Cẩn thận với “nấm” ngày mưa

Cẩn thận với “nấm” ngày mưa
Có những giai đoạn, cả đàn ông hay phụ nữ đều "sợ" chuyện chăn gối, thường đổ cho sức ép công việc để trốn chuyện phòng the. Nhưng thực ra thủ phạm lại do bệnh ở chỗ kín gây nên.

> Xông hơi “vùng kín”, cẩn thận mang họa
> Xử lý khi bị ngứa "vùng kín"

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
 

Tái mắc bệnh do chủ quan

Khi mưa nhiều, khí hậu ẩm ướt nên vi khuẩn gây bệnh dễ sinh trưởng. Theo BS Lê Quân (Trung tâm Y tế bác sĩ gia đình Hà Nội), đàn ông dễ mắc viêm da vùng kín, trong đó mặc đồ lót ẩm ướt trong thời gian dài là một trong những nguyên nhân gây bệnh.

Với phụ nữ, theo TS. BS Lê Thị Thu Hà, Phó khoa Khám bệnh, BV Phụ sản Từ Dũ (TP HCM), ẩm ướt vùng kín sẽ rất dễ bị viêm nhiễm, trong đó viêm âm hộ, âm đạo là phổ biến nhất. Viêm âm đạo (ngứa, nhiều bạch huyết, có thể đau từng cơn khó chịu) có thể lây lan sâu, gây viêm nhiễm vùng chậu, tắc và viêm ống dẫn trứng, viêm tử cung gây mủ... Bệnh hay tái mắc do chủ quan trong vệ sinh phòng bệnh hoặc lây từ chồng...

Mới đây các bác sĩ còn nhận thấy càng bị stress nhiều thì phụ nữ càng có nguy cơ viêm âm đạo (có thể do stress đã làm suy yếu hệ miễn dịch). Một số phụ nữ lớn tuổi có thói quen ngâm vùng kín vào các dung dịch thuốc rửa, hoặc dùng các dung dịch rửa làm mất các loại vi sinh cả tốt và xấu trong âm đạo; vi khuẩn lan vào nước tấn công gây viêm nhiễm vùng kín.

Các cô gái trẻ lại thích dùng băng vệ sinh mỏng (hàng ngày) giữ sạch quần lót đã làm dày thêm quần lót, bít sự thông thoáng và trong tiết trời mưa ẩm càng dễ mắc bệnh. Ngay cả việc rửa bằng cách xối vòi nước mạnh cũng làm mất nhiều vi khuẩn có lợi, nguy cơ viêm nhiễm cao.

Dùng thuốc đúng chỉ dẫn

Theo các bác sĩ, phụ nữ ngày nay có kiến thức về sức khỏe sinh sản, nhưng nhiều người tái bệnh do chủ quan vì đã đặt, uống thuốc và khỏi bệnh rồi nên bỏ thuốc giữa chừng, vệ sinh không đúng cách, thậm chí không tái khám theo lịch hẹn... Có người đã khỏi thì "sợ" nên thụt rửa bằng dung dịch sát khuẩn liên tục, gây mất cân bằng, độ pH bị kiềm hoá... càng làm tác nhân gây bệnh phát triển.

Ngứa cơ quan sinh dục rất khó chịu nhưng bạn đừng bao giờ gãi. Khi mắc bệnh nên trao đổi với người bạn đời để tránh hiểu sai lệch, làm tổn hại đến nhau.

Với đàn ông biểu hiện bệnh không rõ, vi trùng ẩn nấp lâu mới phát, quý ông lại ngại khám, ít hợp tác nên rất dễ lây bệnh cho vợ. Vì vậy người chồng cần dùng bao cao su để tránh bị lây và nên chữa trị dứt điểm. - BS Lê Quân, Trung tâm Y tế bác sĩ gia đình Hà Nội. 

BS Lê Quân khuyên, giữ vùng kín khô thoáng, sạch là tự bảo vệ mình. Nên giữ sạch và khô thoáng vùng kín, thay quần lót thường xuyên, rửa bằng nước sạch sẽ loại trừ vi nấm, vi khuẩn.

Mẩn ngứa thông thường có thể dùng nước rửa chứa acid lactic. Nhưng ngứa đi kèm với sưng rát, tấy đỏ là đã bị viêm nhiễm, cần đi khám ngay. Dù dùng thuốc uống, thuốc đặt, hoặc cả thuốc thoa bên ngoài cũng phải đúng chỉ dẫn, đủ liều để tránh tái phát và khó dứt điểm.

Theo BS Lê Thị Thu Hà, nếu chị em liên tục ở bên ngoài (do công việc, học tập...), nên dùng miếng lót mini, sau 4 giờ nên thay mới một lần. Trước và sau khi "quan hệ" nên vệ sinh sạch sẽ để giảm thiểu vi khuẩn có cơ hội xâm nhập. Nên mặc đồ lót vừa vặn, chất liệu vải cotton để thoải mái, thoáng mát.

Hạn chế đồ lót dạng dây vì khi vận động, sợi dây sẽ chuyển vi khuẩn từ hậu môn tới các bộ phận sinh dục. Đồ lót bó sát vào da sẽ ngăn da tiếp xúc với không khí và làm rối loạn tuần hoàn máu.

Đồ lót thay ra phải giặt ngay, không ngâm. Giặt xong phải phơi nơi khô thoáng, có ánh nắng mặt trời để diệt khuẩn. Không nên phơi quần áo qua đêm ngoài trời, đặc biệt là đồ lót vì sương dễ gây ẩm mốc. Tối kỵ là để lẫn quần áo ẩm mốc dính vào đồ lót sẽ dễ sinh sôi vi khuẩn.

Trời mưa không nên mặc quần lót giấy. Nếu lỡ đi mưa bị ướt cần thay ngay đồ lót, hoặc tìm cách hong khô nhanh, vì để lâu sẽ sinh ngứa, nấm. Nếu trời mưa liên miên thì có thể giặt quần lót qua nước nóng, nếu không có máy sấy quần áo có thể dùng máy sấy tóc sấy khô hoặc là qua trước khi mặc.

Theo Trà Giang
Gia đình và Xã hội

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG