Các bác sĩ tâm thần cho biết, triệu chứng của bệnh nhân nghiện internet giống với triệu chứng của người nghiện ma túy. Quá trình chữa trị tương đối phức tạp, hầu hết ca nghiện nặng đều phải dùng thuốc.
Mức độ nào thì cần chữa trị?
Cùng với sự phổ cập của internet, việc một người phải liên đới đến nó trung bình tám tiếng mỗi ngày trở thành đương nhiên. Như vậy, căn cứ vào đâu để xác định một người có nghiện internet hay không?
Đầu năm nay, tổ chức y tế thế giới WHO đã cho nghiện game online vào bảng phân loại bệnh tâm thần (ICD 11).
Theo các bác sĩ ở phòng Điều trị nghiện chất (Viện tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai), nghiện game hiện chỉ là một trong các loại nghiện internet nói chung, trong đó có nghiện facebook, nghiện truyện, phim online, nghiện phim sex…
Theo đó, căn cứ để bác sĩ xác định bệnh là: những người sử dụng máy tính để vào mạng nhiều đến mức cản trở cuộc sống bình thường, cô lập mình với cộng đồng, sự tập trung dành cho internet mạnh hơn tất cả các sự kiện khác trong cuộc sống và ngày càng tăng thời gian dùng internet, lâu dài xuất hiện triệu chứng giống như trầm cảm hoặc nghiện ma túy.
Về mặt cơ học, một người sống trong thế giới ảo của internet liên tục 4h trở lên mỗi ngày (ngoài công việc) và kéo dài hơn một tháng được đánh giá là nghiện. Theo thời gian và mức độ phụ thuộc vào internet, bệnh nhân sẽ được chỉ định điều trị tâm lý hoặc dùng thuốc.
Cụm từ “sự vận hành não giống như dùng ma túy” được giải thích như sau: Khi chơi game, chơi facebook… người ta nhận thấy não người chơi có sự tăng giải phóng dopamine, tăng sản xuất các morphin nội sinh. Các chất này tạo lên sự khoan khoái cho người chơi, dần dần họ trở thành nghiện. Ngoài ra, các triệu chứng của nghiện internet cũng tương tự những triệu chứng của nghiện ma túy: thèm chơi game, mạng xã hội; dùng internet liên tục không nghỉ và không kiểm soát được; bỏ bê công việc, cảm xúc không ổn định, nếu bị buộc cai thì sinh phản ứng tiêu cực, vật vã…
Đa số người nghiện internet là thanh thiếu niên
Danh sách những bệnh nhân từng điều trị cai internet tại Viện tâm thần- BV Bạch Mai đa số là thanh thiếu niên từ 12-30 tuổi. ThS. Bs Đinh Hữu Uân, người nổi tiếng về điều trị cai nghiện internet ở Hà Nội cho biết, bệnh nhân đến cai nghiện internet ở chỗ ông đa số ở lứa tuổi teen và nam nhiều hơn nữ.
Một cựu bệnh nhân của bác sĩ Uân đã cai nghiện thành công cho biết, anh từng có thời gian 10 năm nghiện internet bao gồm chơi game và xem phim online. Có thời gian anh ngồi 18h một ngày trước máy tính, chỉ dùng 6h để ăn uống và ngủ. Thời gian kéo dài, anh sụt cân, mất việc, mất ngủ trầm trọng. Mất gần ba năm anh mới dứt được chứng nghiện internet.
Một ca khác hy hữu hơn, bệnh nhân Đ.H.A (22 tuổi, Hà Nội) đến bệnh viện Bạch Mai khám chứng liệt tay trái thì được giới thiệu sang Viện tâm thần. Trong khi gặp bác sĩ tư vấn, người này cho biết, do quá mê phim bộ online, chị nằm xem liên tục hơn một ngày đêm, kết quả toàn bộ phần tay và bả vai bên trái bị tê liệt. Đ.H.A sau đó cũng phải áp dụng những biện pháp cai nghiện internet.
BS Đinh Hữu Uân cũng cho biết, trong số bệnh nhân của ông, nhiều người tuổi sinh học là 21 nhưng mức độ phát triển thực chỉ tương đương với trẻ 12 tuổi vì ngồi suốt ngày trước máy tính, cơ thể không phát triển được. Chưa kể tâm sinh lý, ngôn ngữ… của những người này cũng không lớn lên vì ít tiếp xúc cuộc sống thực, hầu như không có thời gian để học hành, vui chơi.
Về mức độ gia tăng của chứng bệnh này, cộng sự của bác sĩ Uân giải thích: trước đây chúng tôi chỉ có một phòng khám, thì nay phình ra hai phòng khám, đủ biết bệnh nhân tăng hay giảm.
Khoa Tâm thần của Viện Quân y 103 cũng đã thống kê, các rối loạn tâm thần liên quan đến internet ngày càng nhiều, chiếm khoảng 10% số thanh thiếu niên từ 15 đến 30 tuổi.
Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Mai Hoa cho biết: Bệnh nhân nhờ tôi tư vấn cai internet đa phần là phụ nữ khoảng 20-40 tuổi, và phần lớn họ nghiện mạng xã hội. Có người một ngày đăng khoảng 10 status hoặc ảnh. Thời gian còn lại họ dành để trả lời comment và đếm like. Khi không có tương tác, họ nhắn tin riêng cho bạn bè, người quen yêu cầu “like, còm đi!”. Có người sau đó xuất hiện triệu chứng hoang tưởng. Một bệnh nhân 28 tuổi còn đinh ninh mình có một người yêu là tiến sĩ bên Úc (trong thực tế không có tiến sĩ nào).
