Bộ trưởng Ngoại giao Canada Mélanie Joly tuyên bố: “Canada cấm xuất khẩu sang Nga những mặt hàng có thể được sử dụng để chế tạo vũ khí và phục vụ cuộc chiến chống lại Ukraine”.
Lệnh cấm áp dụng đối với “chất nổ, bao gồm cả ngòi nổ, được sử dụng trong ngành khai thác mỏ và xây dựng”. Bộ trưởng Joly cho biết Canada đang áp dụng các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với 10 cá nhân và 153 tổ chức Nga.
Các lệnh trừng phạt (được phối hợp với chính phủ Mỹ và Anh) “tập trung vào các lĩnh vực ảnh hưởng đến khả năng của Chính phủ Nga” trong việc tiếp tục tấn công Ukraine.
Các cá nhân bị liệt vào danh sách trừng phạt bao gồm một trợ lý của Tổng thống Nga Vladimir Putin và lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân đăng ký ở Nga hoặc Síp.
Ngoại trưởng Canada Mélanie Joly phát biểu tại Trung tâm Wilson ở Washington, DC ngày 13/2/2024. Ảnh: Getty Images. |
Canada tuyên bố: “Các lệnh trừng phạt của Canada hiện có thể nhắm vào bất kỳ ai bên ngoài Canada, không phải là người Canada, vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”. Điều này bao gồm những người giúp Nga và các nước được Nga ủy quyền tránh các lệnh trừng phạt.
Hầu hết các tổ chức bị trừng phạt là “một phần của tổ hợp công nghiệp-quân sự Nga, cung cấp hoạt động nghiên cứu và phát triển, sản xuất, sửa chữa cũng như các hàng hóa và dịch vụ khác cho Bộ Quốc phòng Nga”. Cụ thể, lệnh trừng phạt mới được áp dụng cả với “các bộ phận của tên lửa Kalibr và máy bay không người lái, dịch vụ bảo hiểm và bán lẻ cho binh lính Nga và Bộ Quốc phòng Nga”.
Binh sĩ Nga. Ảnh: Tass. |
Mỹ tiếp tục trừng phạt Nga
Ngày 23/2, Mỹ tuyên bố áp thêm các lệnh trừng phạt sâu rộng đối với Nga, nhắm vào hơn 500 cá nhân và tổ chức để kỷ niệm hai năm ngày Nga tiến đánh Ukraine và trả đũa cái chết của thủ lĩnh đối lập Nga Alexey Navalny.
Các lệnh trừng phạt nhắm vào hệ thống thanh toán Mir của Nga, các tổ chức tài chính và cơ sở công nghiệp quân sự của nước này, việc trốn tránh lệnh trừng phạt, sản xuất năng lượng trong tương lai và các lĩnh vực khác. Lệnh trừng phạt cũng áp đặt vào các quan chức nhà tù mà Mỹ cho rằng có liên quan đến cái chết của Navalny.
“Washington không nhận ra rằng các lệnh trừng phạt sẽ không hạ gục được chúng ta sao?”, Đại sứ Nga tại Washington, Anatoly Antonov, được dẫn lời nói trên kênh của Đại sứ quán Nga trên ứng dụng nhắn tin Telegram.
Mỹ ngày 23/2 áp đặt các lệnh trừng phạt đối với tập đoàn tàu chở dầu hàng đầu của Nga, Sovcomflot, cáo buộc tập đoàn này có liên quan đến việc vi phạm giới hạn giá của G7 đối với dầu của Nga.
Ngoài ra còn có mục tiêu là 14 tàu chở dầu thô mà Sovcomflot có lợi ích. Một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ nói: “Sovcomflot nói chung, với tư cách là công ty mẹ, đã dính líu đến các hành vi vi phạm giới hạn giá cũng như hoạt động lừa đảo”.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang tìm cách tiếp tục hỗ trợ Ukraine khi nước này phải đối mặt tình trạng thiếu đạn dược trầm trọng; việc phê duyệt thêm viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine đã bị trì hoãn trong nhiều tháng tại Quốc hội Mỹ.
Bộ Tài chính Mỹ đã nhắm mục tiêu vào gần 300 cá nhân và tổ chức Nga, trong khi Bộ Ngoại giao áp lệnh trừng phạt với hơn 250 cá nhân và tổ chức và Bộ Thương mại đã bổ sung hơn 90 công ty vào danh sách đen.
