> Các địa phương khẩn trương phòng chống bão lũ
> Tập huấn phòng chống lụt bão cho ngư dân
Phó Thủ tướng đề nghị Ban chỉ đạo PCLB T.Ư và Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư nghiên cứu cách thông báo tâm bão đổ bộ vào khu vực nào qua điện thoại di động, giống như cơ chế thông tin cảnh báo sóng thần hiện nay.
Về cơn bão số 6, Phó Thủ tướng yêu cầu tập trung kiểm tra, kiểm soát tàu thuyền trên biển, tàu đánh bắt xa bờ dứt khoát không cho ra khơi. Các địa phương, nhất là các tỉnh Bắc Trung bộ, kiểm tra lại hồ chứa, theo dõi sát tình hình mưa lũ và xử lý chính xác cách vận hành. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương, bộ, ngành rà soát và chấn chỉnh phương án 4 tại chỗ.
Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư, cho biết, chiều 2-10, tâm bão số 6 cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 450 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (từ 103 đến 117 km/h), giật cấp 12, cấp 13. Dự báo, chiều nay (3-10), tâm bão ở vào khoảng 17,3 độ vĩ bắc; 113,4 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 140 km về phía đông, cấp độ bão giữ nguyên.
Theo ông Tăng, sau đó, bão số 6 di chuyển với tốc độ vừa phải, khoảng 10-15 km/h, hướng khá ổn định giữa tây và tây tây bắc. Đến 16 giờ chiều mai (4-10), tâm bão ở vào khoảng 17,9 độ vĩ bắc; 110,0 độ kinh đông, trên vùng bờ biển phía nam đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách bờ biển Quảng Trị - Thừa Thiên Huế khoảng 290 km về phía đông bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133km/h), giật cấp 13, cấp 14.
Ông Tăng cho biết, theo dự báo của các đài trong khu vực, khoảng 4-5 ngày nữa, khả năng bão đổ bộ vào các tỉnh phía nam khu 4 cũ, nhưng phạm vi ảnh hưởng sẽ rất lớn. Tuy nhiên, rất khó xác định chính xác hướng đi của bão, có thể đường đi của bão lệch hướng về đảo Hải Nam.
Ông Tăng cho hay, một đợt không khí lạnh mạnh bắt đầu tràn xuống miền Bắc từ chiều qua hôm nay, ngày mai sẽ tăng cường xuống các tỉnh miền Bắc. “Việc xuất hiện đợt không khí lạnh này sẽ tác động rất lớn đến bão, có thể ép bão suy yếu đi, thậm chí có thể tan trước khi cập bờ. Tuy nhiên, diễn biến cơn bão số 6 còn rất phức tạp, vẫn chưa thể dự báo được hướng đi. Từ ngày 4-10, vùng ảnh hưởng của cơn bão mới rõ ràng hơn”, ông nói.
Bài học từ bão số 5
Bão số 5 đổ bộ vào khu vực giáp ranh Quảng Ninh - Hải Phòng chiều 30-9, dù không gây chết người, nhưng làm thiệt hại về nhà cửa, tàu thuyền…, chủ yếu ở Quảng Ninh.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám (trưởng đoàn của Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư chỉ đạo công tác phòng chống bão ở Quảng Ninh) nói: “Thiệt hại của bão số 5 gần như được hạn chế tối thiểu, nhưng đó là do bão đã giảm nhẹ, chứ không phải do công tác sẵn sàng phòng chống tốt”.
Theo ông Tám, nhận định trước đó, bão sẽ không đổ bộ trực tiếp vào khu vực Quảng Ninh, nhưng sau đó đã hướng vào tỉnh này. Thế nhưng, đến 7 giờ sáng 30-9 (lúc đã có mặt ở tỉnh), ông mới hay việc đó, và lúc ông thông báo, lãnh đạo tỉnh này mới biết thông tin.
“Quảng Ninh có rất nhiều lồng bè nuôi trồng thủy sản, nhiều người làm thuê cho chủ các lồng bè vẫn ở ngoài biển, dù trước đó đã tuyên truyền, thậm chí cưỡng chế, nhưng họ vẫn cố ở lại (có thể do chủ bè ép). Lúc biết tin, thì gió bão đã cấp 9, cấp 10 rồi, các phương tiện cứu nạn gần như không thể tiếp cận được lồng bè để cứu người nữa”, ông nói.
Ông Tám cho rằng, khi hướng bão thay đổi, cần phải thông báo cho chỉ huy các cấp qua điện thoại di động biết để tiện chỉ đạo, điều hành, vì lúc bão về, không phải lúc nào cũng có thời gian, điều kiện để xem ti vi, đọc báo, nghe đài…
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói, việc ở lại lồng bè ngoài biển khi bão vào, phải cương quyết cưỡng chế và xử phạt. Việc để 80 người dân vẫn còn ở ngoài lồng bè khi bão vào ở Vân Đồn, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh phải xử lý nghiêm các chủ lồng bè.
Theo Phó Thủ tướng, khi xác định vùng ảnh hưởng của bão, địa phương phải xem như bão vào mình, nghĩ ra đến tình huống xấu nhất để xử lý, chứ chần chừ thì thiệt hại sẽ rất lớn.
Theo Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư, lũ ở đồng bằng sông Cửu Long đã làm 10 người chết (An Giang 4 người, trong đó có 2 trẻ em; Long An 3 người, đều là trẻ em; Đồng Tháp 2 người và Cần Thơ 1 người). Lũ gây ngập gần 11.500 căn nhà ở An Giang, trên 1.600 căn ở Đồng Tháp; 200 căn ở Long An; trên 320 căn ở Cần Thơ; nhiều tuyến đê bao, bờ kênh, công trình giao thông, thủy lợi bị vỡ, hư hỏng… Lũ cũng uy hiếp hàng trăm nghìn héc-ta lúa vụ 3 chưa thu hoạch ở An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xuất ngân sách 170 tỷ đồng hỗ trợ 8 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long củng cố đê bao, bảo vệ dân cư và lúa vụ 3. |