Cần luật hóa lấy phiếu tín nhiệm

Cần luật hóa lấy phiếu tín nhiệm
TP - Đây là nội dung được nêu tại tờ trình về dự án Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi tại phiên họp UBTVQH lần thứ 24, ngày 14/1.

“Cần tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 35% tổng số đại biểu Quốc hội” – Thay mặt Ban soạn thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nêu rõ. Ý kiến này nhận được đồng tình tại UBTVQH, thậm chí Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trần Văn Hằng đề nghị tăng ĐB chuyên trách lên 40% mới đáp ứng được yêu cầu, bởi đây mới là lực lượng quyết định hoạt động của các ủy ban.

Quá trình soạn thảo có ý kiến đề nghị quy định chức danh Tổng thư ký Quốc hội như đã nêu trong Nghị quyết trung ương 7 (khóa XI). “Tuy nhiên, chức danh này không được quy định trong Hiến pháp, không phải là một chức danh lãnh đạo Quốc hội... Dự thảo Luật tại Điều 135 vẫn quy định giữ chức danh Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội như hiện nay” - ông Lý cho biết.

Nâng cấp các ban

Ban soạn thảo đề nghị quy định Ban Công tác đại biểu (hiện thuộc UBTVQH) là cơ quan thuộc Quốc hội, có chức năng tham mưu, phục vụ các hoạt động của Quốc hội, về công tác đại biểu dân cử, tổ chức bộ máy nhân sự.

Ban soạn thảo cũng  thống nhất đề nghị nâng cấp Ban Dân nguyện thành Ủy ban Dân nguyện, là đầu mối tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh gửi đến Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. “Ủy ban Dân nguyện còn có thẩm quyền như các Ủy ban khác trong việc thẩm tra, giám sát, kiến nghị về các nội dung thuộc lĩnh vực dân nguyện, giải quyết khiếu nại, tố cáo” - ông Lý cho biết.

Luật hóa lấy phiếu tín nhiệm?

Theo Ban soạn thảo tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 35/2012/QH13 quy định việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. “Việc lấy phiếu tín nhiệm đã được thực hiện tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội (tháng 5/2013), được cử tri và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. 

Tuy nhiên, Hiến pháp mới không quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm. Vậy, trong lần sửa đổi này, Luật Tổ chức Quốc hội có nên quy định về vấn đề lấy phiếu tín nhiệm hay không?”- ông Lý nêu vấn đề và cho biết quan điểm của Ban soạn thảo: “Chúng tôi vẫn đề nghị nên đưa quy định lấy phiếu tín nhiệm vào Luật Tổ chức Quốc hội, vì kết quả lấy phiếu rất tốt”. Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng, quy định lấy phiếu tín nhiệm có đưa vào luật hay vẫn để ở nghị quyết, cần phải bàn thấu đáo.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa phân tích, lấy phiếu tín nhiệm là quy trình để tiến tới bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định của Hiến pháp. Việc lấy phiếu tín nhiệm được cử tri đồng tình cao, vì vậy cần hết sức cân nhắc có quy định hay không. Chủ nhiệm UBVHGDTNTN&NĐ Đào Trọng Thi đề nghị cần có tổng kết, rồi mới đưa vào luật.

Hải quan được tạm giữ người vi phạm

Theo Điều 92 Dự thảo Luật Hải quan sửa đổi quy định “trường hợp có căn cứ cho rằng có hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan, Đội trưởng Đội kiểm soát Hải quan, Hải đội trưởng Hải đội kiểm soát trên biển có thẩm quyền dừng phương tiện vận tải, tạm giữ người, áp giải người vi phạm”.

Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến cho rằng, quy định này nhằm khắc phục bất cập của hoạt động Hải quan hiện nay. Theo Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu “nếu không có thẩm quyền tạm giữ người, phương tiện thì làm sao chống được buôn lậu”. “Tuy nhiên, việc tạm giữ người cần phải được quy định chặt chẽ, tránh lạm dụng tạm giữ người, phương tiện khi thực thi công vụ” – ông Lưu nói.

Hồng Phúc

MỚI - NÓNG