Cần Thơ sẽ thí điểm kiểm tra, sát hạch định kỳ năng lực cán bộ xã, phường

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Kiên quyết không bố trí những người không đủ điều kiện, tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ vào các chức danh theo quy định. Xây dựng nếp văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức ở địa phương theo tinh thần “có lên, có xuống”, “có vào, có ra” trở thành bình thường trong công tác cán bộ…

Đó là một trong những nội dung thực hiện Đề án nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Cần Thơ giai đoạn 2024-2030, vừa được UBND Thành phố ban hành.

Đề án đặt mục tiêu đến năm 2030, có 100% cán bộ cấp xã phải được đào tạo đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định. Trong đó, có 100% cán bộ thuộc diện quận/huyện ủy quản lý đạt trình độ từ đại học trở lên.

100% công chức chuyên môn phải được đào tạo đạt chuẩn về trình độ chuyên môn đại học phù hợp với vị trí việc làm. Trên 95% CBCC phải được đào tạo từ trung cấp lý luận chính trị trở lên, được bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn của chức vụ, chức danh quy định.

Đến năm 2025, phấn đấu có từ 15% và đến năm 2030 phấn đấu có từ 30% sinh viên tốt nghiệp trình độ đại học loại giỏi trở lên, có độ tuổi dưới 30 được tuyển dụng mới để bổ sung, thay thế số lượng công chức chuyên môn nghỉ hưu, tinh giản, thôi việc...

Cần Thơ sẽ thí điểm kiểm tra, sát hạch định kỳ năng lực cán bộ xã, phường ảnh 1

Tính đến ngày 31/12/2023, thành phố Cần Thơ có 1.697 cán bộ, công chức cấp xã.

Nhiều nhiệm vụ và giải pháp được đề ra để thực hiện đề án. Trong đó, yêu cầu công tác đào tạo, bồi dưỡng phải căn cứ vào nhu cầu thực tế của đơn vị và vị trí công tác, không chạy theo bằng cấp.

Chỉ đưa vào quy hoạch hoặc giới thiệu để bầu vào chức danh cán bộ những người có đủ tiêu chuẩn theo quy định, có điều kiện và khả năng hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Xây dựng văn hóa cán bộ theo cơ chế tăng cường tự phê bình và phê bình, nâng cao ý thức tự giác trong việc nhận trách nhiệm, từ chức, từ nhiệm để xây dựng thành nếp văn hóa ứng xử của CBCC ở địa phương theo tinh thần “có lên, có xuống”, “có vào, có ra” trở thành bình thường trong công tác cán bộ.

Kiên quyết không bố trí những người không đủ điều kiện, tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ vào các chức danh theo quy định. Tạo điều kiện và cơ hội phát triển bình đẳng để mọi CBCC phát huy được sở trường và năng lực công tác. Tăng cường và đổi mới công tác luân chuyển CBCC từ cấp xã lên cấp huyện và ngược lại.

Thí điểm mô hình tổ chức kiểm tra, sát hạch định kỳ về năng lực, hiệu quả thực thi công vụ của đội ngũ CBCC cấp xã. Phải có hình thức xử lý phù hợp, nghiêm minh đối với CBCC không có năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm những quy định trong thực thi nhiệm vụ.

Đối với những CBCC cấp xã yếu kém về năng lực và phẩm chất, không đáp ứng được yêu cầu công tác thì cần có kế hoạch luân chuyển sang làm công việc khác phù hợp, hoặc động viên họ xin thôi việc. Xây dựng chính sách nhằm khuyến khích, đãi ngộ đối với CBCC có năng lực, thành tích, hiệu quả công tác cao trong thực thi công vụ…

Theo UBND thành phố Cần Thơ, bên cạnh những mặt tích cực đạt được thì công tác nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã vẫn còn nhiều hạn chế. Một số CBCC thiếu kinh nghiệm thực tiễn, tinh thần học hỏi chưa cao nên trong thực thi công vụ còn nhiều thiếu sót, chậm tiến độ, gây ra tình trạng trì trệ ở nhiều khâu việc; một bộ phận CBCC còn có biểu hiện gây khó khăn, phiền hà cho tổ chức, người dân trong giải quyết công việc.

Một số CBCC thực thi công vụ chưa thực sự dựa vào pháp luật, đôi khi còn giải quyết công việc theo ý muốn chủ quan; việc ứng xử với nhân dân, với cộng đồng còn nặng về tập quán, thói quen, tình cảm. Một số cán bộ có tư tưởng dao động, thiếu tinh thần trách nhiệm với nhân dân, chưa thật sự tâm huyết với công việc; một số ít có biểu hiện suy thoái đạo đức, mất đoàn kết, cơ hội, bè phái, cục bộ gia đình, dòng họ, làm giảm lòng tin của nhân dân…

Tính đến ngày 31/12/2023, thành phố Cần Thơ có 1.697 CBCC cấp xã (866 cán bộ, 831 công chức). Trong đó, 1.572 người có trình độ đại học và trên đại học (chiếm hơn 88%); 200 người có trình độ dưới đại học (chiếm hơn 11%). Theo mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2023, có hơn 37% hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; hơn 59% hoàn thành tốt nhiệm vụ; hơn 2% hoàn thành nhiệm vụ và hơn 1% không hoàn thành nhiệm vụ.

MỚI - NÓNG