Cần thiết cấm thuốc lá điện tử trong trường học

0:00 / 0:00
0:00
TP - Chia sẻ tại buổi tọa đàm “Thuốc lá điện tử trong trường học: Nhận diện và phòng chống” do báo Tiền Phong tổ chức ngày 18/12, các chuyên gia, diễn giả đều khẳng định cần phải có chế tài mạnh hơn để ngăn chặn thuốc lá điện tử vào môi trường học đường.

Phát biểu mở đầu buổi tọa đàm, Nhà báo Phùng Công Sưởng, Phó Tổng biên tập Báo Tiền Phong cho hay thuốc lá điện tử trong trường học là một nội dung mang tính thời sự và cấp bách. Vì thời gian vừa qua, dư luận chứng kiến hàng loạt các vụ học sinh từ tiểu học phải nhập viện vì thuốc lá điện tử.

Cần thiết cấm thuốc lá điện tử trong trường học ảnh 1

Các diễn giả tham gia buổi tọa đàm. Ảnh: Trọng Quân

“Buổi tọa đàm dù ngắn, nhưng chúng tôi mong nhận được ý kiến của các chuyên gia để cùng nhận diện và tìm ra giải pháp về mặt quản lý, giáo dục, phòng ngừa, cùng dựng lên một lớp hành lang an toàn trong môi trường học đường, giúp học sinh hoàn thiện về tri thức, phẩm chất, xứng đáng là những chủ thể tương lai của đất nước”, nhà báo Phùng Công Sưởng nhấn mạnh.

“Hiện nay, số lượng bệnh nhân liên quan đến thuốc lá điện tử đang ngày càng tăng lên và phần lớn là những người trẻ. Thời gian tới, rất có thể chúng ta sẽ phải đối mặt với rất nhiều các bệnh mới liên quan đến ngộ độc thuốc lá điện tử “.

TS. Nguyễn Trung Nguyên

Là người trực tiếp cấp cứu và chữa trị cho những bệnh nhân bị ngộ độc thuốc lá điện tử, bác sĩ, TS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết theo nghiên cứu, có hàng nghìn chất hóa học khác nhau tạo nên thuốc lá điện tử gây nên 1 loạt các bệnh mới. “Chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều căn bệnh nguy hiểm tiềm tàng từ thuốc lá điện tử mà ngành Y gọi là các bệnh ngộ độc mới”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cảnh báo. Đồng thời cho biết loạt chất độc nữa có thể tồn tại trong thuốc lá điện tử là ma túy. “Vì thế tôi mạnh dạn khuyến cáo phải làm sớm và làm ngay: cấm lưu hành thuốc lá điện tử tại Việt Nam. Bây giờ có lẽ không còn đủ sớm nữa rồi, nhưng phải làm ngay làm luôn”, TS. Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo.

Tại tọa đàm, thầy Nguyễn Quốc Dương, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Công Trứ (quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ, thời gian qua báo chí phản ánh tình trạng báo động học sinh hút thuốc lá điện tử, đã có học sinh bị ngộ độc, tử vong. “Đây là nỗi bất an cho mỗi gia đình, cho nhà trường, xã hội nói chung. Không ít học sinh sử dụng với lý do giải tỏa căng thẳng, thậm chí lý do bất mãn với bố mẹ, thầy cô. Đặc biệt ở lứa tuổi muốn thể hiện bản thân, thể hiện cái tôi qua đó chống đối nội quy của nhà trường. Nhưng lo lắng nhất là việc dùng thuốc lá điện tử theo nhóm. Vì khi đã “lún vào”, học sinh càng ngày càng có nhu cầu tăng thêm chất cấm trong thuốc lá điện tử”, thầy Dương nói.

“Bệnh thế hệ mới”

Phòng chống thuốc lá điện tử trong trường học hiện đang gặp không ít khó khăn vì thuốc rất dễ mua, có loại không để lại mùi, khó phát hiện; thiết bị được ngụy trang dưới dạng các dụng cụ sử dụng hằng ngày. Thạc sĩ Đỗ Trần Phương Anh, chuyên gia tâm lý của Dự án phi chính phủ Hoàng Gia Anh thông tin, thuốc lá điện tử len lỏi vào trường học không phải chỉ bằng con đường học sinh hút mà còn bằng hình thức bán do gia đình các em kinh doanh mặt hàng này.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên thẳng thắn cho rằng nếu chỉ gọi tên thuốc lá điện tử sẽ không thấy được mức độ nguy hiểm của nó mà phải gọi là “Bệnh thế hệ mới”. “Tên gọi này khiến cho người nghe phải cảm thấy lo lắng. Còn thời điểm hiện tại, khi chỉ gọi là thuốc lá điện tử hay thuốc lá thế hệ mới không những kích thích sự tò mò mà còn khiến học sinh, sinh viên lầm tưởng về những lợi ích mà nó có thể mang lại”, bác sĩ Nguyên chia sẻ.

Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội (nay là Sở Công thương), nguyên Phó Thường trực Ban Phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại 127 thành phố Hà Nội khẳng định dưới góc độ thương mại, việc đấu tranh cấm thuốc lá điện tử cũng cần được coi là vấn đề cấp bách.

MỚI - NÓNG
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
TPO - Sáng nay 12/12, người dân TPHCM đón ngày mới trong thời tiết mát mẻ, nắng yếu nhưng sương mù tiếp tục bao phủ nhiều nơi. Tham khảo trên ứng dụng quan trắc không khí Air Visual cho thấy, nhiều khu vực tại TPHCM có điểm đo chất lượng không khí không tốt cho sức khỏe.