Nhưng hiện nay, nhiều gia đình đã quay cuồng chạy trường hoặc cho con học trước.
Học sinh Trường tiểu học dân lập Nguyễn Siêu, một trong những trường điểm đầu vào hàng năm. Ảnh: HN. |
“Chạy” trường điểm
“Giờ xin thì làm gì còn suất, muốn con vào lớp 1 trường tốt, từ giờ đã phải xin cho suất sang năm. Còn muốn vào học trong năm nay thì phải xin từ khoảng đầu tháng 11/2012”, chị T. L (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết. Theo chị L, đến tháng 9 tới, con chị đến tuổi học lớp 1 nhưng từ cuối năm 2012, chị đã phải nhờ người quen chạy một suất vào trường tiểu học KL.
Chị cho biết, do hộ khẩu con chị trái tuyến nên muốn xin vào được trường này phải nhờ người quen và mất ít nhất 30- 40 triệu đồng. Nhiều mẹ khác mặc dù có hộ khẩu đúng tuyến nhưng cũng đứng ngồi không yên và hoang mang trước thông tin “vịt”: kể cả học sinh đúng tuyến, muốn vào học trường này cũng phải bốc thăm.
Ngoài ra, Hà Nội có một số trường tiểu học công lập khác hầu như năm nào cũng “nóng” về tuyển sinh đầu cấp như: Quang Trung, Thăng Long (quận Hoàn Kiếm); Kim Liên, Nam Thành Công (quận Đống Đa); Lê Ngọc Hân, Lê Văn Tám (Hai Bà Trưng); Kim Đồng (Ba Đình)...
Tuy nhiên, theo chị L, do nhiều người có con đi học trước đây chia sẻ kinh nghiệm, trẻ tiểu học chỉ cần chọn cô giáo chứ không nhất thiết phải chọn trường nên chị đang băn khoăn không biết có nên bằng mọi giá phải xin cho con vào trường điểm công lập hay cấp tập luyện thi cho con vào trường dân lập. Mặc dù con đã đọc viết tốt nhưng để chuẩn bị hành trang cho việc vào lớp 1, ngay từ đầu tháng 3 này, chị đã cho con học luyện chữ thêm.
Chị Hồng Vân (phố Cầu Giấy) cho biết, hộ khẩu gia đình ở quận Hai Bà Trưng nhưng hai vợ chồng đang thuê nhà ở Quận Cầu Giấy. Nếu cho con đi học đúng tuyến thì khá xa nhà. Vì vậy, gia đình định xin cho con vào học ở Trường K.Đ (quận Ba Đình) nhưng nghe các mẹ chia sẻ vào đây khó lắm, phải nhờ người quen mà chưa chắc được nên thấy nản quá. “Có lẽ phải luyện đầu vào để cho con học trường dân lập và nghiến răng chịu học phí “chát” một chút”, chị Vân nói.
Cấp tập học “tiền lớp 1”
Với các gia đình dự định cho con vào trường dân lập lại đau đầu vì khoản kiểm tra đầu vào. Ngay sau Tết Quý Tỵ, nhiều phụ huynh đã quay cuồng đăng kí cho con học thêm để chuẩn bị vào lớp 1.
Chị Ngọc Lan (phố Nguyễn Khánh Toàn) chia sẻ, con chị chỉ học mẫu giáo ở trường công lập. Nguyên tắc trẻ 5 tuổi không được học chữ, học viết ở mẫu giáo nhưng một số trường tiểu học kiểm tra đầu vào khá cao nên chị rất lo. “Hơn nữa con nhà mình sinh cuối năm nên non hơn các bạn khác, chẳng biết có theo kịp không. Vì vậy, mình đang tìm lớp cho cháu học luyện chữ”, chị Lan nói.
Chị Trần Anh Thi (khu đô thị Mỹ Đình, Từ Liêm) cho biết, để tránh mất tiền chạy vào trường điểm và con không phải học thêm nhiều nên chị quyết định cho con vào trường tiểu học dân lập. Thông thường, các cháu bị kiểm tra đầu vào qua các hình thức: làm bài toán phân biệt hình dạng khác loại, làm bài toán logic, nối hình đúng người, học sinh được nghe câu chuyện và sắp xếp tranh theo câu chuyện ấy…
Mặc dù con chị Thi học trường mầm non song ngữ cũng có tiếng trên địa bàn (mới 5 tuổi cháu đã biết đánh vần đến nửa quyển tiếng Việt lớp 1), thế nhưng năm nay, khi con gái chuẩn bị vào lớp 1, chị Thi vẫn chưa yên tâm.
Để vượt qua kì thi vào Trường tiểu học dân lập Đoàn Thị Điểm vào khoảng đầu tháng 6 tới, chị quyết định cho con đi học thêm tại trường dưới hình thức các câu lạc bộ. Lịch học của cháu tổng cộng cả đợt là 12 buổi/12 tuần. Tại đây, các cháu được học toán logic, làm bài trắc nghiệm, kể chuyện, học tiếng Anh…
Các cháu sẽ ăn bữa trưa lại trường, có xe đưa đón hai chiều. Chi phí cả đợt là gần 4 triệu đồng. Chị Thi cho biết, cách đây mấy hôm, hàng xóm của chị cũng cho con đến ghi danh, học thêm trước khi vào lớp 1 tại trường này và danh sách đã là lớp thứ 30, mỗi lớp khoảng 30 cháu.
Theo cô Diệu Linh (Hiệu trưởng Trường mầm non tư thục Hoa Đô - Từ Liêm, Hà Nội), trẻ 5 tuổi chỉ phải học ở trường để biết các chủ điểm qua các đồ chơi, các bài hát, tạo hình, chưa phải học đọc, học viết nên khá căng thẳng nếu bắt các em học thêm nhiều.
Theo Hạnh Nguyên
Giadinh.net.vn