Cận Tết, doanh nghiệp 'khát' lao động

Tình trạng thiếu lao động của Việt Nam đang ở mức lo ngại
Tình trạng thiếu lao động của Việt Nam đang ở mức lo ngại
TP - Theo lãnh đạo nhiều doanh nghiệp, cứ mỗi dịp cận Tết, họ lại lo ngay ngáy vì tình trạng lao động. 

Gửi công văn “cầu cứu”

Hơn 2 tháng nay, Cty TNHH Regina Miracle International VN - doanh nghiệp chuyên về may mặc (trụ sở tại Thủy Nguyên, Hải Phòng) liên tục thông báo tuyển công nhân qua nhiều hình thức khác nhau, từ phát tờ rơi, đăng tin tuyển dụng trên các trang mạng điện tử, đến tuyển dụng trực tiếp tại Sàn giao dịch việc làm. Thậm chí, công ty còn trao thưởng cho công nhân nếu giới thiệu được người vào làm việc cho công ty.

Bà Nguyễn Thị Lành, đại diện Cty Regina Miracle International VN cho biết, nhu cầu của công ty khoảng 50 nghìn lao động. Tuy nhiên, hiện mới chỉ tuyển được 35 nghìn người. “Càng về gần Tết, công ty tuyển lao động càng khó. Năm trước, công ty đã phải gửi công văn “cầu cứu” Sở Lao động - TBXH TP Hải Phòng và Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng. Năm nay, tình trạng khan hiếm lao động tiếp tục xảy ra”, bà Lành cho hay.

Theo bà Lành, tình trạng thiếu lao động diễn ra phổ biến ở các lĩnh vực, với xu hướng năm sau cao hơn năm trước. Đặc biệt, trong bối cảnh lực lượng lao động trẻ từ 25-32 tuổi không còn dồi dào như trước .

Cũng rơi vào tình cảnh tương tự, Cty TNHH Pou Yuen Việt Nam (trụ sở tại quận Bình Tân, TPHCM) cho biết, dịp cận Tết Nguyên đán, đơn vị này đang thiếu khoảng 4 nghìn lao động. Theo ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn công ty, mặc dù đã đưa ra nhiều chính sách lương, thưởng hấp dẫn, tuy nhiên, công ty vẫn không tuyển được đủ số lao động.

Theo ông Nghiệp, nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu lao động là do sự phát triển mạnh của các khu công nghiệp (KCN), nhà máy ở các tỉnh, thành. “Tỉnh nào cũng có KCN nên lao động muốn làm việc tại quê hơn, thay vì lên thành phố. Chưa kể, nhiều lao động đang lựa chọn xuất khẩu lao động với thu nhập cao hơn. Thời điểm này, các doanh nghiệp ở khu vực TP HCM rất khó tuyển lao động”, ông Nghiệp nói.

Theo ông Đoàn Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Cty CP May Nam Hà (Nam Định), cứ mỗi dịp cận Tết, doanh nghiệp lại lo ngay ngáy vì thiếu lao động. Đây là thời điểm áp lực nhất trong năm khi phải hoàn thành chỉ tiêu các đơn hàng. Ông Dũng cho biết, sự cạnh tranh lao động trong các ngành nghề sử dụng nhiều nhân công đang diễn ra khốc liệt. “Không ít doanh nghiệp dệt may phải chấp nhận tuyển cả lao động trên 35-40 tuổi để bù đắp sự thiếu hụt này. Chúng tôi phải đưa ra chính sách cho nhân viên đóng góp cổ phần vào công ty để giữ chân, nhưng vẫn luôn trong tình trạng thiếu nhân lực”, ông Dũng chia sẻ.

Thiếu lao động tay nghề cao

Bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành Navigos Search (đơn vị sở hữu trang web tuyển dụng trực tuyến hàng đầu Việt Nam) cho biết, các doanh nghiệp hiện không chỉ thiếu lao động phổ thông mà còn thiếu lao động có tay nghề cao.

Theo bà Mai, với sự tăng trưởng kinh tế ổn định, Việt Nam đang thu hút nguồn đầu tư lớn từ nước ngoài. Đặc biệt, trong năm 2019, vốn đầu tư trực tiếp từ các nước và vùng lãnh thổ như Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc vào Việt Nam tiếp tục tăng mạnh. Ở lĩnh vực dệt may, da giày, nhiều doanh nghiệp từ các nước châu Âu cũng lựa chọn Việt Nam. Trong khi đó, ở lĩnh vực công nghiệp sản xuất, điện tử…, năm nay chứng kiến sự mở rộng của nhiều doanh nghiệp mới của Nhật Bản đầu tư vào các KCN như Amata Đồng Nai, VSIP2 Bình Dương, KCN Phú Mỹ (Bà Rịa, Vũng Tàu).

“Các công ty này đều có kế hoạch mở rộng hoặc dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam kéo theo nhu cầu tuyển dụng cuối năm tăng cao. Riêng ở miền Bắc, trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nhu cầu tuyển dụng của Quý 3 đã tăng lên 30% so với Quý 2 và cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái”, đại diện Navigos nhận định.

Bà Nguyễn Phương Mai cũng dự báo, với làn sóng đầu tư như hiện nay, thời gian tới nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp trung, cấp cao trên nhiều lĩnh vực, từ sản xuất, hàng tiêu dùng/bán lẻ, IT,… cũng sẽ tăng cao, chiếm gần 60% nhu cầu tuyển dụng.

Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Ánh, Trưởng phòng thông tin thị trường lao động, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, trong dịp Tết Nguyên đán năm nay thị trường lao động tại TPHCM cần khoảng 30 nghìn lao động, tăng khoảng 5 nghìn lao động so với thời điểm năm ngoái. Dự báo trong năm 2020, TPHCM cần khoảng 323 nghìn lao động, trong đó có 135 nghìn lao động mới. Để đáp ứng yêu cầu công việc, bà Ánh cho rằng các doanh nghiệp cần chủ động thông tin sớm và có các chính sách thu hút, giữ chân người lao động phù hợp.

Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết, cách đây 5 năm, mỗi năm Việt Nam có thêm 1 triệu người lao động. Tuy nhiên, hiện nay con số này chỉ còn 400 nghìn người. Việt Nam đang bước vào giai đoạn giảm lao động rõ rệt, không chỉ thiếu lao động phổ thông mà còn thiếu cả lao động có trình độ tay nghề.

MỚI - NÓNG