Điều gì khiến anh không ngần ngại nhận lời làm giám khảo Liên hoan nghệ thuật toàn thế giới "Tôi yêu tiếng nước tôi" 2019 tại Ba Lan?
Tôi rất vui bởi đây là lần thứ hai ngồi ở vị trí này. Lần trước tôi từng sang Lào làm giám khảo Tôi yêu tiếng nước tôi. Năm nay, tôi thêm lần nữa được trải nghiệm không gian âm nhạc hồn nhiên như thế. Sự hồn nhiên ở đây chính là việc không có sự sắp đặt, thí sinh khẳng định khả năng đích thực của họ. Thứ nữa, tôi lại được thưởng thức những giọng hát hay đích thực. Có nhiều người có giọng hát và tài năng nghệ thuật nhưng do số phận, cuộc đời họ phải bươn chải bằng cuộc sống khác. Tôi yêu tiếng nước tôi là sân chơi để những người con xa quê thể hiện khả năng thiên bẩm.
Không còn xa lạ với “Tôi yêu tiếng nước tôi” nữa, vậy anh đánh giá thế nào về chất lượng giọng hát ở sân chơi này?
Có những giọng hát hay còn hơn ca sĩ chuyên nghiệp. Tôi từng trải nghiệm cuộc thi tại Lào, kinh ngạc vì có những người hát hay chẳng kém gì Anh Thơ, Lan Anh cả.
Tôi là một trong những người sống trong môi trường chuyên nghiệp từ nhỏ, đến giờ tôi thấy đôi khi làm nghề là sự may mắn. Thời gian qua trong nước có quá nhiều cuộc thi đến mức kiệt quệ tài năng. Tôi yêu tiếng nước tôi khai thác được những giọng hát hồn nhiên và hay đến ngỡ ngàng. Đó là điều tôi rất thích thú.
Anh có chút lăn tăn nào khi chấm những giọng hát mộc mạc như thế không?
Tôi cũng nhận được nhiều lời mời chấm vòng loại một số cuộc thi quy mô lớn trong nước, giờ không nhận lời nữa vì nhiều cuộc thi quá, tài năng thực sự trong nước có giới hạn. Đến với Tôi yêu tiếng nước tôi, chúng tôi cơ hội khám phá, nghe những giọng hát mà đến 40-50 tuổi mới có cơ hội tỏa sáng.
Tôi dám mạnh dạn nói đôi khi đào tạo qua trường lớp không bằng những thí sinh đến với Tôi yêu tiếng nước tôi. Có những người thiên bẩm cho họ cứ mở miệng ra có âm khu chuẩn mực. Dĩ nhiên giám khảo là người học chuyên nghiệp phải nhìn rõ đâu là học thuật, đâu là bản năng. Với tôi bản năng là yếu tố quyết định đối với nghệ sĩ. Có nhiều bạn bản năng tốt, khi vào trường lớp chuyên nghiệp lại nghiêng về sách vở quá rồi đánh mất bản năng. Nghệ thuật nói chung âm nhạc nói riêng, bản năng là tiên quyết, là cái hồn để khẳng định cái tôi nghệ sĩ. Người thông minh phải biết cân bằng giữa thiên bẩm và học thuật.
Nhiều cuộc thi trong nước trở nên quen thuộc, nhiều cuộc thi mua bản quyền từ những format nổi tiếng thế giới, vậy theo anh liên hoan "Tôi yêu tiếng nước tôi" thế này có cần thiết không?
Không thừa chút nào đâu. Những cuộc thi kia thường gói gọn trong nước, vài năm gần đây đang có dấu hiệu một số người chưa xứng đáng nhưng không ai thi thì nhất thôi. Tôi yêu tiếng nước tôi lại khác: Những người yêu ca hát nhất là yêu tiếng Việt và gìn giữ văn hóa Việt, không đi theo nghệ thuật chuyên nghiệp có cơ hội kết nối trên sân khấu. Họ xác định đây là cuộc chơi, không vì mục đích giải thưởng hay thương mại thì chắc chắn họ dồn hết tâm huyết chính là điều đáng quý. Điều đó không hề tẻ nhạt.
Tôi quá bão hòa với âm nhạc, nhiều khi còn sợ nghe nhạc mà còn thích nghe họ hát, cho nên tôi tin rằng những người ít nghe nhạc hơn chắc chắn thích.
Cảm ơn anh!
Tôi yêu tiếng nước tôi 2019 tổ chức tại Warszawa, Ba Lan từ 12-15/9, do Hội bảo vệ quyền của nghệ sỹ biểu diễn âm nhạc Việt Nam phối hợp Hội Người Việt Nam tại Ba Lan tổ chức. Công ty Cổ phần Tiền Phong (báo Tiền Phong) và Thanh Hoa Concert là đơn vị thực hiện. Thí sinh phải biểu diễn một ca khúc dân ca nguyên thể, một ca khúc tự chọn bằng tiếng Việt. Lựa chọn ca khúc dân ca của thí sinh khá đa dạng, từ dân ca Bắc bộ, quan họ Bắc Ninh, dân ca Thái, dân ca Xê Đăng cho tới hát văn.
Cuộc thi dành cho thí sinh người Việt sinh sống, làm việc ở trong và ngoài nước, phần lớn được tuyển lựa từ các cuộc thi do người Việt tổ chức trước đó. 31 thí sinh dự liên hoan tại Ba Lan sau khi tập trung và rút thăm thứ tự bước vào ngày thi dân ca 14/9, thi bài hát tự chọn vào ngày 15/9. Lễ trao giải 15/9/2019. Ban tổ chức dự kiến trao 5 Huy chương Vàng, 10 huy chương Bạc, 15 Giải Khuyến khích, tặng Cúp và Bằng chứng nhận cho thí sinh.