Cần tăng cường giám sát về giảm án tha tù

0:00 / 0:00
0:00
“Trùm” cờ bạc Phan Sào Nam, bị cáo trong vụ đánh bạc chục nghìn tỷ đồng Ảnh: IT
“Trùm” cờ bạc Phan Sào Nam, bị cáo trong vụ đánh bạc chục nghìn tỷ đồng Ảnh: IT
TP - Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh cho rằng, từ vụ Phan Sào Nam được tha tù trước thời hạn cùng nhiều vụ án khác, đặc biệt liên quan đến tội phạm tham nhũng, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội có thể tiến hành giám sát về thực trạng giảm án tha tù hiện nay.

Kháng nghị có cơ sở

Với quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của TAND tỉnh Quảng Ninh, phạm nhân Phan Sào Nam, bị cáo trong vụ đánh bạc chục nghìn tỷ đồng đã được ra tù trước thời hạn 22 tháng. Vừa qua, Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã có kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị hủy quyết định giảm án với Phan Sào Nam. Ông thấy sao về căn cứ kháng nghị của viện Kiểm sát?

Vụ Phan Sào Nam, theo tôi là vụ án điển hình, được dư luận, báo chí và cử tri quan tâm. Khi Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đưa ra kháng nghị, đương nhiên họ phải có căn cứ, cơ sở. Như vụ Hồ Duy Hải trước đây, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng từng kháng nghị. Kháng nghị đưa ra dựa vào các quy định pháp luật, quy định của Bộ Luật Tố tụng Hình sự. Đã là kháng nghị thì phải có căn cứ, còn chấp nhận kháng nghị và tuyên ra sao, sẽ do tòa án sau này quyết định.

Cần tăng cường giám sát về giảm án tha tù ảnh 1

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng

Những lập luận, căn cứ của viện kiểm sát đưa ra, đến giờ tôi cũng chỉ dựa vào thông tin chính thống trên báo chí, cũng chưa có báo cáo chính thức của cơ quan có thẩm quyền nào. Nhưng qua theo dõi thông tin trên báo chí, trong đó có báo Tiền Phong phản ánh, rõ ràng những căn cứ đó là có cơ sở. Ví dụ như kết quả phân loại kết quả rèn luyện, cải tạo của phạm nhân khi chấp hành án, chắc chắn khi kháng nghị, người ta phải căn cứ vào tài liệu thu thập được về kết quả phân loại của phạm nhân trong thời điểm đó.

Bên cạnh đó, việc dựa vào căn cứ cho rằng, Phan Sào Nam “lập công” khi vận động đối tượng truy nã quốc tế Lê Văn Kiên ra đầu thú cũng chưa thuyết phục. Theo tôi, nếu ngay trong giai đoạn điều tra, Phan Sào Nam làm được việc đó thì mới mang ý nghĩa “thành tích đặc biệt”. Còn ở đây, vụ án đã được đưa ra xét xử rồi. Cho nên việc vận động đó nếu có thực, cũng chỉ là một trong những cơ sở để đối tượng ra đầu thú thôi, chứ không thể khẳng định được vì sự vận động đó mà đối tượng ra đầu thú.

Bên cạnh đó, cơ quan điều tra cũng phải đặt ra vấn đề, tại sao trong trại giam, trong điều kiện ấy, Phan Sào Nam vẫn làm được công tác vận động như vậy? Theo tôi, cái này gọi là “thành tích” thì còn được. Nếu gọi là “thành tích đặc biệt” để xét giảm án thì không thuyết phục. Tất nhiên, kết quả ra sao, sau này tòa án có thẩm quyền sẽ xem xét, quyết định.

Thứ nữa là vấn đề thi hành án. Việc cho rằng, Phan Sào Nam tự nguyện thi hành án có thực sự thuyết phục? Thông thường, việc được xem xét tự nguyện thi hành án phải diễn ra trước hoặc ngay khi tòa xét xử, tuyên án. Còn cứ kiểu câu dầm, câu nhử, nay nộp một ít, mai nộp một ít, để rồi được xem xét tự giác thi hành án thì không thuyết phục. Nếu ngay từ đầu, trong giai đoạn điều tra, xét xử mà bị can, bị cáo khắc phục hậu quả một cách tự nguyện mới là thuyết phục. Bởi vì bị cáo vẫn có tài sản, vẫn có tài khoản ở nước ngoài mà? Vì thế, tôi vẫn thấy có cái gì đó không rõ ràng ở đây.

“Trong trường hợp kháng nghị được Tòa án cấp cao tại Hà Nội chấp nhận thì cần phải xem xét cả trách nhiệm của các cơ quan trong việc đưa ra các quyết định giảm án cho Phan Sào Nam. Thậm chí, nếu có dấu hiệu hình sự thì phải xem xét về hình sự, xem có tha tù trái với pháp luật không?”. ông Nguyễn Thanh Hồng

Xem xét trách nhiệm, kể cả dấu hiệu hình sự

Điều gì sẽ xảy ra khi kháng nghị của Viện kiểm sát cấp cao được Tòa cấp cao tại Hà Nội chấp thuận và hủy quyết định giảm án? Ngoài Phan Sào Nam, có cần thiết phải xem xét cả trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan không, thưa ông?

Khi kháng nghị được Tòa án cấp cao tại Hà Nội chấp nhận, đưa ra xem xét, nếu thấy có căn cứ để hủy quyết định giảm án tha tù thì Phan Sào Nam buộc phải chấp nhận lại bản án. Lúc đó sẽ phải thay đổi quyết định của TAND tỉnh quảng Ninh. Những quyết định trước đây phải được khôi phục lại và thực hiện đúng theo các quy định đã tuyên. Đương nhiên lúc đó Phan Sào Nam sẽ phải tiếp tục thi hành án, tiếp tục hình phạt tù.

Trong trường hợp đó, theo tôi, cần phải xem xét cả trách nhiệm của các cơ quan trong việc đưa ra các quyết định giảm án này. Thậm chí, nếu có dấu hiệu hình sự thì phải xem xét về hình sự, xem anh có tha tù trái với pháp luật không?

Từ vụ Phan Sào Nam và yêu cầu của thực tế, có ý kiến cho rằng, cơ quan chức năng của Quốc hội cần sớm tiến hành giám sát về thực trạng giảm án tha tù. Ông thấy sao về đề xuất này?

Tôi cũng chưa rõ Quốc hội, hay Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã có giám sát về vấn đề này chưa. Tuy nhiên theo tôi, điều này là cần thiết. Như chúng ta biết, giảm án tha tù là vấn đề vừa mang tính chất nhân đạo, vừa mang tính chất đánh giá kết quả của hoạt động giáo dục, cải tạo phạm nhân trong khi thi hành án. Rồi cũng đánh giá lại công tác quản lý Nhà nước, thực thi pháp luật trong lĩnh vực này. Nếu dựa trên những tiêu chí đó, nếu xét thấy cần thiết, chúng ta vẫn có thể tiến hành giám sát nội dung này.

Mặt khác, bên cạnh vụ Phan Sào Nam, dư luận cũng băn khoăn nhiều vấn đề liên quan đến một số vụ án khác, đặc biệt liên quan đến tội phạm tham nhũng. Tránh tình trạng nhiều khi án phạt tuyên ra nghiêm khắc, nhưng việc thực thi sau đó lại không được giám sát chặt chẽ , làm suy giảm sự tôn nghiêm của pháp luật. Dưới góc độ ấy, chúng ta cần phải sớm tăng cường giám sát việc giảm án tha tù. Và theo tôi, vấn đề này nên giám sát ở cấp độ Ủy ban, cụ thể là Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

Trân trọng cảm ơn ông.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, ủy viên ủy ban Pháp luật của Quốc hội: Ủng hộ giám sát tha tù trước thời hạn

Cần tăng cường giám sát về giảm án tha tù ảnh 2

ĐBQH Phạm Văn Hòa

Chúng ta đều biết, luật đã quy định rõ ràng về vấn đề giảm án tha tù trước thời hạn. Điều này thể hiện tính nhân văn của luật pháp Việt Nam. Tuy nhiên, việc tha tù trước thời hạn cũng có quy định rất rạch ròi, như việc chấp hành tốt nội quy của trại, không vi phạm, vấn đề đền bù thiệt hại cùng thời gian thụ hình… Đối với Phan Sào Nam, cần phải căn cứ vào từng nội dung cụ thể trong việc xét giảm, xem có hoàn toàn hợp lý, có đủ căn cứ hay không.

Việc này ra sao, đúng sai thế nào sẽ phải chờ đợi quyết định của Tòa án cấp cao tại Hà Nội. Nếu giám đốc thẩm xét thấy Phan Sào Nam thụ hình chưa đủ, ra tù trước thời hạn không đúng quy định, thì các cơ quan liên quan, trong đó có người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về việc này. Bởi nếu xét giảm án không đúng cũng không loại trừ có sự mờ ám, khuất tất, tiêu cực trong đó.

Lâu nay có rất nhiều trường hợp được xem xét, cho ra tù trước thời hạn. Chính vì vậy cần phải xem xét vụ Phan Sào Nam thật chi ly, cụ thể, rõ ràng, làm rõ vấn đề và trả lời cho công luận. Vừa đảm bảo sự nghiêm minh, công bằng với mọi đối tượng, cũng để làm gương cho các vụ việc khác. Đặc biệt những vụ án liên quan đến kinh tế, đối tượng có thể dùng nhiều tiền, hoặc rất nhiều tiền để thay án tù.

Nếu có dư luận và báo chí đặt ra, tôi nghĩ rất cần thiết để Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hay cơ quan chuyên môn là Ủy ban Tư pháp vào cuộc, giám sát vấn đề tha tù trước thời hạn. Trước đây Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã từng giám sát về oan, sai, điều này rất cần thiết. Với giảm án tha tù, nếu xét thấy có dấu hiệu tiêu cực, bức thiết thì nên xem xét tiến hành giám sát và tôi ủng hộ việc này.

THÀNH NAM (ghi)

MỚI - NÓNG