự tăng trưởng nhiều hơn so với nguồn cung sản phẩm nhà ở xã hội, nhà giá rẻ.
“Nếu chúng ta thực hiện hết các dự án BĐS đang triển khai thì có khả năng giữa năm 2017, thị trường sẽ dư thừa nguồn cung cao cấp. Trong khi đó, nguồn cầu nhà ở xã hội rất nhiều nhưng cung rất ít, hiện có nhu cầu tới 10 triệu m2 nhà ở xã hội nhưng mới đáp ứng được khoảng 3 triệu m2, mà đây mới là phân khúc phục vụ cho đại đa số nhu cầu người dân. Phần lớn tín dụng chỉ tập trung vào sản phẩm cao cấp hoặc chỉ tập trung vào một số nhà đầu tư dẫn tới khả năng lớn tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu như không kiểm soát tốt các dự án và tình hình tài chính, khả năng thanh khoản, cân đối sản phẩm” - Bộ trưởng cảnh báo.
Trong khi đó Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh cũng nhiều lần đưa ra cảnh báo về tình trạng lệch cung cầu trên thị trường bất động sản. Trong khi phân khúc nhà giá rẻ nhu cầu cao thì nguồn cung lại rất hạn chế, còn căn hộ cao cấp nguồn cung đang ồ ạt trong khi sức cầu có hạn. Chính vì thế, Hiệp hội lo ngại nếu nguồn cung căn hộ cao cấp tiếp tục tăng mạnh sẽ dẫn đến bất ổn trên thị trường bất động sản.