Mỹ và các đồng minh đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với hàng nghìn cá nhân, tổ chức của Nga kể từ khi Nga tấn công nước láng giềng Ukraine vào ngày 24/2/2022. Cuộc chiến đã khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng và nhiều thành phố bị tàn phá.
Tuy nhiên, nền kinh tế trị giá 2.200 tỷ USD tập trung vào xuất khẩu của Nga đã tỏ ra kiên cường hơn trước hai năm lệnh trừng phạt chưa từng có so với dự đoán của chính nước này hoặc phương Tây.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tuyên bố: “Chúng ta phải duy trì sự ủng hộ của mình dành cho Ukraine ngay cả khi chúng ta làm suy yếu cỗ máy chiến tranh của Nga. Điều quan trọng là Quốc hội phải tăng cường hợp tác với các đồng minh của chúng ta trên khắp thế giới trong việc cung cấp cho Ukraine các phương tiện để tự vệ”.
Brian O'Toole, cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ, cho biết rằng, các lệnh trừng phạt chỉ có tác động ngắn hạn vì phần lớn các tổ chức bị nhắm mục tiêu là các doanh nghiệp Nga, chứ không phải công ty nước ngoài và có thể dễ dàng thay thế khi Nga tìm cách né tránh các lệnh trừng phạt.
Tuy nhiên, cựu quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ Ben Harris nhận định, mức độ nghiêm trọng của các biện pháp trừng phạt do Mỹ áp đặt là rất lớn.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu (phải) tham gia lễ đặt vòng hoa tại Mộ Chiến sĩ Vô danh, đánh dấu Ngày Người bảo vệ Tổ quốc, vào ngày 23/2/2024 tại Mátxcơva, Nga. Ảnh: Getty Images. |
Hệ thống thanh toán
Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Hệ thống thẻ thanh toán quốc gia thuộc sở hữu nhà nước, nhà điều hành hệ thống thanh toán Mir. Thẻ thanh toán Mir đã trở nên quan trọng hơn kể từ khi các doanh nghiệp đối thủ đến từ Mỹ đình chỉ hoạt động ở Nga.
Ngoài ra, Mỹ nhắm mục tiêu vào hơn chục ngân hàng, công ty đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm và công ty công nghệ tài chính (fintech) của Nga. Mỹ cũng nhắm mục tiêu vào lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu năng lượng trong tương lai của Nga, nhắm xa hơn vào dự án LNG 2 Bắc Cực ở Siberia. Tháng 11/2023, Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một đơn vị lớn liên quan đến dự án này.
Hôm 23/2, Bộ Ngoại giao Nga đã nhắm mục tiêu vào công ty đóng tàu Zvezda của Nga. Công ty này được cho là có liên quan đến việc đóng tới 15 tàu chở LNG chuyên dụng cao để hỗ trợ xuất khẩu LNG 2 ở Bắc Cực.
Mỹ cũng áp đặt các lệnh trừng phạt đối với các tổ chức có trụ sở tại Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE), Kazakhstan và Liechtenstein vì trốn tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.
Người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, Liu Pengyu, gọi các lệnh trừng phạt đối với các công ty Trung Quốc là “một động thái điển hình của sự ép buộc kinh tế, chủ nghĩa đơn phương và bắt nạt” của Mỹ. Washington ngày càng tìm cách trấn áp việc Nga vi phạm các biện pháp của mình.
Peter Harrell, cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia của Mỹ, nhận định, các động thái mới của Mỹ gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng Washington sẵn sàng hành động chống lại hành vi gian lận.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu với giới truyền thông, sau cuộc gặp với vợ và con gái của cố lãnh đạo phe đối lập Nga Alexey Navalny tại San Francisco, California, Mỹ ngày 22/2/2024. Ảnh: Reuters. |
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nhắm mục tiêu vào ba quan chức Dịch vụ Nhà tù Liên bang Nga mà họ cáo buộc có liên quan đến cái chết của Navalny, bao gồm phó giám đốc, người được cho là đã chỉ đạo nhân viên nhà tù đối xử khắc nghiệt hơn với Navalny.
Cơ quan quản lý nhà tù cho biết, Navalny, 47 tuổi, bất tỉnh và đột ngột qua đời vào tuần trước tại trại giam phía trên Vòng Bắc Cực. Tổng thống Biden đã trực tiếp đổ lỗi cho ông Putin về cái chết của Navalny.
Hành động của Mỹ cũng nhắm vào những người có liên quan đến cái mà Bộ Ngoại giao gọi là cưỡng bức chuyển giao hoặc trục xuất trẻ em Ukraine.