Cần quy định xử lý hình sự pháp nhân

Cần quy định xử lý hình sự pháp nhân
TP - Gần đây, xuất hiện nhiều ý kiến về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân. Những người ủng hộ cho rằng cần truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mới ngăn chặn được những hành vi nguy hiểm cho xã hội do những người nhân danh pháp nhân thực hiện (các nước phát triển đã thực hiện từ lâu).

> Vì sao cần xử lý hình sự cả với pháp nhân?

Ý kiến phản đối lại nói không nên (hoặc không thể), bởi không thể bỏ tù, xử bắn pháp nhân; còn với những cá nhân phạm tội, pháp luật hình sự nước ta đã có quy định cá thể hóa hành vi, với các chế tài xử lý phù hợp.

Nhìn chung, ý kiến ủng hộ hoặc phản đối tập trung vào hai vấn đề: Chủ thể của tội phạm là pháp nhân được không? Chế tài hình sự với pháp nhân thế nào?

Hai câu hỏi trên, đều đã có câu trả lời trong các văn bản pháp quy của Nhà nước.

Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính quy định “xử phạt vi phạm hành chính được áp dụng đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức”. Như vậy, chủ thể hành vi vi phạm pháp luật không chỉ là cá nhân, mà còn là cơ quan, tổ chức (pháp nhân).

Quy định này cho phép nhận định, tùy thuộc tính chất, mức độ vi phạm pháp luật, mà phải xử lý hành chính hoặc cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân.

Về chế tài xử lý, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính quy định các hình thức cho cả thể nhân và pháp nhân: cảnh cáo; phạt tiền; tước quyền sử dụng giấy phép/ chứng chỉ hành nghề; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm. Ngoài ra, có thể buộc khôi phục tình trạng ban đầu; buộc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh; buộc tiêu hủy hoặc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hàng hoá, vật phẩm, phương tiện gây hại… Những chế tài vừa nêu cũng đã có trong Bộ luật Hình sự, chỉ thiếu quy định áp dụng với pháp nhân.

Vấn đề đáng bàn là trình tự điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án… đối với pháp nhân như thế nào? Những quy định tố tụng này cần chặt chẽ, khả thi, không chỉ đáp ứng đấu tranh phòng chống tội phạm, mà còn nhằm đảm bảo các quyền cơ bản của doanh nghiệp; chẳng hạn, không ai được làm ảnh hưởng hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nếu pháp nhân đó chưa bị khởi tố để điều tra.

Hy vọng khi có quy định truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân, sẽ hạn chế đáng kể những vụ sản xuất kinh doanh lỗ báo cáo lãi gây thất thoát ngân sách nhà nước, trốn thuế, xả thải gây ô nhiễm môi trường, nợ (thực chất là quỵt) tiền bảo hiểm xã hội, sản xuất hàng giả, hàng nhái… đang diễn ra nhức nhối ở nước ta.

Những trường hợp pháp nhân bị khởi tố để điều tra, cơ quan tiến hành tố tụng có thể cấm xuất cảnh, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với những nhân vật chủ chốt như Chủ tịch HĐQT, Giám đốc, Kế toán trưởng, ngay cả khi những người này chưa bị khởi tố bị can, tránh trường hợp khi cá thể hóa được hành vi vi phạm thì những cá nhân này đã cao chạy xa bay mất rồi.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG