Cảnh báo du học từ trung học: Đem cây non ra trước bão?

Nhiều học sinh có kế hoạch du học sớm ngay khi trúng tuyển vào lớp Mười (Ảnh minh họa)
Nhiều học sinh có kế hoạch du học sớm ngay khi trúng tuyển vào lớp Mười (Ảnh minh họa)
Cho con du học từ bậc trung học phổ thông đang trở thành xu hướng nhưng đó cũng là “dao hai lưỡi”, bởi có khi cha mẹ nhận về là một đứa trẻ bị tổn thương tâm lý. Xu hướng tất yếu hay trào lưu đang nổi?

Trở về Việt Nam sau khi đưa đứa con 15 tuổi nhập học tại một trường THPT tư thục Úc, anh Hoàng Đăng (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) phấn khởi cho biết: “Ban đầu, gia đình chỉ nhắm cho con du học đại học. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu thông tin và tính toán chi phí, tôi quyết định cho con đi từ lớp Mười”. Theo tính toán của anh, chi phí du học hơn 400 triệu đồng/năm, không chênh lệch nhiều so với học trường quốc tế trong nước, lại được môi trường quốc tế hoàn toàn.  

Đưa con du học bậc phổ thông đang được rất nhiều cha mẹ ở các thành phố lớn lựa chọn. Mỗi năm, cứ sau một học kỳ, các trường chuyên tại TP.HCM lại hụt mất hàng trăm học sinh vì xin nghỉ đi du học. Các trường THPT Năng khiếu, THPT chuyên Lê Hồng Phong và THPT chuyên Trần Đại Nghĩa… là những trường có lượng học sinh xin nghỉ học giữa chừng để du học nhiều nhất.

Một giáo viên thâm niên tại trường chuyên lớn của TP.HCM cho biết: "Không phải chờ đến bậc THPT, hiện nay, nhiều gia đình có điều kiện đã tìm đường cho con du học từ bậc THCS. Em nào giỏi thì xin được học bổng, hoặc du học tự túc. Dù biết du học sớm không phải em nào cũng thành công nhưng cha mẹ vẫn chọn du học vì tương lai lâu dài và vì thiếu niềm tin vào giáo dục trong nước". 

Cuối năm 2018, tổ chức Open Doors của Viện Giáo dục quốc tế (IIE) - một sáng kiến của Bộ Ngoại giao và Bộ Giáo dục Mỹ - đưa ra con số du học sinh Việt Nam xếp thứ sáu trong danh sách những nước dẫn đầu về số lượng du học vào nước này. Đây là năm thứ 17 liên tiếp, du học sinh Việt Nam theo học tại Mỹ không ngừng tăng lên. Du học sinh Việt Nam đóng góp 881 triệu USD cho nền kinh tế Mỹ - một con số ngoại tệ cho việc du học quá lớn. 

Chị Hoàng Mai Lan (Q.3) đang “tăm tia” đường du học Singapore cho con, chia sẻ: “Trước đây, học bổng chính phủ các nước thường chỉ dành cho trình độ đại học trở lên. Nhà nào muốn cho con du học bậc phổ thông phải… thật giàu. Bây giờ, học bổng chính phủ các nước bắt đầu nhắm đến học sinh trung học với quyền lợi rất hấp dẫn. Du học sớm đơn giản hơn nên nó gần như là xu hướng. Bạn bè mình hầu như ai có điều kiện đều cho con học phổ thông ở Mỹ, Úc, Canada...”. 

Gia đình chị Lan nhắm đến học bổng Asean du học Singapore dành cho học sinh trung học tuổi từ 14-16. Học bổng này bắt đầu nhận hồ sơ ứng tuyển từ cuối tháng 2/2019. Đây là học bổng ngoại giao do Chính phủ Singapore tài trợ cho học sinh trung học (hết lớp Tám, Chín) và sinh viên đại học của Việt Nam và một số nước trong khu vực sang Singapore học tiếp bậc trung học và đại học. Đối với bậc trung học, học bổng có giá trị bốn năm, tài trợ hoàn toàn học phí và sinh hoạt phí, vé máy bay cho ứng viên được tuyển chọn. 

Thêm một nền giáo dục phát triển vừa “gật đầu” đồng ý cấp học bổng phổ thông cho học sinh Việt Nam là New Zealand. Cơ quan Giáo dục New Zealand công bố học bổng New Zealand Schools Scholarships (NZSS) - học bổng chính phủ đầu tiên của New Zealand dành cho bậc trung học và Việt Nam hiện là nước duy nhất nhận được học bổng này. Học bổng được hỗ trợ bởi 36 trường trung học tại nước này, với các mức học bổng 100%, 50% và 30% học phí năm học đầu tiên. 

Cùng với việc mở rộng học bổng từ bậc THPT, từ học bổng chính phủ đến học bổng cấp trường, chuyện du học sớm trở nên dễ dàng hơn bao giờ. 

Như cây non trước bão?