Khuyến cáo của bác sĩ
Tất cả các bác sĩ đều khuyến cáo: đối với chứng nghiện internet, nên phòng hơn chữa. Bởi một khi đã xác định nghiện, quá trình điều trị sẽ rất dai dẳng, mệt mỏi bởi cai nghiện internet cũng giống như cai nghiện ma túy. Chưa kể, bởi vì máy tính đã trở thành phổ biến nên việc cai nghiện có phần khó khăn hơn. Trong đó khó khăn nhất là giai đoạn đầu khi bệnh nhân buộc phải ngừng hoàn toàn việc vào mạng.
Bác sĩ Đinh Hữu Uân cho biết, không thể cai nghiện internet bằng cách giới hạn thời gian sử dụng, điều này giống như nghe người nghiện rượu hứa rằng họ sẽ bỏ rượu mà chuyển sang uống… bia. Thời gian cai nghiện internet phụ thuộc vào đáp ứng điều trị từng người bệnh nhưng trung bình không dưới 24 tháng.
Tiến sĩ Nguyễn Mai Hoa cho rằng, có một điểm chung của những người nghiện thế giới ảo là có cuộc sống tinh thần đơn điệu và thuộc tuyp người yếu đuối, hướng nội. Ở trên mạng, họ được làm những thứ mà ở ngoài đời không làm được, họ được trải nghiệm cảm giác mà ở ngoài đời không có cơ hội trải nghiệm. Ví dụ được nhiều người tình ảo tán tỉnh, tâng bốc, ca ngợi bằng vô vàn mỹ từ như trường hợp bệnh nhân hoang tưởng tình cảm.
Mới đây, hai tác giả Minh Công, Minh Uy đã lập dự án “Hỗ trợ thanh thiếu niên nghiện Internet” xây dựng mô hình ứng dụng tâm lý học chuyên sâu vào việc đánh giá, can thiệp trị liệu cho thanh thiếu niên nghiện Internet, đồng thời với việc xây dựng các chương trình huấn luyện sử dụng Internet hiệu quả. Trong dài hạn, dự án hướng tới thành lập một Trung tâm hỗ trợ thanh thiếu niên nghiện Internet chuyên biệt đầu tiên ở Việt Nam.
Điều đáng nói, một trong hai người sáng lập dự án là bác sĩ tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, anh Minh Công đã có gần 10 năm tiếp xúc và điều trị cho các bệnh nhân nghiện internet.
Nếu mô hình này thành công, Việt Nam sẽ là nước tiếp theo có Trung tâm chuyên biệt dành riêng cho đối tượng nghiện internet giống như một số nước châu Á khác như Hàn Quốc hoặc Trung Quốc.
Con người hàng ngày sử dụng công nghệ cao càng nhiều thì càng dễ trầm cảm, tỉ lệ này sẽ tăng cao và khó kiểm soát... Nhất là đối với lứa tuổi học sinh cấp hai, cấp ba - độ tuổi ham hiểu biết và dễ tổn thương. Bởi vậy gia đình cần phải có biện pháp kiên quyết, hiểu được tầm quan trọng của tâm sinh lý tuổi dậy thì, thì chứng trầm cảm mới có thể kiểm soát. Bên cạnh đó, phụ huynh và gia đình cũng cần chú ý quy định mức độ thời gian cho các em sử dụng công nghệ, nên dành thời gian quan tâm con, chăm sóc cho con nhiều hơn mỗi ngày...
Theo bác sĩ Tô Thanh Phương (BV Tâm thần Trung ương 1)
Đổ vỡ trong cuộc sống
Nhiều người cho rằng chơi game hoặc vào mạng xã hội không tác hại bằng nghiện ma túy, nhưng chính game online và mạng xã hội là nguyên nhân gây đổ vỡ trong cuộc sống. Trẻ em chơi game 5-6 giờ mỗi ngày sẽ không có thời gian để tham gia các hoạt động xã hội, để làm bài tập hoặc chơi thể thao. Điều này khiến người chơi game không thể có được sự phát triển bình thường về mặt xã hội. Thực tế cho thấy nhiều game thủ đã 21 tuổi nhưng cảm xúc và trí tuệ chỉ như đứa trẻ 12 tuổi. Những game thủ nhiều tuổi hơn thì có thể có các hành động rất liều lĩnh. Họ coi thường mạng sống của mình và những người khác, coi thường các chuẩn mực đạo đức xã hội và các qui định của pháp luật.
Mặt khác, các triệu chứng của trầm cảm do nghiện game và mạng xã hội khiến sức khỏe về thể chất và tâm thần của người nghiện bị suy giảm nghiêm trọng. Nặng nề nhất là ý định và hành vi tự sát vì chúng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nhóm người này. Nhiều game thủ đã chết vì kiệt sức do chơi game liên tục trong nhiều giờ.
Tiêu tốn về tiền bạc do chơi game và vào mạng xã hội khiến người nghiện phải tìm mọi cách để có tiền. Khi không có đủ tiền để thỏa mãn ham muốn chơi game của mình, họ có thể làm các việc phạm pháp như trộm cắp, cướp của, bán dâm, giết người để có tiền chơi game tiếp.
(TS. Bùi Quang Huy-Chủ nhiệm khoa Tâm thần -Bệnh viện 103).