Trong bài phát biểu quan trọng tại Canberra ngày 30/6, ông Morrison cho biết chính phủ Úc sẽ chi 270 tỷ đô la Úc để nâng cao năng lực quốc phòng trong thập kỷ tới, tăng so với mức AU$195 tỷ mà Úc thông báo năm 2016 để chi cho kế hoạch đại tu chiến lược.
Mức ngân sách trên sẽ được dành để mua các tên lửa chống hạm tầm xa AGM-158C từ Hải quân Mỹ, với chi phí khoảng AU$800 triệu; nhằm tăng gấp ba năng lực tấn công trên biển lên khoảng 230 dặm.
Trước dấu hiệu mà mạng lưới tình báo quốc phòng của Úc coi là mối đe dọa gia tăng về quân sự trong khu vực, Úc sẽ điều chỉnh trọng tâm của Sách trắng quốc phòng 2016.
Tài liệu năm 2016 xác định nhiệm vụ ủng hộ trật tự dựa trên luật lệ trên toàn cầu, như hỗ trợ trên không cho liên minh do Mỹ dẫn đầu ở Iraq và Syria. Nhưng với điều chỉnh lần này, Úc sẽ hạn chế trọng tâm địa lý vào khu vực ngay cạnh mình, đó là “khu vực kéo dài từ đông bắc Ấn Độ Dương qua Đông Nam Á xuống đến Papua New Guinea và Tây Nam Thái Bình Dương”.
“Chúng tôi vẫn chuẩn bị để đóng góp về quân sự cho các khu vực bên ngoài nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia của mình, bao gồm việc ủng hộ những liên quân do Mỹ dẫn dắt. Nhưng chúng tôi không thể để cân nhắc về những điều đó ảnh hưởng đến cấu trúc lực lượng có thể gây bất lợi cho năng lực phản ứng của chúng tôi ở ngay tại khu vực này”, ông Morrison nói.
Căng thẳng với Trung Quốc
Việc Úc thay đổi trọng tâm để tập trung bảo vệ khu vực ngay bên mình có thể phản ánh những quan ngại về việc bị rơi vào tình thế dễ bị tổn thương khi Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump lơ là hơn với khu vực nam Thái Bình Dương, cũng như với các quan hệ đồng minh nói chung của Mỹ.
Dù Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Úc nhưng quan hệ song phương xấu đi từ năm 2018, khi chính phủ của Thủ tướng Morrison cấm hãng viễn thông Huawei tham gia phát triển mạng 5G vì lo ngại an ninh quốc gia.
Năm đó, Canberra cũng nói rằng “sự can dự” của Bắc Kinh là chất xúc tác để họ thông qua luật nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của nước ngoài lên chính phủ, báo chí và ngành giáo dục của Úc.
Quan hệ hai nước càng xấu đi kể từ tháng 4 năm nay, khi Ngoại trưởng Úc Marise Payne nói rằng cần thực hiện một cuộc điều tra độc lập ở Vũ Hán để làm rõ nguồn gốc đại dịch COVID-19.
Bắc Kinh cũng “ngứa ngáy” vì những phát biểu của bà Payne liên quan đến luật an ninh quốc gia của Hong Kong. Gần đây nhất, Ngoại trưởng Úc hôm qua bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về việc
Trung Quốc thông qua và bắt đầu áp dụng luật mới với đặc khu.
Từ tháng 4, Trung Quốc tăng 80% thuế lên lúa mạch, dừng nhập thịt bò Úc và khuyến cáo du học sinh và khách du lịch không nên chọn Úc.
Hàm ý nhắc đến những căng thẳng gần đây với Bắc Kinh, ông Morrison nói trong bài phát biểu ngày 30/6 rằng “những hoạt động cưỡng ép có đầy rẫy” và “những thông tin sai lệch cũng như can thiệp của nước ngoài đang được hỗ trợ bởi công nghệ mới nổi”.
Ngày 19/6, ông Morrison nói rằng các cơ quan chính phủ của Úc vừa hứng đợt tấn công tin tặc liên quan đến “yếu tố nhà nước”, khiến dư luận nghĩ đến Trung Quốc.
Từ khi lên nắm quyền năm 2013, ông Morrison cho biết Úc đã tăng chi tiêu quốc phòng từ 1,56% GDP lên khoảng 2% trong năm nay, “dù có nhiều sức ép lên ngân sách”.
Trong giai đoạn đó, Úc xác định sẽ chế tạo các tàu khu trục mới theo một hợp đồng với hãng BAE Systems PLC với trị giá AU$35 tỷ và 12 tàu ngầm với tập đoàn Naval Group SA của Pháp theo thỏa thuận ký năm 2016 trị giá AU$50 tỷ. Canberra cũng định mua 72 chiếc máy bay chiến đấu mới với tổng số tiền AU$115,7 triệu/chiếc.
Kế hoạch cấu trúc lực lượng năm 2020 bao gồm việc mua sắm hoặc nâng cấp 23 lớp tàu hải quân, với tổng kinh phí A$183 tỷ.
“Thế giới đã thay đổi và tiếp tục thay đổi nhanh chóng. Chúng ta ủng hộ Ấn Độ - Thái Bình Dương hòa bình và ổn định, một môi trường chắc chắn mà người dân có thể giao thương và sống cuộc sống của họ, các quốc gia có chủ quyền có thể hợp tác, giao thương và có quan hệ tốt với nhau. Để làm được điều đó, bạn cần năng lực răn đe có trách nhiệm”, ông Morrison nói.