Cho con du học luôn là một quyết định khó khăn, đặc biệt với trẻ cấp II, III. Ở độ tuổi 12 - 16, giai đoạn phát triển nhân cách, tính cách cực kỳ nhạy cảm nên trẻ cần được sự quan tâm, hướng dẫn từ các bậc phụ huynh. Việc bước ra khỏi gia đình, du học và tự mình trưởng thành ở môi trường mới là một thách thức khó nhằn. Nguyện vọng muốn du học nhưng có thể học sinh chưa hình dung hết những vấn đề phát sinh trong quá trình học tập và sinh sống ở xứ người, vượt qua hay vướng lại còn tùy thuộc vào từng cá nhân. Cũng như “cây non ra trước bão”, nếu không đủ mạnh mẽ, các em sẽ thất bại. 

Không ít du học sinh đã sốc trước phương pháp giảng dạy khác biệt với giáo dục ở Việt Nam. Còn chưa kể đến những khác biệt trong văn hóa, lối sống, nhất là sự bất đồng về ngôn ngữ có thể trở thành rào cản. Du học ở độ tuổi THPT khi khả năng tự lập của các học sinh, nhất là con em có điều kiện được bảo bọc từ nhỏ, nếu thiếu sự chuẩn bị, kiểu “đi đi, tới đâu hay đó” là một sự mạo hiểm. Có khi nhận về là một đứa trẻ thay đổi vì bị sốc tâm lý, dẫn đến trầm cảm hoặc phải quay về nước. 

Đại diện Công ty du học Hồng Hà (Q.Gò Vấp) chia sẻ: Trước “cơn bão đó”, sẽ có hai khả năng xảy ra: một là với sức trẻ, các em sẽ vươn lên để hòa nhập, thích nghi và thành công. Hai là sẽ bị cô lập, co rúm và sợ hãi, có thể dẫn tới những hệ lụy đáng tiếc. Ở trường hợp thứ nhất, trẻ phải thực sự bản lĩnh. Vì thế, phụ huynh cần cân nhắc, xem xét thực lực của con, yêu cầu của môi trường mới để chuẩn bị định hướng tốt cho trẻ khi quyết định cho con đi du học sớm. 

“Tất nhiên, du học sớm cũng có mặt tích cực, giúp du học sinh có những trải nghiệm hoàn toàn khác biệt so với bậc đại học, có thời gian thích nghi và hòa nhập với môi trường sống mới. Sự hòa nhập và thích nghi ở đây bao gồm cả môi trường tự nhiên và xã hội. Khủng hoảng vể tâm lý là không thể tránh khỏi khi thay đổi môi trường sống. Nhưng như một số nghiên cứu cho thấy, ở độ tuổi càng trẻ thì sự tiếp thu và thích ứng sẽ dễ dàng hơn. Các em dễ dàng nâng cao khả năng ngôn ngữ và có những định hướng rõ ràng hơn trước khi chính thức bước vào đại học”, vị này cho biết. 

Thạc sĩ Nguyễn Hồ Thụy Anh, nhà giáo dục có nhiều hoạt động kết nối giáo dục quốc tế, giáo dục cộng đồng tại TP.HCM, chia sẻ: “Những trường hợp du học sớm, có thời gian dài sinh sống và học tập tại nước ngoài sẽ rất khó thích nghi khi trở về nước. Nhiều bạn du học từ sớm, đã phải mất khá nhiều thời gian để thích nghi với nhịp sống hiện đại của các nước phát triển và được thụ hưởng một nền giáo dục tiến bộ nên sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều lần khi hoàn thành khóa học, trở về nước tìm kiếm cơ hội việc làm. Thích nghi trở lại với một môi trường có độ chênh lớn về lối sống, cách làm việc cũng là một khó khăn cần phải cân nhắc”.

Những điều cần cân nhắc kỹ

Chị Nguyễn Khánh Hà (Q.10) kể: “Tôi cho con du học Mỹ từ lớp Mười và có lời khuyên với các phụ huynh là nên cho con du học từ đại học. Học sinh phổ thông qua đó phải có người giám hộ: trường học hoặc người thân. Tôi có em họ nên cho con ở nhà em. Vấn đề gặp phải cũng bắt đầu từ đây. 

Ở độ tuổi thiếu niên, tâm sinh lý chưa ổn định, du học sinh bậc THPT thường dễ bị áp lực, căng thẳng. Sống xa gia đình, nỗi nhớ nhà lại gặp khó khăn trong giao tiếp dễ khiến các bạn cảm thấy cô đơn. Dù là gia đình của dì thì cách giáo dục, sinh hoạt cũng khác biệt. Chưa kể phải mang hoài bão khẳng định bản thân vì cha mẹ đã đầu tư quá nhiều khiến các con sẽ dồn thời gian học để thích nghi. Nhưng gia đình các con ở sẽ không thấu hiểu và cảm thông. 

Có hôm, con điện về khóc nói nhớ mẹ, hôm trời đông thì ước gì có tô phở. Và đỉnh điểm là khi con bị nổi trái rạ, gia đình bên đó sợ lây cho con cái nên gần như cách ly cháu. Con điện về khóc hết nước mắt, mình muốn bay qua ngay với con nhưng không thể. Lúc đó như ngồi trên lửa. Chưa kể, nhiều bạn bè của con coi việc du học là thời gian tự do, thoát ly khỏi gia đình không ai quản lý nên đi chơi, cặp bè cặp bạn rồi bỏ học…”. 

Theo Theo Báo Phụ nữ
MỚI - NÓNG