Căng thẳng nguồn cung, khẩu trang y tế tiếp tục khan hàng

Theo đại diện Vinatex, cung ứng khẩu trang ra thị trường trong các ngày tới sẽ vẫn căng thẳng, chưa đáp ứng được yêu cầu
Theo đại diện Vinatex, cung ứng khẩu trang ra thị trường trong các ngày tới sẽ vẫn căng thẳng, chưa đáp ứng được yêu cầu
TP - Tổng cục Quản lý thị trường ngày 16/2 cho hay, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại Trung Quốc, nhu cầu về trang thiết bị phòng dịch, đặc biệt là khẩu trang y tế, nước sát khuẩn tại nhiều địa phương ở Việt Nam tiếp tục tăng cao. 

Tổng cục QLTT cho hay, qua báo cáo, trong ngày 16/2, lực lượng QLTT trên toàn quốc đã kiểm tra 76 cơ sở kinh doanh, xử lý 13 trường hợp có vi phạm với số tiền xử phạt 9,25 triệu đồng và tạm giữ 112.320 chiếc khẩu trang. Trước đó, ngày 15/2, lực lượng QLTT cả nước kiểm tra, giám sát 72 cơ sở kinh doanh, sản xuất thiết bị y tế, trong đó xử phạt 30 cơ sở với số tiền gần 65 triệu đồng, tạm giữ 228.000 chiếc khẩu trang vi phạm. Cộng dồn từ ngày 31/1 đến ngày 16/2, lực lượng QLTT kiểm tra, xử lý 4.495 trường hợp vi phạm về giá bán, đầu cơ, găm hàng.

Còn khan khẩu trang trong vài tuần tới

Ngày 16/2, đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, trong vòng 13 ngày qua, tập đoàn đã cung cấp ra thị trường khoảng 750.000 khẩu trang bằng vải dệt kim kháng khuẩn. Mỗi ngày sản xuất 10 tấn vải không dệt kháng khuẩn để cung ứng cho các đơn vị sản xuất khẩu trang sử dụng một lần (tương ứng khoảng 3 triệu chiếc khẩu trang mỗi ngày).

“Tập đoàn đã triển khai sản xuất khẩu trang tại 13 đơn vị trực thuộc ở cả ba vùng miền. Khẩu trang do các doanh nghiệp thuộc Vinatex sản xuất sẽ được ưu tiên cung ứng cho các đơn hàng từ các tổ chức lớn các tỉnh, thành trong cả nước và họ có trách nhiệm phân phối đúng đối tượng có nguy cơ cao, ưu tiên sử dụng khẩu trang trước, như y tế, quân đội, hàng không, ngân hàng, trường học. Chỉ 10% số lượng hàng sản xuất được đưa ra thị trường bán lẻ”, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex cho hay.

Theo đại diện Vinatex, tại 5 điểm bán lẻ của Vinatex trên thị trường Hà Nội, mỗi ngày cung ứng từ 3.000 - 6.000 khẩu trang và chỉ bán cho mỗi khách 5 chiếc để đảm bảo trung bình mỗi ngày có 600 - 1.200 khách có thể mua được hàng. Tính đến hết tháng 2, toàn tập đoàn sẽ cung ứng ra thị trường 5,5 - 6 triệu sản phẩm khẩu trang sử dụng vải kháng khuẩn, cũng như cung ứng mỗi ngày 10 tấn vải không dệt để các đơn vị may khẩu trang y tế. Riêng trong tháng 3, tổng số lượng khẩu trang Vinatex và các đơn vị thành viên cung ứng ra thị trường có thể tăng lên tới gần 12 triệu chiếc.

Sở dĩ trong hai tuần vừa qua, số lượng khẩu trang hợp chuẩn ở tình trạng cung không đủ cầu vì khẩu trang không phải là mặt hàng Vinatex chuyên sản xuất, do đó khâu chuẩn bị sản xuất phải mất từ 3-5 ngày. Thêm vào đó, trong những ngày đầu sản xuất, Dệt Kim Đông Xuân và các đơn vị thành viên khác chỉ đạt chừng 1/6 công suất và đến ngày 10/2/2020 mới có thể đạt tối đa công suất (mỗi công nhân may được 400 khẩu trang/ngày).

"Để cải thiện tình hình, các doanh nghiệp của Vinatex sẵn sàng sản xuất cả trong ngày nghỉ cuối tuần để vừa phục vụ nhân dân”, đại diện Vinatex cho hay.

 Đeo khẩu trang khi ho, hắt hơi để phòng bệnh cho người khác

“Đeo khẩu trang y tế có thể hạn chế sự lây lan của một số bệnh đường hô hấp. Tuy nhiên, chỉ sử dụng khẩu trang thì không ngăn chặn được việc lây nhiễm, mà phải kết hợp với các biện pháp phòng ngừa khác như vệ sinh tay và đường hô hấp và tránh tiếp xúc gần - giữ khoảng cách ít nhất 1,5 mét giữa bạn với những người khác".

WHO khuyến cáo mọi người sử dụng khẩu trang y tế một cách hợp lý. Điều này có nghĩa là chỉ sử dụng khẩu trang nếu bạn có các triệu chứng về hô hấp (ho hoặc hắt hơi), nghi ngờ nhiễm Covid-19 với các triệu chứng nhẹ hoặc đang chăm sóc cho người bị nghi ngờ nhiễm Covid-19. 

Thái Hà

MỚI - NÓNG