Cam kết ủng hộ “mục tiêu kép” của Việt Nam
Tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội đã trực tiếp trả lời các vấn đề doanh nghiệp quan tâm liên quan đến thẩm quyền của Quốc hội. Trong đó, các doanh nghiệp Hoa Kỳ mong muốn Chính phủ Việt Nam duy trì cam kết mở cửa lại nền kinh tế và không trở lại phong tỏa khi các ca lây nhiễm xuất hiện. Kinh nghiệm cho thấy, với việc tiêm chủng ngày càng tăng, xét nghiệm và các biện pháp khác, thì có thể mở cửa trở lại ngay cả khi COVID-19 ở trong cộng đồng.
Các doanh nghiệp cũng cho rằng, ưu tiên cấp bách nhất hiện nay là cho phép mở cửa trở lại ở quy mô thực sự, đầy đủ; đồng thời nhấn mạnh, không có khoản trợ cấp hoặc giảm thuế nào quan trọng bằng việc cho phép mở cửa trở lại rộng rãi, bền vững. Trong đó, việc mở cửa trở lại này cần được đơn giản hóa và hài hòa giữa các tỉnh và địa phương. Bởi mạng lưới các quy định, khu vực, yêu cầu khác nhau đang khiến người dân rất khó di chuyển, doanh nghiệp mở cửa trở lại và hàng hóa lưu thông. Do vậy, sự nhất quán và hài hòa là rất quan trọng.
"Tôi đánh giá rất cao sự quan tâm của doanh nghiệp Hoa Kỳ. Dù hiện nay Việt Nam cũng đang còn nhiều khó khăn do tác động của đại dịch, tuy nhiên, khó khăn chỉ là trước mắt và tạm thời. Hai bên vẫn có cơ sở, nền tảng tốt để tiếp tục hợp tác phát triển vì sự thịnh vượng chung” - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Về việc này, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Việt Nam đang chuyển hướng về chiến lược phòng, chống dịch theo hướng sống chung, an toàn và thích ứng với dịch COVID-19. Quốc hội và Chính phủ Việt Nam cũng đang nghiên cứu xây dựng chiến lược và khung khổ chính sách thích ứng, phục hồi kinh tế để thống nhất áp dụng từ Trung ương đến địa phương có tính đến sự linh hoạt điều chỉnh nhất định cho phù hợp với từng địa phương. TPHCM hiện cũng đang đề xuất liên kết với các tỉnh ở khu vực Đông Nam Bộ trong việc phục hồi kinh tế và phòng, chống đại dịch.
Chủ tịch Quốc hội mong muốn các doanh nghiệp Hoa Kỳ đóng góp, hiến kế cho Việt Nam trong việc hoàn thiện dự thảo khung khổ chính sách thích ứng và phục hồi kinh tế. Chủ tịch Quốc hội ghi nhận các kiến nghị về giảm, giãn, hoãn thuế, phí và cho biết, vừa qua, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp. Tại tọa đàm chuyên gia trong nước và quốc tế về kinh tế - xã hội vừa được Quốc hội tổ chức cũng đã thống nhất cần tiếp tục có các gói hỗ trợ từ cả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam cũng đã gợi ý với Chính phủ nghiên cứu, có các chính sách mới hỗ trợ doanh nghiệp thua lỗ thông qua các chính sách giúp giảm chi phí đầu vào, chi phí về nhân công hoặc cho phép chuyển lỗ vào các thời kỳ sau nhiều hơn so với quy định của pháp luật hiện hành. Những giải pháp này đang được các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ tích cực nghiên cứu, xây dựng.
Các đại biểu tại cuộc làm việc trực tuyến ngày 30/9 |
"Đi sau nên sẽ phải đi nhanh hơn"
Trao đổi về các ưu tiên trong nhiệm kỳ Khóa XV, ông Vương Đình Huệ khẳng định, Quốc hội sẽ đổi mới hoạt động cả trong lĩnh vực lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia. Trong đó, ưu tiên xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, có tuổi thọ lâu dài, có thể tiên liệu, bảo đảm tính công khai, minh bạch, đáp ứng được yêu cầu kiến tạo, phát triển và hội nhập quốc tế.
Quốc hội Việt Nam cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa về tổ chức và hoạt động theo hướng tinh gọn và hiệu quả hơn, tăng cường với phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm soát quyền lực; tiếp tục đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, chú trọng hơn đến tiết kiệm, chống lãng phí; đẩy mạnh cải cách tư pháp; đảm bảo quyền công dân đi đôi với tăng cường trật tự, kỷ cương xã hội...
“Càng trong những lúc khó khăn chúng ta càng tìm ra nhiều cơ hội nhất. Tôi đánh giá rất cao sự quan tâm của doanh nghiệp Hoa Kỳ, dù hiện nay Việt Nam cũng đang còn nhiều khó khăn do tác động của đại dịch. Tuy nhiên, khó khăn chỉ là trước mắt và tạm thời, hai bên vẫn có cơ sở, nền tảng tốt để tiếp tục hợp tác phát triển vì sự thịnh vượng chung”, Chủ tịch Quốc hội nêu.
Chủ tịch Quốc hội mong muốn các doanh nghiệp của Hoa Kỳ và USABC sẽ tăng cường hơn nữa các hoạt động đối thoại chính sách với các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội Việt Nam, không chỉ tháo gỡ vướng mắc, khó khăn mà còn phải hướng đến mục tiêu win-win (đôi bên đều có lợi), cả Chính phủ và doanh nghiệp đều thắng. Chính phủ thì nâng cao năng lực quản trị quốc gia, doanh nghiệp nâng cao được năng lực quản trị doanh nghiệp, qua đó, nền kinh tế và người dân, người lao động sẽ được hưởng lợi.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội cũng mong muốn USABC và các doanh nghiệp chia sẻ kiến thức chuyên môn và các thực tiễn tốt nhất trong phòng chống đại dịch COVID-19; kêu gọi hỗ trợ trực tiếp về vắc-xin, thuốc, vật tư trang thiết bị y tế cho Việt Nam nhiều hơn nữa, nhanh hơn nữa. Chủ tịch Quốc hội cũng kêu gọi các doanh nghiệp Hoa Kỳ chung tay hiện đại hóa ngành y tế của Việt Nam, trong khó khăn thử thách hiện nay càng thấy được tiềm năng hợp tác phát triển của ngành y tế, hiện đại hóa cùng với tăng cường y tế cơ sở.
Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc USABC Ted Osius tin tưởng cuộc làm việc này sẽ là cơ sở để hai bên tiếp tục phát huy trong tương lai để thảo luận, trao đổi về những vấn đề cùng quan tâm.
Còn Phó Chủ tịch cấp cao kiêm Giám đốc điều hành Khu vực của Hội đồng Michael Michalak cho rằng, cuộc đối thoại lần này đã mở ra chân trời mới trong hợp tác phát triển quan hệ hợp tác giữa USABC với các cơ quan của Quốc hội Việt Nam.